star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam hiện nay


             Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung mang tính chiến lược trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam. Bài học đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng mang tính thời sự, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ để đón nhận những cơ hội cùng thách thức lớn của quá trình hội nhập ngày một sâu, rộng.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là một bộ phận quan trọng hợp thành trong hệ thống tư tưởng của Người về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Nghiên cứu toàn bộ di cảo của Người có thể nhận thấy cụm từ “đoàn kết” được Người nhắc tới hơn hai ngàn lần và cụm từ “đại đoàn kết” được Người nhắc tới hơn tám mươi lần, điều đó nói lên sự quan tâm đối với vấn đề đoàn kết ở mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh của lịch sử, đồng thời tỏ rõ tầm chiến lược tư tưởng đoàn kết của Người. Đoàn kết có thể hiểu một cách đơn giản là sự tập hợp, kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung nào đó. Còn đại đoàn kết là đoàn kết rộng rãi tức muốn nhấn mạnh tới thành phần, quy mô, lực lượng của khối đoàn kết.

Hồ Chí Minh nói nhiều tới đoàn kết, đại đoàn kết, tuy nhiên chỉ một lần duy nhất Người định nghĩa về khái niệm đại đoàn kết: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”. Tư tưởng về đại đoàn kết tiếp tục được Hồ Chí Minh cụ thể hóa hơn trong các cụm từ như: “đại đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết dân tộc”, “toàn dân tộc ta đoàn kết”. Tuy cách diễn đạt có thể khác nhau, nhưng nội hàm của các khái niệm trên đều thống nhất khi khẳng định lực lượng của khối đại đoàn kết là của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Như vậy, đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, đoàn kết mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài thành một khối vững chắc trên cơ sở thống nhất về mục tiêu chung và những lợi ích căn bản.

Có thể khái quát tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm những vấn đề cơ bản sau.

 Một làChủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định  vai trò của đại đoàn kết

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân tộc là chiến lược lâu dài, nhất quán của cách mạng Việt Nam. Người chỉ rõ: “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.  Đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề mang tính sống còn của dân tộc Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”.

Hai làChủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích, nhiệm vụ của đoàn kết

Đối với Hồ Chí Minh, đại đoàn kết không chỉ là khẩu hiệu chiến lược mà còn là mục tiêu lâu dài của cách mạng. Đảng là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam nên tất yếu đại đoàn kết toàn dân tộc phải được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và nhiệm vụ này phải được quán triệt trong tất cả mọi lĩnh vực, từ đường lối, chủ trương, chính sách, tới hoạt động thực tiễn của Đảng. Trong lời kết thúc buổi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam ngày 3/3/1951, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC” .

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do quần chúng và vì quần chúng. Đại đoàn kết là yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng và là đòi hỏi khách quan của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh tự giải phóng bởi nếu không đoàn kết thì chính họ sẽ thất bại trong cuộc đấu tranh vì lợi ích của chính mình. Nhận thức rõ điều đó, Đảng Cộng sản phải có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn quần chúng, chuyển những nhu cầu, những đòi hỏi khách quan, tự phát của quần chúng thành những đòi hỏi tự giác, thành hiện thực có tổ chức trong khối đại đoàn kết, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh vì độc lập của dân tộc, tự do cho nhân dân và hạnh phúc cho con người.

Ba làChủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ đối tượng, nội dung và cách thức, phương pháp thực hiện đoàn kết

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đoàn kết là phải mang tính toàn dân, rộng khắp, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, thành phần, dân tộc, vùng, miền, hễ là người Việt Nam đều phải yêu nước, tham gia vào các phong trào cách mạng khác nhau. Người chỉ rõ phải: “Đoàn kết rộng rãi và lâu dài... Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Với nội dung, cách thức, phương pháp đoàn kết rất cụ thể, thiết thực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, ai cũng ra sức thi đua giết giặc lập công, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển văn hoá, y tế, giáo dục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy ở dân tộc ta có tinh thần đoàn kết rất cao, Người ví tinh thần đoàn kết như bức tường đồng vô cùng kiên cố, vững chắc mà không súng ống, quân địch nào có thể công phá được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, bậc thầy về thực hiện cách thức, phương pháp đoàn kết là lấy cái chung, đề cao cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt, đó là phương pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, lấy gương người tốt việc tốt và tự mình là tấm gương mẫu mực về thực hiện đoàn kết. Nhờ vậy, mỗi lời kêu gọi, động viên, nhắc nhở, chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết đều có sức lan toả mạnh mẽ, biến thành sức mạnh vật chất to lớn đưa cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng.

2. Sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam về thực hiện đại đoàn kết dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Kế thừa và vận dụng sáng tạo, linh hoạt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương, đường lối thực hiện đại đoàn kết phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ ở từng thời điểm, giai đoạn đặt ra. Trong các kỳ Đại hội, Đảng đều khẳng định: Đoàn kết là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh to lớn của mọi thắng lợi, phải có những chủ trương, biện pháp đúng, trúng để giữ vững, củng cố và phát triển đoàn kết thành hành động hữu ích cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sức mạnh của đoàn kết toàn dân đã được Đảng cụ thể hoá, thể chế hoá thành những nghị quyết, chỉ thị, kết luận sát hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện của mỗi vùng, miền gắn với quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các giai cấp, giai tầng xã hội, như: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết  số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Tuy nhiên, trước bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực phản động bằng chiến lược “diễn biến hoà bình” để phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa đồng bào các dân tộc với nhau thì việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức là việc làm vô cùng cấp thiết.

3. Một số biện pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay

Một làthường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi người dân về tinh thần đoàn kết của dân tộc

 Đây là nhiệm vụ mang tính thường xuyên, liên tục và được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, nhất là vào những thời điểm quyết định đến tương lai, vận mệnh của đất nước. Tuyên truyền, giáo dục để cho mỗi người dân thấy được tinh thần đoàn kết là vốn quý của dân tộc cần phải được bảo tồn và lan toả rộng khắp. Theo đó, cần đa dạng hoá nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước để mọi người được tham gia, phát huy năng lực, sở trường, thế mạnh của mình; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có năng lực, phẩm chất uy tín về đạo đức, lối sống được nhân dân kính trọng, nể phục; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng vào các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Hai làđa dạng hoá các nội dung, hình thức, phương pháp khơi dậy tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam

Về nội dung, cần hướng vào những vấn đề thiết thực gắn với cuộc sống đời thường của người dân, như gia đình khá giả, có điều kiện giúp đỡ gia đình nghèo, không có điều kiện; huy động các doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt ủng hộ cho người nghèo, không có công ăn, việc làm, ốm đau, bệnh tật không có khả năng lao động, thông qua hoạt động từ thiện, ủng hộ; tổ chức phát động chương trình chung tay quyên góp cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn hán, dịch bệnh; xây dựng đức tính nhân ái, bao dung, độ lượng giữa con người với con người trong hoạn nạn, khó khăn; theo từng địa phương, vùng, miền tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước để gắn kết con người; xây dựng môi trường thi đua trong sáng, lành mạnh, phong phú, không có sự ganh đua, cạnh tranh, đố kỵ, ganh ghét giữa con người với con người...

Về hình thức, phương pháp khơi dậy tinh thần đoàn kết được thực hiện thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức; các hội nghị để kêu gọi mọi người nêu cao tinh thần đoàn kết, khí phách ngàn đời của dân tộc; thông qua xây dựng những gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; thông qua hệ thống thông tin truyền thông ở các địa phương, nhất là đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở trong việc thực hành, nêu gương trước quần chúng nhân dân.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở trong hướng dẫn, đồng hành cùng với nhân dân tham gia vào các hoạt động chung của xã hội

Cán bộ là “cái gốc” của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu. Theo đó, đội ngũ cán bộ các cấp đặc biệt là người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị, địa phương phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình là hạt nhân đoàn kết, bám sát mọi hoạt động của quần chúng nhân dân, biết lắng nghe, chia sẻ với khó khăn, vất vả của người dân, tuyệt nhiên không được khinh thường nhân dân, người lao động chân tay; gắn việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với quá trình công tác của đội ngũ cán bộ các cấp để phát hiện, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật đối với cán bộ vi phạm nguyên tắc, Điều lệ, Cương lĩnh của Đảng. Trong mọi hoạt động của mình, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu phải luôn đặt chữ “Tâm” để giải quyết các mối quan hệ, ứng xử, xây dựng tác phong gần gũi, chân thành giữa cán bộ với cán bộ và giữa cán bộ với nhân dân. Đó không chỉ góp phần đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước  đi vào thực tiễn cuộc sống, mà còn tạo tinh thần, khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội.

Trong bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta rằng: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Thông qua hình ảnh ví von ấy, Người muốn nhấn mạnh rằng, mỗi cán bộ Đảng viên phải giữ gìn sự đoàn kết vì nó vô cùng thiêng liêng, cao cả. Tuyệt đối không gây mất đoàn kết trong Đảng, vì như vậy là tự mình làm hại đến sức mạnh và truyền thống của Đảng. Do vậy, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải giữ cho được đoàn kết, thống nhất từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, đó là sẽ là bảo bối quan trọng để chúng ta vượt khó khăn, hoạn nạn, chiến thắng tất cả. 

Th.s Nguyễn Tấn Tài – Giảng viên Tổ LLCT