star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Quan điểm của đảng về vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc đối với cách mạng Việt Nam


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, sức mạnh lớn nhất là ở nhân dân, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (1), đoàn kết được nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh to lớn nhất. Người khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ” (2). Người căn dặn: Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công” (3). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc... để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc, ta cần đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.

Trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi đại đoàn kết toàn dân tộc là một chiến lược xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam, có vai trò quyết định thành công của cách mạng. Trước sau như một, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán xác định đoàn kết là giá trị cốt lõi trong kho tàng truyền thống quý báu của dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, là động lực chủ yếu mang đến thành công cho cách mạng Việt Nam. Đây cũng là giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho chiến lược đại đoàn kết của Đảng Cộng sản Việt Nam đi tới thắng lợi.

Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc “là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(4).

Đảng Cộng sản Việt Nam xác định chiến lược xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là lấy liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và coi đó là một nguyên tắc có ý nghĩa như là một quy luật để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu vì chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam được vũ trang bởi chủ nghĩa Mác-Lênin mới đánh giá đúng vai trò, sức mạnh của nhân dân Việt Nam trong lịch sử.

Trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc - thực hiện đại đoàn kết trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động. Trước đây, trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc thì lợi ích tối thượng chung là giải phóng dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Nếu không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi được. Bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải quyết mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa củng cố miền Bắc và giải phóng miền Nam; giữa cải thiện đời sống của nhân dân lao động với việc xóa bỏ giai cấp địa chủ và cải tạo đối với giai cấp tư sản dân tộc. Trong hoàn cảnh khó khăn, phức tạp lúc đó, để khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, mặt trận dân tộc thống nhất phải được mở rộng, Đảng đã nêu nguyên tắc tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ, giàu mạnh, coi đó là mẫu số chung để thực hiện đoàn kết dân tộc.

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mục tiêu đó cũng chính là đích đến quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy sự hòa quyện giữa Ý Đảng - Lòng Dân; giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.10, tr. 453.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 244.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 119.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.34.

(5) PGS. TS Lê Hải Bình (2023), Đại đoàn kết toàn dân tộc - Cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, Tạp chí Tuyên giáo.

Truy cập tại https://tuyengiao.vn/dai-doan-ket-toan-dan-toc-coi-nguon-suc-manh-dong-luc-chu-yeu-cua-cach-mang-viet-nam-151018

Ths. Đoàn Thị Cẩm Vân – Tổ Lý luận chính trị (Tổng hợp)