star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Lịch sử và ý nghĩa Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/1944


 

 

Quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập ngày 22/12/1944, là biểu tượng của ý chí và sức mạnh dân tộc, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo. Mang bản chất giai cấp công nhân, quân đội luôn trung thành với mục tiêu “vì dân”, chiến đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1944-2024), Quân đội nhân dân Việt Nam đã viết nên những trang sử vàng chói lọi, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Những thắng lợi vĩ đại đó là minh chứng sống động cho sự lãnh đạo toàn diện, sáng suốt của Đảng – nhân tố quyết định mọi thành công.

Ngay từ Chánh cương vắn tắt của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng năm 1930 đã chỉ rõ: Đảng phải “Tổ chức ra quân đội công nông”. Nghị quyết về “Đội tự vệ” thông qua tại Đại hội I của Đảng (tháng 3-1935) xác định: Công nông cách mạng tự vệ đội đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương Quân ủy của Đảng Cộng sản; luôn luôn phải giữ quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản trong tự vệ thường trực. Trong lãnh đạo xây dựng, phát triển lực lượng, Đảng xác định phải làm cho các đội du kích đi đúng “con đường chính trị”; lấy đấu tranh chính trị làm cơ sở để đấu tranh vũ trang giành chính quyền. Tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...”.

Ngày 22-12-1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao - Bắc - Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách Kế hoạch - Tình báo, đồng chí Vân Tiên (Lộc Văn Lùng) quản lý. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo. Chỉ có 34 người, với 34 khẩu súng các loại nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, Cứu quốc quân,.. là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi. Sau lễ thành lập, đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần gian khổ của các chiến sĩ cách mạng, đội tổ chức “đêm du kích” liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt tình đoàn kết quân dân.

Với chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17 giờ chiều 25-12-1944) và sáng hôm sau (7 giờ ngày 26-12-1944) đột nhập đồn Nà Ngần, tiêu diệt gọn 2 đồn địch, giết chết 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Hai trận đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần thắng lợi đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân đội ta suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Từ ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân luôn phát triển và trưởng thành. Ngày 22-12-1944 được xác định là ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội của dân, do dân, vì dân; luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn luôn được dân tin yêu, đùm bọc. Xây dựng và trưởng thành của quân đội ta gắn liền với lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc. Một đội quân được Đảng và Bác Hồ rèn luyện, đã từng là những đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, đội du kích Bắc Sơn, Nam Kỳ, Ba Tơ, Cao Bắc Lạng, Cứu quốc quân đến Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

 Năm 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22-12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày này, toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, dân tộc Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng, bất diệt. Để làm nên những chiến công oanh liệt đó, phải kể đến sức mạnh truyền thồng tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy đã kết tinh bao vẻ đẹp của một nền văn hóa dân tộc từ bao đời hun đúc nên, đặc biệt phải nói đến truyền thống yêu nước, đó là một trong những truyền thống vô cùng quý giá, truyền thống ấy đã tạo nên bao thế hệ người Việt có một lòng yêu nước nồng nàn, bất khuất nhưng cũng rất khoan dung, nhân hậu. Dân tộc ấy đã sinh ra một quân đội anh hùng, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Đội quân ấy được gọi với cái tên thân thương là “bộ đội cụ Hồ”, được thế giới biết đến với tên gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam. Dựa vào sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân, quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã vượt bao khó khăn, gian khổ giành chiến thắng trước kẻ thù xâm lược lớn hơn, mạnh hơn gấp nhiều lần để giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp như ngày hôm nay. Cuộc đấu tranh của dân tộc ta từ ngàn đời nay đầy đau thương và mất mát nhưng rất đỗi hào hùng. Để dành được độc lập, tự do như hôm nay, thì đã có rất nhiều anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng hi sinh để tô thắm thêm trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc. Hòa cùng không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua chào mừng 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) càng tô đậm thêm những công lao to lớn của những người chiến sĩ kiên cường bất khuất hi sinh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thân yêu.

Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Nhà nước Việt Nam xem đây là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh “vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”. Ngày truyền thống là ngày 22 tháng 12 hằng năm. Quân kỳ của Quân đội nhân dân Việt Nam là quốc kỳ của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thêm dòng chữ “Quyết thắng” màu vàng ở phía trên bên trái. Theo Mười lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam thì Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước Xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”. Quân đội nhân dân Việt Nam thường được viết tắt là “Quân đội nhân dân” hoặc “Quân đội nhân dân Việt Nam”. Việc lấy tên là “Quân đội nhân dân” với mục đích thể hiện đây là đội quân có nguồn gốc nhân dân, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ nền độc lập thống nhất và bản sắc dân tộc. Cùng với khẩu hiệu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.” đã cho thấy tinh thần quyết chiến quyết đấu của những người lính, vì mục đích cao cả “quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh”, thấm đậm ý chí cao cả vẻ vang của quân đội anh hùng.

Th.S Hoàng Thị Kim Oanh – Bộ môn Lý luận chính trị