Tư tưởng chính trị của V.I. Lênin có ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp đến cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong việc hình thành đường lối cách mạng vô sản và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lênin là người kế thừa và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa – giai đoạn cao nhất của chủ nghĩa tư bản. Tư tưởng chính trị của ông không chỉ dẫn đường cho cách mạng Nga thành công mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.
Đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng Lênin chính là ngọn đuốc soi đường, giúp Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tìm ra con đường đúng đắn để giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
1. Lênin và vấn đề dân tộc – thuộc địa: Nguồn sáng mở đường cứu nước
Một trong những đóng góp vĩ đại của Lênin là chủ trương kết hợp cách mạng vô sản ở chính quốc với phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa.
Trong tác phẩm nổi tiếng “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” (1920), Lênin khẳng định:“Các dân tộc bị áp bức có quyền tự quyết, kể cả quyền tách ra thành một quốc gia độc lập”. Nhận thức này là bước ngoặt lớn trong lịch sử phong trào cộng sản, vì trước đó chủ nghĩa Mác vẫn chủ yếu tập trung vào cách mạng tại các nước công nghiệp phát triển.
Chính khi đọc được Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc “vui mừng đến phát khóc”, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn: không đi theo con đường dân chủ tư sản hay cải lương phong kiến, mà lựa chọn con đường cách mạng vô sản – gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.
2. Xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân
Khi nói đến sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, Mác và Ăngghen đã khẳng định rằng, giai cấp công nhân là giai cấp cách mạng nhất, tiêu biểu nhất cho xã hội. Nhưng giai cấp công nhân chỉ có thể thực hiện sứ mệnh lịch sử khi tổ chức ra chính đảng- đó là Đảng Cộng sản
Lênin chỉ rõ rằng muốn cách mạng thành công, phải có một chính đảng kiểu mới – mang bản chất giai cấp công nhân, có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, và lý luận tiên phong. Đảng không phải là tổ chức rộng rãi đại diện cho mọi tầng lớp như các đảng dân chủ tư sản, mà phải là đội tiên phong của giai cấp vô sản, có sứ mệnh lãnh đạo toàn dân.
Nhờ tiếp thu quan điểm này, Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930. Đây là bước ngoặt quyết định trong lịch sử cách mạng nước ta – lần đầu tiên có một đảng chân chính đại diện cho lợi ích của công – nông – trí thức và dân tộc.
3. Chiến lược cách mạng và liên minh công – nông
Lênin khẳng định: Giai cấp công nhân không thể một mình làm nên cách mạng, họ cần liên minh với giai cấp nông dân – lực lượng đông đảo nhất trong xã hội.
Trong thực tiễn cách mạng Nga, chính liên minh công – nông đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp lật đổ chế độ phong kiến và tư sản.
Ở Việt Nam với 90% dân số là nông dân, liên minh công – nông là nền tảng cho thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, kháng chiến chống Pháp – chống Mỹ và công cuộc đổi mới. Đảng ta đã luôn xác định vai trò nòng cốt của công – nông trong mọi giai đoạn cách mạng.
4. Đấu tranh toàn diện và chuyên chính vô sản
Chuyên chính vô sản là hình thức nhà nước sau cách mạng vô sản, do giai cấp công nhân lãnh đạo, thông qua đảng cộng sản, nhằm giữ vững chính quyền cách mạng, đàn áp các thế lực phản động, bảo vệ nhân dân lao động, tạo điều kiện để chuyển sang xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Lênin chủ trương sử dụng cả đấu tranh chính trị, tư tưởng và vũ trang để giành và giữ chính quyền. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của nhà nước chuyên chính vô sản để bảo vệ thành quả cách mạng và từng bước cải biến xã hội.
Tư tưởng này được Đảng cộng sản Việt Nam vận dụng linh hoạt qua các thời kỳ: Khởi nghĩa giành chính quyền (1945); xây dựng chính quyền cách mạng nhân dân; thực hiện cải cách ruộng đất; cải tạo xã hội chủ nghĩa; Tiến hành công cuộc đổi mới (từ 1986), vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng phù hợp với bối cảnh mới.
Tư tưởng chính trị của Lênin, nhất là trong vấn đề dân tộc và thuộc địa, đã mở ra một con đường cách mạng phù hợp cho các dân tộc bị áp bức, trong đó có Việt Nam.
Hồ Chí Minh đã tiếp thu sáng tạo tư tưởng Lênin, đưa cách mạng Việt Nam đi từ nô lệ đến độc lập, từ phong kiến lạc hậu tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tư tưởng Lênin vẫn là nền tảng lý luận vững chắc cho đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Thị Hải Lên