star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Diễn ngôn nam quyền về tính dục trong văn học Việt Nam trước 1975 (phần 2)


3.Tính dục từ nhãn quan ý thức hệ

Cuộc tiếp xúc với văn hóa phương Tây là một cú shock về văn hóa những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, văn học Việt Nam bắt đầu hiện đại hóa và đi vào quỹ đạo chung của văn học thế giới. Quá trình hiện đại hóa đã xóa bỏ quan niệm cũ về con người, hình thành quan niệm con người cá nhân, từ đó làm thay đổi đề tài văn học trong đó có đó có đề tài tính dục.

Tác phẩm đầu tiên đề cập trực diện  vấn đề tính dục là Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu. Nếu như nhân vật nữ trong văn học giai đoạn trước thường được mô tả là giai nhân với những phẩm cách đáng quí, rất lý tưởng và tiêu biểu cho con người văn học trung đại thì Hà Hương được tác giả đề cập chủ yếu ở khía cạnh phản diện: đua đòi, cờ bạc, đặc biệt biết chủ động dùng nhan sắc để quyến rũ người khác. Cái khác biệt ở tác phẩm này và cũng là một nét mới cơ bản, tác giả nhấn mạnh và đề cao khía cạnh sắc dục trong nhân vật, nghĩa là tính dục bắt đầu được  nhìn nhận như một hiện tượng hấp dẫn tự nhiên chứ không phải nhìn nhận dưới cái nhìn đạo đức, phẩm hạnh như trước đó. Tuy nhiên, trong hầu hết các mối quan hệ dị tính trong truyện, đàn bà bị coi như là công cụ để thỏa mãn ham muốn thể xác của người đàn ông. Quyền lực cái tôi-nam quyền chi phối mọi mối quan hệ, quyết định số phận, vị thế của người phụ nữ.

Giai đoạn 1930-1945 là giai đoạn có nhiều nỗ lực khám phá về con người. Tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn nổi bật ở chủ đề tình yêu tự do: Tháng ngày qua, Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Đời mưa gió…Trong đó Đời mưa gió đề cập khá nhiều đến vấn đề tính dục. Mối tình của Chương và Tuyết không xuất phát từ tình yêu mà hấp dẫn từ sắc dục. Cuộc đấu tranh nội tâm của Chương là một cuộc đấu tranh giữa con người luân lý và con người bản năng, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa  lý tính và sự rồ dại dục tính. Tình yêu của Chương và Tuyết không phải kiểu tình yêu lý tưởng,  hòa điệu hai tâm hồn như Chương quan niệm mà chính là tình yêu sắc dục. Tính dục do vậy đã trở thành cái biểu đạt chuyển tải một quan niệm mới mẻ về con người.

Nếu như trong Tự Lực Văn Đoàn vấn đề tính dục được thể hiện chủ yếu ở khía cạnh  khát vọng tự do cá nhân thì trong văn học hiện thực phê phán vấn đề tính dục chủ yếu bị chi phối bởi diễn ngôn giai cấp. Đây là đặc điểm thường thấy ở sáng tác các nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… giai cấp thống trị sở hữu tính dục gắn liền với sở hữu quyền lực và tiền bạc. Ngô Tất Tố bằng việc mô tả chị Dậu hai lần bị cưỡng hiếp là để vạch trần, tố cáo thói dâm ô của lũ quan lại và khẳng định nhân phẩm người nông dân.

Nhà văn gây ra nhiều tranh luận về vấn đề «dâm hay không dâm» là Vũ Trọng Phụng, rất nhiều tác phẩm của ông đề cập đến vấn đề nhạy cảm này như  Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ…Ông cũng chủ yếu nhìn tính dục từ quan điểm giai cấp và đạo đức. Trong Giông tố, nhân vật Nghị Hách xem tính dục là một đặc quyền của kẻ giàu có và quyền thế, hắn dùng tiền để mua hoặc dùng uy quyền để chiếm đoạt thân xác phụ nữ. Nhận xét về sự kiện Nghị Hách hiếp dâm Thị Mịch, Nguyễn Hưng Quốc cho rằng : « Có thể nói không phải là «lão» mà chính là «quan» đã hiếp dâm Mịch: đó là cuộc hiếp của một giai cấp chứ không phải của một ngưới đàn ông [6].

Nam Cao trong tác phẩm Chí Phèo cũng có cái nhìn tương tự Vũ Trọng Phụng. Lớn lên với tư cách con người đi ở và do vậy trong con mắt bà ba Bá Kiến, Chí Phèo cũng chỉ là một công cụ tình dục. Cái cách bà Ba  «mắng xơi xơi vào mặt» Chí không được thỏa nguyện, cách xưng hô mày-tao đã định rõ thân phận chủ-tớ. Đây là thứ ngôn ngữ phản ánh những khác biệt giai cấp trong hiện thực đời sống. Cuộc đời Chí liên quan đến hai người đàn bà. Với bà Ba đó là quan hệ chủ-tớ. Chí khi «bị con đàn bà gọi đến để bóp chân, hắn thấy nhục hơn là thích, huống hồ lại sợ». Thích là bản năng nguyên thủy, nhục là bởi bản lĩnh đàn ông, xung năng đàn ông đúng hơn là vai trò giới bị xúc phạm. Cái thích bị ngăn chặn nhất nghĩa là bản năng tính dục nguyên thủy bị tổn thương, bị ngăn chặn quyết liệt, sâu hơn hết là nỗi « sợ » của thân phận tôi đòi và nó ám ảnh Chí Phèo, khuất lấp trong Chí một khoảng thời gian khá dài cho đến khi gặp Thị Nở- người đàn bà thứ hai, thị xấu ma chê quỷ hờn nhưng lại có vai trò quan trọng khơi dậy bản năng tính dục trong Chí. Sự chiếm đoạt Thị Nở vừa trả Chí sự tự tôn của giống đực vừa mang lại cho hắn sự tồn tại của con người bình thường ở khả năng tính dục.

Tính dục sẽ chạm đến vấn đề nhân bản hơn nhiều khi mà xem xét ở góc độ tình yêu. Nếu Nghị Hách, Bá Kiến có rất nhiều người đàn bà nhưng không có quan hệ nào hướng đến giá trị bền vững và đúng đắn thì đối với Chí Phèo và người đàn bà Thị Nở thì vấn đề tình dục-tình yêu được xem xét trong mối quan hệ qua lại. Họ đến với nhau vì tình dục-sau rồi nảy sinh tình yêu, vì tình yêu họ lại ham muốn tình dục. Vậy nên quan hệ tình dục-tình yêu là quan hệ hai chiều, điều này đáng nói ở chỗ nó chỉ xảy với những con người dưới đáy xã hội. Ý nghĩa tố cáo/ phê phán xã hội rất sâu sắc và nó cũng cho thấy một quan niệm mới mẻ của Nam Cao về vấn đề tính dục.

Tất nhiên tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao cũng có khi đặt tính dục dưới nhãn quan phân tâm học nhưng hiệu quả nghệ thuật không ấn tượng bằng nhãn quan ý thức hệ. Suy cho cùng nhãn quan ý thức hệ, phạm vi ảnh hưởng của Nho giáo chi phối cách ứng xử của nam giới về vấn đề tính dục, tạo thành quyền lực cái tôi nam quyền trong vấn đề tưởng rất đỗi riêng tư này.

Thơ Mới là lĩnh vực có nhiều bức phá với đề tài này. Tính dục như là phương cách thể hiện nhu cầu giải phóng cái tôi cá nhân.Thân thể con người là một mĩ cảm:

Em đẹp khi em phồng nét ngực

Hét không gian và ngó thẳng trời xa

(Xuân Diệu)

Và đây là vẻ đẹp kiều diễm của nàng thơ Bích Khê :

                     -Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm

                     Nàng là hương hay nhan sắc lên hương

      Đẹp ở đôi bầu vú:

                  -Những vú nõn: đồi cong thon, nho nhỏ

                  Với đôi dòng suối sữa trắng như tinh                                    

Những khao khát nhục thể của con người dám yêu và dám sống theo tinh thần tận hiến và tận hưởng » trong thơ Xuân Diệu :

                 Hãy sát đôi đầu hãy kề đôi ngực

     Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài

                Những cánh tay hãy quấn riết đôi vai

    Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt

    Hãy khắng khít những cặp môi gắn chặt

   Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng

              Trong say sưa anh sẽ bảo em rằng

   Gần thêm nữa thế vẫn còn xa lắm.           

Văn học giai đoạn 1945-1975, ở miền Bắc, do yêu cầu của cuộc chiến chống xâm lược nên những vấn đề cá nhân bị đẩy lùi xuống hàng thứ yếu. Nhiệm vụ cao cả nhất của văn học lúc này là tất cả cho tiền tuyến, cho Tổ Quốc, dân tộc và cộng đồng. Ý chí, nghị lực, niềm tin vào chân lí là sức mạnh làm nên chiến thắng. Quan niệm lí tưởng hóa con người đòi hỏi văn học ưu tiên khám phá nó ở phương diện giai cấp, cộng đồng. Cảm hứng ngợi ca chủ nghĩa anh hùng, ngợi ca vẻ đẹp toàn bích của con người mới xã hội chủ nghĩa không có chỗ cho phương diện con người nhìn nhận, biểu hiện chân thực…Bản năng, vô thức, tâm linh …là những khái niệm khá xa lạ với văn học. Chính vì thế, yếu tố tính dục ít được đề cập, nếu có thì đề cập một cách bóng gió và cũng vì mục đích chính trị kiểu « còn gà trống, còn gà mái chắc chắn còn gà con » [7]. Riêng ở văn học các đô thị miền Nam, vấn đề này được đề cập khá nhiều trong các sáng tác của Lê Xuyên (Dưới rặng trâm bầu), Nguyễn Thị Hoàng (Vòng tay học trò), Chu Tử (Yêu, Ghen…).

Ở nước ta trong văn chương chính thống cho tới trước 1980, tính dục thường bị xem là cấm kỵ hoặc “nhạy cảm”. Văn học chủ yếu nhìn nó trong mối tương quan với luân thường đạo lý gắn với đạo đức phong kiến, với nhãn quan ý thức hệ và giai cấp và hầu như trở thành diễn ngôn nam quyền, là độc quyền của phái mạnh vì phụ nữ bị mặc định bởi những phẩm chất không thích hợp để nói về vấn đề này. Cùng với quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế, bằng nhiều con đường khác nhau, quan điểm giới nhanh chóng được du nhập và truyền bá. Cách tiếp cận giới chính là bước đột phá quyết định sự phát triển mạnh mẽ của khoa học về phụ nữ. Đồng thời với nó là sự thay đổi trong cách nhìn nhận đánh giá về thái độ hành vi của con người, tạo lập việc bình đẳng trong mọi lĩnh vực của xã hội Việt Nam. Không khí dân chủ giúp các nhà văn nữ dám công khai xem xét cả những chuẩn mực cũ, công khai bày tỏ thái độ chống lại sự lệ thuộc, sự áp đặt của nam quyền, dám xông vào các đề tài vốn được xem là đặc quyền của nam giới-đề tài tính dục. Đó không đơn giản là ý thức nữ quyền mà là nhu cầu được bộc lộ phái tính. Đây chính là sự khác biệt cơ bản với diễn ngôn nam quyền về tính dục. Chúng tôi sẽ có dịp bàn lại trong một công trình sâu rộng hơn để thấy rằng trong bối cảnh mới của xã hội dân chủ, diễn ngôn tính dục như một biểu hiện quyền lực của cái tôi, được văn học thời đổi mới quan tâm như bằng chứng về nhu cầu dân chủ hóa xã hội và văn chương.

Bùi Thị Kim Phượng

 

Tài liệu tham khảo

[1] Tuấn Anh (2008), “Mỹ học tính dục và cuộc phiêu lưu giải phóng thiên tính nữ trong văn học nghệ thuật”, http://www.hnv.vn

[2] Yến Anh (2007), “Sex cổ xưa như trái đất”,http://vietbao.vn

[3] Nguyễn Thị Bình (2007), Văn xuôi Việt Nam 1975-1995- Những đổi mới cơ bản, NXB Giáo dục, Hà Nội.

[4] Trần Thiện Khanh (2010), «Quy ước diễn ngôn văn chương giai đoạn 1986-1991 », http://www.tapchisonghuong.com.vn

[5] M. Foucault (1978),The History of Sexuality (Lịch sử tính dục) (), New York: Pantheon Books,105

[6] Nhiều tác giả (2009), Nghiên cứu văn học Việt Nam-Những khả năng và thách thức- NXB Thế giới, Hà Nội.

[7] Nguyễn Thi, (2004), Người mẹ cầm súng, Nhà xuất bản Trẻ, TPHCM

[8] Trần Nho Thìn (2012), Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

[9] Trần văn Toàn, (2007), “Vấn đề tình dục trong Văn học Việt Nam từ và qua truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao” my.opera.com.

[10] Trần Văn Toàn (2010), «Giới tính và nghiên cứu văn học-trường hợp Đoạn tuyệt của Nhất Linh »

[11] Nguyễn Văn Trung (2002) Ca tụng thân xác, NXB Văn nghệ, Hà Nội.

[12] Liễu Trương (2011), Phân tâm học và phê bình văn học, NXB Phụ nữ, Hà Nội.