star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Vấn đề giáo dục trong phim “ 3 chàng ngốc ” (3 idiots) của Rajkumar Hirani


Giáo dục là một vấn đề luôn được xã hội chú ý, không chỉ thông qua trường học, vấn đề giáo dục còn được lồng vào phim truyện để mọi người luôn đươc tiếp nhận một cách gần gũi nhất, và trong phim “Ba Chàng Ngốc” của đạo diễn Rajkumar Hirani, vấn đề giáo dục được truyền tải rất chân thật gần gũi với khán giả. Phim “ Ba Chàng Ngốc”  mang đến nhiều vấn đề giáo dục mang tính nhân văn cao, trong đó giá trị cốt lõi mà phim muốn hướng đến chính là việc học để theo đuổi sự ưu tú của bản thân chứ không vì bất kỳ một tác động nào cả, nền giáo dục cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tiềm năng của những bạn trẻ và xã hội.

  1. Giới thiệu phim.

Phim Ba Chàng Ngốc nói về ba chàng trai tuổi mới lớn với rất nhiều ý nghĩ điên rồ nhưng lại vô cùng hài hước. Phim được đạo diễn bởi Rajkumar Hirani và có sự tham gia của các diễn viên: Aamir Khan, Kareena Kapoor, R Madhavan, Sharman Joshi, Omi Vaidya, Boman Irani. Đây là bộ phim điện ảnh có doanh thu cao nhất của Ấn Độ và thắng 6 giải Filmfare Awards và 3 giải điện ảnh Ấn Độ bao gồm cả hạng mục Phim đại chúng hay nhất. Bên cạnh đó bộ phim còn giành được nhiều giải thưởng quốc tế rực rỡ. Bộ phim có nội dung xoay quanh tình bạn của ba sinh viên tại một trường đại học kĩ thuật của Ấn Độ cùng những đả kích và nỗi niềm về áp lực trong giáo dục đai học. Rancho đại diện cho lối sống tự do phóng khoáng, học vì đam mê hơn là vì điểm số, Farhan thì theo kiểu yêu một nghề, làm một nghề khác, còn Raju thì học vì muốn vươn lên gánh vác gia đình.

Bộ phim “Ba chàng ngốc” cho chúng ta thấy một thông điệp sâu sắc là “chúng ta phải học để nuôi dưỡng ước mơ, học bằng trái tim, chứ không phải vì điểm số. Học để hoàn thiện chứ không phải để giàu có”.

 

2. Raju-Học vì muốn vươn lên để gánh vác gia đình, người phải học với mong muốn giúp gia đình thoát nghèo.

   Raju, một trong ba chàng ngốc trong phim, là một nhân vật học vì muốn vươn lên gánh vác gia đình, phải học với mong muốn giúp gia đình thoát nghèo. Anh là một chàng sinh viên ít nói trong nhóm với gánh nặng gia đình trên vai. Bố thì bị bệnh nằm liệt giường , mẹ đã nghỉ hưu còn chị gái không thể lấy chồng do không có tiền hồi môn, số phận đầy khó khăn và nghiệt ngã đã khiến Raju có cái nhìn tiêu cực với tất cả mọi thứ. Điểm số của Raju luôn thấp vì cậu sống trong sợ hãi, lúc nhỏ cậu học rất tốt với mong muốn sẽ giúp bố mẹ thoát khỏi đói nghèo và điều đó khến cậu sợ. Raju còn đeo thêm bùa và nhẫn .. Cầu nguyện thượng đế giúp đỡ và cảm ơn thượng đế vì đã cho cậu được sống. Raju cần cù, muốn học ngành kỹ sư nhưng lại sợ thất bại, sợ gia đình không vượt được cảnh nghèo, sợ làm trái ý những người quyền thế. Hành trình của nhân vật này là để vượt qua những mặc cảm và trở ngại mà anh tự gieo cho bản thân.

Khi thầy hiệu trưởng Viruts để Raju phải đứng giữa 2 lựa chọn: Hoặc gia đình hoặc bạn bè, Raju đã lựa chọn cách tiêu cực nhất: Tự tử, nghĩa là trốn tránh tất cả.

Raju đã chọn nhìn mọi thứ theo hướng tiêu cực. Còn Rancho, lại luôn nhìn mọi thứ với con mắt lạc quan. Thay vì bỏ cuộc hay trốn chạy thực tế, cậu ấy chọn cách đối mặt với nó và tìm cách giải quyết các vấn đề. Chính tinh thần ấy của Rancho đã cứu sống Raju, và cũng chính nó đã dạy Raju cách đối diện với cuộc sống và những nỗi sợ hãi: Không phải bằng thánh thần hay cầu nguyện, mà bằng chính thái độ sống của bản thân. Và Raju – con người luôn đứng chót hoặc gần chót trong số 200 sinh viên của ICE, người đã đi phỏng vấn trên một chiếc xe lăn đã nhận được công việc đầu tiên trong khi kỳ thi cuối cùng còn chưa diễn ra. Nhân vật Raju cũng nói lên được rằng điều kiện gia đình cũng sẽ là vật cản trên con đường của bạn, và thái độ tiêu cực cũng sẽ là vật cản, ai trong chúng ta cũng muốn bản thân sau này trường thành sẽ gánh vác cho gia đình, nhưng giáo dục là nơi truyền đạt kiến thức, dạy cho chúng ta những điều cần biết để va chạm xã hội, và việc Raju có thể giúp gia đình thoát nghèo hay không phụ thuộc vào chính cách mà anh muốn học như thế nào.

3. Farhan - Yêu một nghề, học một nghề khác, người đam mê nhiếp ảnh nhưng phải học nghề kỹ sư theo nguyện vọng của cha.

“Tôi được sinh ra vào lúc 5 giờ 15 phút chiều. Lúc 5 giờ 16 phút cha tôi tuyên bố “Con tôi sẽ trở thành một kỹ sư. Farhan Qureshi, kỹ sư công nghệ.” Và cuộc đời tôi đã được đóng dấu.” Đó là những lời mở đầu câu chuyện của Farhan, người dành cả thanh xuân để theo đuổi ước mơ của... cha mẹ. Ngay từ khi chào đời, anh đã được cha mình định sẵn sẽ làm một kỹ sư trong tương lai, mặc dù đam mê của anh là một nhiếp ảnh gia động vật hoang dã, và anh thi vào trường Cơ khí chỉ để cha mẹ được vui lòng. Đôi khi giáo dục đại học không đưa chúng ta đến đích mà ta mong muốn, không phải ai cũng lựa chọn đúng cho tương lai của mình, và từ nhân vật Farhan cho chúng ta thấy được khi ta gò bó bản thân trong một khuôn mẫu vô thức, thì đó cũng là lúc ta quên đi bản thân mình, và giá trị cốt lõi của giáo dục không phải như thế, giáo dục không chỉ nằm ở trường học mà còn nằm ở xã hội, ở những nơi mà con người cần tiếp thu tri thức, Farhan không học cho bản thân, anh học cho gia đình, nhiếp ảnh cũng là một môn học, nhưng thay vào đó anh lựa chọn học ngôi trường nổi tiếng cơ khí, và vùi lấp đi đam mê bản thân. Giáo dục giúp chúng ta nên người, để chúng ta trở nên toàn diện chứ không phải học để làm robot cho tương lai. Điều này cho thấy rằng việc chúng ta lựa chọn ngành nghề sai cũng khiến bản thân trở nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi thực tế một số bạn trẻ lựa chọn ngành nghề theo xã hội, theo bạn bè mà không nhìn nhận lại bản thân, và việc học theo khuôn mẫu thiếu sự áp dụng và thực hành cũng là những tình trạng chưa được giải quyết ở một số trường học tại Việt Nam.

4. Rancho - Học bằng cả tấm lòng nhiệt huyết để nuôi dưỡng ước mơ, người học để tạo ra sự thành công.

      Rancho là chàng sinh viên luôn đi khiêu chiến với những nguyên tắc thông thường, anh là một người ham học, đối với anh, mọi thứ luôn được định nghĩa với những cách hiểu đơn giản không phụ thuộc vào sách vở, luôn không ngừng học hỏi nhưng là qua thực tế chứ không phải cầm sách đọc thuộc lòng, luôn sáng tạo và tìm cách mở thiết bị điện tử rồi lắp ráp lại, anh chính là một luồng gió mới trong một môi trường dạy học bảo thủ và coi trọng điểm số. Chính nhờ lối tư duy tự do và sự nhanh nhạy, anh đã cứu được cha của Raju qua cơn hiểm nghèo. Từ đó cho ta thấy trong thực tế đôi khi ta không thể áp dụng theo quy tắc có sẵn mà phải bứt phá tạo con đường gỡ đi khó khăn. Sức sáng tạo của anh liên tiếp mang đến những sáng chế độc đáo hay cách giải quyết vấn đề bất ngờ.

Rancho là cậu học trò xuất sắc nhưng anh vốn chỉ là người làm thuê trong một gia đình giàu có, vì sự thông minh mà được cậu chủ nhờ đi học giúp, anh đi học và mang bằng về, sau khi tốt nghiệp thì đường ai nấy đi, sau này, khi Farhan và Raju đi tìm Rancho mới phát hiện rằng anh đã là giáo sư Wangdu, một nhà khoa học nổi tiếng với hơn 400 phát minh sống tại thị trấn nhỏ hẻo lánh, giúp đỡ và truyền kinh nghiệm cho những đứa trẻ tại đây. Có thể nói, Rancho luôn theo đuổi sự ưu tú của bản thân, làm đầy tri thức của mình và phá vỡ khuôn khổ có sẵn. Và trong một nền giáo dục khi ta coi trọng điểm số thực dụng và đè ép sự ưu tú của bản thân, ta sẽ vô tình bỏ quên sự ưu tú phía sau như câu nói “Đừng bao giờ học vì thành công mà hãy học vì sự ưu tú của bản thân mình. Đừng chạy theo thành công mà hãy theo đuổi sự ưu tú. Khi đó thành công sẽ theo đuổi bạn.” .

Một điều chung ta thấy khi chiếu vấn đề giáo dục trong phim đến giáo dục Việt Nam, ta thấy rằng một khuôn mẫu thường xuất hiện đó chính là việc các trường đại học xây dựng các cách học tập luôn phải học thuộc lòng và trả bài, bị ràng buộc trong sách vở và không thể hiện được sự năng động. Cho nên những cá nhân có cách học khác sẽ có một sự khác biệt rõ rệt, bởi vì kiến thức sẽ bị lạc hậu rất nhanh. Những điều bạn học trong trường hôm nay, người ta đã không còn ứng dụng nhiều những cái đó ngoài hiện thực nữa. Cái quan trọng là bạn phải nắm được phương pháp, từ lý thuyết ra hiện thực, có tư duy độc lập để áp dụng trong việc học và cuộc sống của bạn sau này, để không chạy theo người khác, như Rancho- một nhân vật như một điểm sáng trong phim khi phá vỡ quy tắc thông thường. Nhưng nếu theo xã hội hiện tại bây giờ, các trường ở Việt Nam đã có các cách giáo dục khác, thực hành hoá các lý thuyết, chế tạo nhiều hơn, đi quan sát thực tế, trải nghiệm nhiều hơn, làm phong phú kỹ năng cho các bạn học sinh sinh viên. Có nhiều bạn sinh viên Việt Nam lựa chọn học trái ngành làm trái ngành để chạy theo xã hội, điều đó không có gì đáng nói khi thực tế ta phải luôn chạy theo xã hội nhưng đến một lúc nào đó t sẽ phải dừng lại vì nó không còn phù hợp nữa, cho nên cũng như trong phim, nên định hướng mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu để có thể làm tiền đề phát triển sau này.

 Kết luận

Phim “Ba Chàng Ngốc” của đạo diễn Rajkumar Hirani là một bộ phim có các giá trị nhân văn cao cùng với các vấn đề giáo dục sâu sắc. Tựa như ba nhân vật với ba mẩu chuyện khác nhau như Rancho - học bằng cả tấm lòng nhiệt huyết để nuôi dưỡng ước mơ, người học để tạo ra sự thành công, Farhan - Yêu một nghề, học một nghề khác, người đam mê nhiếp ảnh nhưng phải học nghề kỹ sư theo nguyện vọng của cha, Raju - Học vì muốn vươn lên để gánh vác gia đình, người phải học với mong muốn giúp gia đình thoát nghèo. Các câu chuyện đều đưa chúng ta đến một thông điệp sâu sắc đó là “chúng ta phải học để nuôi dưỡng ước mơ, học bằng trái tim, chứ không phải vì điểm số. Học để hoàn thiện chứ không phải để giàu có”, tri thức giúp chúng ta hoàn thiện bản thân chứ không phải là gánh nặng điểm số, nên có một tư duy rằng học sẽ giúp chúng ta thành công, giúp chúng ta có thêm hiểu biết, vì giàu có là do năng lực còn tri thức sé giúp ta trong con đường ấy. Cũng như chính chúng ta khi bản thân là những bạn sinh viên đại học còn khá mới lạ với xã hội, và trí thức sẽ là tiền đề để đẩy chúng ta đến đích mà ta mong muốn, chúng ta nên học vì đam mê, học vì ta muốn trao dồi thêm kiến thức chứ không phải bị ràng buộc vào những tri thức có sẵn, học vì bản thân chứ không phải vì bất kỳ thứ gì tác động, học để nâng cao giá trị bản thân, có như thế chúng ta mới có thể gánh vác nỗi lo lắng của cha mẹ, nỗi lo lắng của chính chúng ta và ngay cả khi vẫn còn là sinh viên, không chỉ riêng nhóm em và các bạn sinh viên khác, hãy xác định mục tiêu ngay từ bây giờ để việc học cả chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn.

Bùi Thị Kim Phượng