Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cả cuộc đời Người đã đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân lao động trên toàn thế giới. Với nhiều ảnh tư liệu quý, “Hành trình theo chân Bác” là ấn phẩm song hành với các sản phẩm điện ảnh, truyền hình về đề tài này giúp chúng ta càng thêm hiểu biết và tự hào về lịch sử, danh nhân nước nhà. Sách cũng là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các nhà nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với mong muốn giúp độc giả có thể hình dung phần nào cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Bác, Nhà xuất bản Trẻ và Hãng phim truyền hình Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) phối hợp thực hiện cuốn sách “Hành trình theo chân Bác”. Cuốn sách là những trang bút ký về những chuyến đi của nhóm tác giả - một hành trình lần theo dấu chân xưa của Người trên chặng đường hoạt động cách mạng.
Với độ dày 340 trang, sách gồm 12 chương viết về quê hương, gia đình và những tác động đến Bác trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Đặc biệt là giai đoạn 30 năm bôn ba hải ngoại, từ ngày 05-6-1911 tại bến cảng Sài Gòn đến 28-01-1941 tại cột mốc 108 ở Cao Bằng. Qua đây giúp độc giả có một cái nhìn rộng hơn, bởi quyển sách bắt đầu bằng tuổi thơ của Bác ở Làng Sen và kết thúc khi Bác được trả tự do sau 13 tháng bị đày đọa trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, chuẩn bị về nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong hành trình tìm đường cứu nước, Người đến nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau, từ đó tìm thấy đường lối phát triển đúng đắn cho dân tộc, phù hợp với trào lưu tiến hóa chung của nhân loại và xu thế của thời đại. Việc mở ra con đường độc lập cho dân tộc Việt Nam đã đóng góp to lớn, thiết thực chuẩn bị cho việc mở ra một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng vô sản nói chung và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới nói riêng.
Nội dung cuốn sách có sự đan cài, hồi cố giữa hồi ức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và góc nhìn hiện tại của tác giả. Việc lựa chọn cách kể chuyện này đã tạo ưu thế hấp dẫn trong điểm nhìn. Từ đó, người đọc có thể tự tái tạo và hình dung bằng tưởng tượng của mình về chuyến đi vĩ đại của Bác. Cách kể ấy được sử dụng nhất quán từ đầu đến cuối trong cuốn sách. Khi mở ra chương viết về “Cuộc viễn du bắt đầu”, tác giả gợi mở cho người đọc không khí yên ả, thanh bình đan xen với những ký ức xa xăm: “Chúng tôi đứng giữa bến cảng rộng thoáng, hướng cái nhìn về phía hạ nguồn, thả hồn ra tận chỗ biển khơi, tới những chân trời xa thẳm, đắm chìm trong suy tưởng về buổi xuất dương năm 1911 mà lòng dạ xao xuyến, bâng khuâng... Chuyến ra đi 30 năm của Nguyễn Tất Thành đã trở thành cuộc hành trình kỳ lạ và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Theo dòng thời gian, nó hòa vào ký ức nhân gian với hình ảnh con tàu đô đốc Latouche Tréville rời cảng Sài Gòn...”.
Tổng hợp
Th.S Hồ Thị Ái Phương