star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Nhà văn Tạ Duy Anh và duyên nợ văn chương


1.1.1. Hành trình cuộc sống

Tạ Duy Anh tên thật là Tạ Viết Đãng, sinh ngày 9/9/1959 tại làng Đồng Trưa, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, nay là thành phố Hà Nội.

Trong ký ức của một nhà văn đang ở vào cái tuổi “tri thiên mệnh”, những hình ảnh “đường làng”, “bờ rào”, “câu ếch”, “cầu ao”… luôn ám ảnh tác giả. Cảm hứng mạnh mẽ về nơi khai sinh, “cái cảm giác về sự trù phú của cái đồng quê, mùa màng”, cái trong veo của “mắt thôn nữ”… đã chảy tràn thành dòng mạch hồi ức trong tản văn Ngẫu hứng sáng trưa chiều tối. Rõ ràng hoài niệm về làng Đồng Trưa là một chiếc cầu vồng kết nối nhà văn với “huyền thoại”, “đại tiệc”, “nỗi ngọt ngào tuổi thơ của tôi” theo cách diễn tả của nhà văn họ Tạ. Đương nhiên làng Đồng Trưa có thật ấy không chỉ là nơi lưu giữ tuổi thơ bình yên, hay làm “bừng ngộ những chân lý thật giản dị” mà nơi ấy đến giờ vẫn phong chứa bao bí mật đối với Tạ Duy Anh, và độc giả chờ đợi. Bởi vì, nhà văn quan niệm “Tôi là nhà văn viết về làng của mình” [1, tr.6]; “Tôi có một quan niệm cực đoan là nhà văn trải nghiệm thực tế bằng chính cuộc đời mình chứ không phải bằng việc đến chỗ này ngó một tẹo, chỗ khác ghi chép vài điều. Tất cả những gì tôi trải qua từ làng Đồng giống như trải qua một lịch sử, một đất nước, một kiếp sống! Làng Đồng là thế giới của tôi…” [3, tr.179]. Nhà văn từng khẳng định nơi ấy đủ cho anh viết đến trọn đời văn.

Tuy nhiên, lật giở các truyện ngắn có bóng dáng làng quê trong sáng tác của Tạ Duy Anh hẳn nhiều người sẽ giật mình: nơi ấy đâu phải là thiên đường. Nông thôn trong truyện của anh như một bức tranh nổi bật gam màu tối, bóng tối của cuộc sống phi nhân tính… Chính nhà văn tự bạch rằng: “Tôi từ bỏ nó bằng mối ác cảm rằng, chính vùng đất ấy đã để lại trong suy nghĩ của tôi sự ám ảnh về những gì tối tăm nhất, đáng ghê sợ nhất cho kiếp làm người” [1, tr.5]. “Mảnh đất chết tiệt!” - đó là lời nhân vật hay tiếng nói tự bên trong của tuổi thơ Tạ Viết Đãng? Tuổi thơ dữ dội ấy cũng là hành trang nặng trĩu khi bước vào đời của chính nhà văn. “Những đau khổ mà người đời (trong đó có cha tôi) trút lên tôi, lại góp phần đưa tôi đến văn chương, điều này hẳn là một cái “lý” nào đấy mà tôi không thể biết” [1, tr.6].

Như một thứ phù sa màu mỡ được tạo thành sau cơn lũ lớn, ấn tượng và mặc cảm về quá vãng ẩm ướt, đáng ghê sợ ấy cuối cùng đã thăng hoa thành nghệ thuật. Phải chăng cái cảm hứng “bước qua lời nguyền” cũng được khai nguồn từ những trải nghiệm ở quê hương đầy bóng tối, dữ dội và khắc nghiệt? Trả lời phỏng vấn báo chí, nhà văn chân thành thừa nhận : “Nhà văn nào cũng tận dụng triệt để tiểu sử của mình khi sáng tác những cuốn sách máu thịt. Thậm chí tôi còn tin rằng mỗi nhà văn thực ra chỉ viết cuốn sách về chính anh ta” [3, tr.167]. Đó cũng là cách nói khác của sự thú nhận ý nghĩa của làng quê: “Tôi không từ bỏ gốc gác nhà quê”. Điểm đến đầu tiên sau khi tạm giã từ con đường làng, Tạ Duy Anh làm công nhân ở công trường thuỷ điện Hoà Bình. Trò đùa của số phận đẩy đưa anh tham gia quân ngũ ở tuổi hai sáu lại trở về làm thợ đào hầm sau khi được cử đi học lớp trung cấp kĩ thuật xây dựng. Có những chuyện ngẫu nhiên nhà văn gặp trên đường đời, nhưng cuối cùng trở thành vốn quí giá. Đường đời của Tạ Duy Anh lại có một ngã rẽ, thay đổi số phận của anh một lần nữa. Những năm tháng đẹp đẽ ở trường Nguyễn Du đã giúp anh tự làm sạch được mình, trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Kết thúc khóa đào tạo, anh được giữ lại làm giảng viên của trường. Hiện giờ là một biên tập viên khả kính của nhà xuất bản Hội nhà văn. Trong cuộc sống đời thường, lão Tạ (bạn bè thường gọi thế và anh cũng thích vậy) gợi ấn tượng với bạn bè về một người cha mẫu mực, một người chồng chung thuỷ. Anh thương con nhiều khi thái quá. Dường như triết lý về sự thiêng liêng kỳ diệu của trẻ con, nhà văn ngẫm ra được từ sự chào đời của chị cả “Bởi vì trẻ con không đơn giản chỉ là tương lai - như một tiến trình mang tính chất vật lý - mà ở cấp tinh thần cao nhất, nó giải thoát người lớn khỏi nỗi sợ truyền đời về bóng tối, cô đơn, sự cùng đường - như một người ban phước chưa kịp biết về ân huệ” [4, tr.226]. Phải chăng đó cũng là xuất phát điểm để nhà văn đi đến khẳng định như sau trong cuốn truyện vừa thiếu nhi chọn lọc: “Món quà lớn nhất, bí mật lớn nhất, thời gian đẹp nhất của cuộc đời mỗi con người là Tuổi thơ”.

“Tôi thích rượu ngon và phụ nữ đẹp”. Lời tuyên bố tưởng của một cây bút có lối sống lãng tử, dễ tìm cảm hứng từ những cuộc vui. Nhưng không, có rất nhiều cơ sở để khẳng định đây là nhà văn nghiêm túc trong đời sống cũng như sáng tác. Tạ Duy Anh đã quyết liệt với chính mình. “Tôi nghĩ về tác phẩm nào đó thì lâu, nhưng thể hiện nó thì rất nhanh. Khi tôi bị cuốn vào bài viết thì không có ngày đêm, giờ giấc gì nữa, có thời kỳ cả tuần tôi không ra khỏi ngõ” [5, tr.89]. Tác phẩm của anh ở thể loại tiểu thuyết thường có số phận long đong trước khi ra mắt bạn đọc, nhưng cuối cùng lại được đón nhận và tái bản nhiều lần. Mọi người chúc mừng, anh vui nhưng vẫn ý thức rất rõ “Bất cứ một sự buông thả nào đều phải trả giá ngay” [3, tr.171].

Đối với nhiều người, những gì trong mơ là sự lặp lại những sự việc đã xảy ra ban ngày. Đó là những ảo giác. Thật ra linh cảm là khả năng có thật của con người đã được khoa học xác nhận. Trên thế giới có không ít người có thể cảm nhận được tương lai của mình bằng linh cảm. Nhà thơ Nga Lermontov (1814 - 1841) đã từng kể lại linh cảm của mình về cái chết bất đắc kỳ tử của hai người lính khi ông còn là sĩ quan biên phòng. Linh cảm của Tạ Duy Anh hiện hữu qua những giấc mơ. Tác giả họ Tạ kể lại Những giấc mơ của tôi, xuất bản năm 2008: “Bảy lần gặp bà nội sau khi bà nội qua đời”, “Tôi cầu xin bà nội và thấy mình tự chui vào được trong dạ dày của mình để tận mắt nhìn thấy vết loét đã lành”, “Mơ gặp mẹ và trận đòn khủng khiếp”, “Mơ gặp bà nội trong phòng sản phụ”, “Mơ gặp thần chết và bà nội”... Chuyện tầm phào của cánh nhà văn! Đã có người phản ứng như vậy và Tạ Duy Anh thanh minh “Những chuyện làm thay đổi cuộc đời con người, một nhà văn, hoàn thiện nhân cách ở anh ta không thể nói là tầm phào được. Tôi biết chắc những gì tác động đến tôi qua những giấc mơ như vậy. Đó là nó cho tôi vững tin vào tương lai, vào ý nghĩa của những hành vi mang tính đạo đức, vào sức mạnh mỗi người có thể có và vào kiếp sau, kiếp sống cần được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn kiếp sống hiện tại” [6].

Ý nghĩa của giấc mơ đối với Tạ Duy Anh dường như là hơn thế. Có những giấc mơ báo trước sự “cải tử hoàn sinh” cho nhà văn theo đúng nghĩa của nó. Có những lầm lẫn đáng buồn cười của khoa học - như việc xác định của bác sĩ, rằng Tạ Duy Anh bị ung thư duy căn - thì những giấc mơ gặp bà nội, ông nội lại báo trước đó chỉ là vết loét dạ dày và sẽ lành hẳn và đó là sự thật đem lại niềm tin cho anh trong giờ phút “định mệnh”.

Hiểu về cuộc sống của Tạ Duy Anh, chúng ta tìm thấy gạch nối giữa nhà văn và cuộc sống của anh. Phải chăng những lưu ảnh trong cuộc đời tác giả đã đóng dấu son không mờ nhạt trên trang viết của “nhà văn viết về làng”.

1.1.2. Duyên nợ văn chương

Từ thợ đào hầm trở thành nhà văn nổi tiếng, cái duyên văn chương của Tạ Duy Anh khiến người ta nhớ đến nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn. Ông đã từng chuyển nghề đến bốn lần mới đi đến điểm dừng cuối cùng trong hành trình nghề nghiệp. Nhà văn Tạ Duy Anh cũng không khởi nghiệp bằng chính nghề viết văn. Có người hỏi về nguyên nhân rẽ lối, tác giả Thiên thần sám hối tiết lộ: “Từ khi còn là học sinh lớp 8 trường huyện tôi đã viết một tập truyện ngắn dựa theo đề tài cô giáo cho sẵn và đó là bài văn duy nhất tôi được điểm trung bình suốt thời cấp 3. Vậy là tôi tiếp tục con đường manh nha từ truyện bịa đầu tiên ấy” [3, tr.142].

“Truyện bịa” đây là cách nói khác của khả năng tưởng tượng phong phú. Cái năng khiếu, thiên hướng nhà văn nảy nở từ lớp 8, có điều chính Tạ Duy Anh cũng không ngờ mình chính là người “bước qua lời nguyền” của làng. “Chúng tôi lớn lên với một nỗi ám ảnh về một lời nguyền theo đó khi nào đá có thể nổi lên mặt nước thì làng mới có người đỗ đạt” [3, tr.142].

Cái con đường mà Tạ Duy Anh “tiếp tục” từ ngày có tố chất văn chương phát lộ đến giờ thực tế không phải là con đường thẳng mà có những khúc quanh. Cậu tú tài đầu tiên của làng Đồng Trưa đã khởi sự nghề nghiệp tại công trường thuỷ điện Sông Đà, được học lớp Trung cấp kĩ thuật. Theo Bùi Hoàng Tám - một người bạn: thế nhưng ba năm học, Tạ chỉ biết phân biệt giữa xi măng trắng với xi măng đen, cát đen với cát vàng. Không hứng thú với lĩnh vực tự nhiên, kỹ thuật, hay vì “cựa quậy một cái gì đó” càng lúc càng rõ, càng lớn lao, để anh công nhân chỉ say sưa với việc tự tạo đèn ma dút để viết như một sự thôi thúc không cưỡng lại được. Năm 1980, truyện ngắn đầu tiên của anh được đăng báo, và bút danh Tạ Duy Anh ngẫu nhiên được đề dưới tác phẩm Để hiểu một con người. Ngay ở truyện ngắn ấy, nhà văn Thái Giang biên tập, đã tiên đoán anh thành nhà văn tử tế. Đúng là cây bút Tạ Duy Anh còn tạo ra nhiều bất ngờ hơn thế nữa khi báo Lao động đăng liên tiếp bốn truyện ngắn của anh. Đam mê thôi thúc anh sáng tác, nhưng hiện thực thuỷ điện sông Đà không phải là “đất” thoả mãn trí tưởng tượng phong phú của nhà văn. Đúng ra, đó không phải là mảnh đất “máu thịt” đánh động tâm hồn anh không dứt như chính nơi anh sinh ra. Trở về quê hương (1988), chợt bao ký ức ngày nào hiện ra rõ nét, vừa ngọt ngào vừa cay đắng. Nhà văn suy nghĩ triền miên về những trải nghiệm của cá nhân, về những lời nguyền phi lí, phi nhân tính về số phận con người… Hiện thực được trải nghiệm trở thành nỗi ám ảnh, vò xé tâm can. Tạ Duy Anh trăn trở không nguôi với số phận con người dưới vòng xoáy của cái ác. Chỉ trong một cái làng mà hàm chứa tất cả, “đấy là đất nước thu nhỏ, vũ trụ thu nhỏ”. Suy nghĩ nghiêm túc về điều đó, biết bao vấn đề nhân sinh hiện ra, nó cuốn một cây bút mới vào nghề đi tìm giải mã những bí ẩn của cuộc sống, sức mạnh của cái ác… Như vậy, đam mê, trách nhiệm hay tài năng đã đưa Tạ Duy Anh tiến đến vị trí một nhà văn chuyên nghiệp? Hẳn đó là sự tổng hợp nhiều yếu tố.

Nhưng với cây bút họ Tạ, vẫn còn những bí ẩn khi nói đến duyên nợ văn chương của anh. Trường viết văn Nguyễn Du là bến đỗ thứ hai sau công trường Hoà Bình. Mười năm ấy, anh hài lòng vì có một chỗ làm việc phù hợp. Được đào tạo tại trường, anh cũng được giữ lại làm giảng viên đào tạo cho thế hệ trẻ. Quan trọng hơn, anh tích góp một kiến thức bài bản cho một nhà văn, sau này là một biên tập viên. Công việc biên tập viên càng giúp nhà văn trưởng thành trong nghề cầm bút khá rõ. Thế nhưng, suy ngẫm về con đường dẫn đến văn chương, tự nhà văn vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát. Ngoài cái lẽ thông thường, nhà văn sáng tác là “phiêu lưu tìm kiếm cái đẹp và chân lý” [4, tr.7], Tạ Duy Anh còn có một nhu cầu rất lớn, nhu cầu đối thoại với chính mình “để chống lại nỗi sợ, sự cô đơn, tôi vẫn chỉ có một cách là đối thoại với chính mình. Và những nhân vật mà tôi tìm kiếm được chỉ là hình tượng hoá, dưới những hình thức khác nhau, cuộc đối thoại ấy” [4, tr.8].

Khó có thể nói hết cái “lý” đẩy đưa anh “hành đạo” bằng ngôn ngữ. Hãy tin theo cách nghĩ của tác giả “Tôi tin rằng không có cuộc đối thoại nghiêm túc nào lại tìm được điểm kết thúc trừ phi đó là cuộc đối thoại với cái chết!” [4, tr.9]. Điều này cũng đồng nghĩa với việc viết văn là duyên nghiệp của Tạ Duy Anh cho đến khi từ giã thế giới. Như vậy, bạn đọc có lý do để chờ đợi, hy vọng vào một cây bút đến với nghề một cách chuyên nghiệp đang còn nhiều ẩn số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1]        Tạ Duy Anh (1994), Luân hồí, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

[2]        Tạ Duy Anh (2002), Nhân vật, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

[3]        Tạ Duy Anh (2006), Thiên thần sám hối, tiểu thuyết và đối thoại văn chương, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

[4]        Tạ Duy Anh (2008), Ngẫu hứng sáng trưa chiều tối, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

[5]        Tạ Duy Anh (2010), Giã biệt bóng tối: Tác phẩm và bình luận, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội

[6]        Tạ Duy Anh: Không nói dối đã là lương thiện,

http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=5372