Nội dung sách Đời ngắn đừng ngủ dài
Sách bao gồm 100 mẩu truyện ngắn, mỗi câu chuyện lại là một bài học cuộc sống ngắn gọn, xúc tích và vô cùng ý nghĩa. Mỗi câu chuyện chia sẻ một góc nhìn khác nhau, song tựu chung lại, sách gồm 3 chủ đề chính: Gia đình – Sức khỏe – Giá trị bản thân. Đó cũng là 3 thứ quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người.
Gia đình
Đọc sách Đời ngắn đừng ngủ dài, chúng ta sẽ càng thấm thía câu nói “Một gia đinh hạnh phúc chính là thiên đường trên trần gian”. Gia đình là chỗ dựa vững chắc cho chúng ta khi cuộc đời xuất hiện biến cố. Gia đinh là nơi có những người yêu thương ta nhất, nhưng đó cũng là những người chúng ta dễ bỏ rơi nhất. Người trẻ hẳn hiểu rõ tình trạng, chúng ta vì công việc, bạn bè, các mối quan hệ nông sâu ngoài xã hội mà bỏ quên bữa cơm gia đinh.
Rất nhiều ví dụ trong sách Đời ngắn đừng ngủ dài được Sharma lấy dẫn chứng từ chính gia đình ông. Trong những câu chuyện nhỏ của mình, ông thường hạnh phúc kể về những lần đi dạo, vui đùa, nấu nướng cùng con cái. Chính những đứa trẻ có đôi khi lại đưa cho người lớn chúng ta những bài học về cuộc sống. Người lớn à, hãy biết nói ra điều mình muốn. Người lớn à, muốn trở thành một người lãnh đạo giỏi, trước hết hãy trở thành một người cha, người mẹ tốt.
Sức khỏe là tài sản vô giá của mỗi người nhưng thật tiếc, người ta chỉ biết níu giữ khi sức khỏe đang dần mất đi. Tuy không nói ra trực tiếp, nhưng trong những câu văn của Đời ngắn đừng ngủ dài, tác giả luôn nhắn nhủ người đọc hãy trân trọng và giữ gìn sức khỏe của mình. Nói một cách cay đắng, chúng ta đang rao bán sức khỏe của chính mình để đổi lấy những thứ vật chất kém bền vững.
Sách Đời ngắn đừng ngủ dài truyền cảm hứng sống lành mạnh cho bản thân tôi khi nghe tác giả kể về những buổi sáng thức dậy sớm, hòa mình vào thiên nhiên tĩnh lặng và đặt bút viết như một màn khởi động buổi sáng. Chỉ 10 phút đi bộ mỗi sáng cũng sẽ giúp bạn nạp năng lượng cho cả ngày làm việc tỉnh táo.
Đương nhiên tác giả sẽ chẳng gõ đầu độc giả và nói “Tập thể dục đi” nhưng những điều mà ông chia sẻ thật sự là một nguồn khích lệ chúng ta sống lành mạnh và trân trọng hơn sức khỏe của chính bản thân mình. Nhờ có cuốn sách này mà tôi đã rèn được thói quen chạy bộ vào mỗi sáng sớm.
Đây có lẽ là phần quan trọng nhất của cuốn sách Đời ngắn đừng ngủ dài: thức tỉnh người đọc. Mỗi lần đọc một câu chuyện trong sách, tôi lại cảm thấy như Robin Sharma đang dùng những ngón tay của ông gõ vào cái vỏ ốc đang bao trùm lấy tôi vậy.
Ông khuyên người đọc hãy dũng cảm thoát khỏi cái miệng giếng đang giam giữ con ếch – chính là tầm nhìn an toàn và hạn hẹp của những người trẻ hiện tại. Chúng ta đang sống trong một kỉ nguyên công nghệ tiến nhanh như vũ bão. Không cần bước lùi, chỉ cần đứng im thôi, là chúng ta đã bị tụt hậu so với phần còn lại của thế giới rồi.
Lần giở từng trang sách, bạn hẳn sẽ giật mình vì tác giả nói đúng quá. Chúng ta có phải đang ân hận về quá khứ, lo lắng cho tương lai mà quên mất việc cố gắng ở hiện tại.
“Đừng bao giờ để ai nói rằng, ước mơ của bạn không thể trở thành hiện thực. Cuối cùng sẽ có người thực hiện điều bạn ước mơ. Tại sao người đó không phải là bạn?”
Ấy thế nhưng không phải sách chỉ biết khuyên bạn những bài học sáo rỗng như người ta thường nghĩ về selfhelp. Nói về cảm nhận cá nhân thì tôi thấy Đời ngắn đừng ngủ dài giống như một người chú đi trước đang chia sẻ với tôi những câu chuyện cuộc sống mà “chú ấy” đã từng trải qua.
Sách Đời ngắn đừng ngủ dài chẳng khuyên chúng ta cứ Làm, Làm nữa, Làm mãi. Mệt thì hãy dừng chân. Câu chuyện ở đây là, chúng ta chỉ cần cố gắng hết sức để dù tương lai thế nào thì chúng ta cũng không còn điều gì tiếc nuối.
“Hãy làm hết sức – để rồi cuộc đời (sẽ thay bạn) làm phần còn lại.”
Người trẻ chúng ta hẳn ai cũng có những lúc mất niềm tin vào cuộc sống, vào các mối quan hệ. Rằng, chúng ta cố để làm gì? Chúng ta chân thành rồi sẽ nhận được gì? Đừng lo, nếu bạn đã làm hết sức, cuộc sống chắc chắn sẽ không bạc đãi bạn đâu. Nếu bạn đã tận tâm tìm cách khiến các mối quan hệ trở nên tốt đẹp, bạn cũng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp.
Th.s Trần Thị Dung – Giảng viên Bộ môn LLCT