star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Đặc điểm của hình tượng nhân vật trữ tình trong thể loại Ngâm khúc


Ngâm khúc cùng với thể thơ song thất lục bát là một thành tựu của văn học Việt Nam. Thể thơ này gắn liền với một giai đoạn lịch sử đầy biến động của văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX mà nhân vật trung tâm là con người với những khổ đau bất hạnh, mất niềm tin vào lí tưởng và nguyên tắc đạo đức phong kiến. Ở đó, con người luôn đi tìm nguyên nhân gây nên nỗi đau cho mình nhưng luôn bế tắc. Bài viết sau đây chỉ ra những đặc điểm của nhân vật trữ tình trong thể loại ngâm khúc của văn học Việt Nam.

Từ khóa: ngâm khúc, thể loại, nhân vật trữ tình

“Ngam khuc” with the “song that luc bat” (double seven-six-eight) is a achievement of Vietnamese literature. This poetry is associated with a period of history of Vietnamese which it’s so turbulent in the last half of the 18th century - the first half of the nineteenth century, the central character of the this period poetry is human with unhappiness, disbelieve with ideal and value of feudal society. There, people always find the cause of their unhappiness but always congested. The following article shows the characteristics of the lyrical character in the “ngam khuc” type of Vietnamese literature.

Key: ngam khuc, type, lyrical character

 

 

Trong lịch sử văn học Việt Nam thời kì trung đại, giai đoạn văn học nửa cuối thế kỉ XVIII-nửa đầu thế kỉ XIX là giai đoạn văn học phát triển rực rỡ nhất ở tất cả các loại hình như tự sự, trữ tình, kịch và các thể loại như hát nói, thơ Nôm đường luật, truyện Nôm, đặc biệt là ngâm khúc. Chính bối cảnh lịch sử-xã hội, tư tưởng, văn hóa của thời kì này chi phối nội dung, nghệ thuật; tư tưởng, chủ đề của tác phẩm văn học; thậm chí chi phối cả thể loại. Điều này giải thích vì sao trong giai đoạn này có nhiều tác giả, tác phẩm đỉnh cao; nhiều thể loại văn học đặc biệt xuất hiện, trong đó có thể loại ngâm khúc với những đặc trưng riêng có, ngâm khúc cùng với những thể loại khác chuyển tải một cách đầy đủ và xác đáng những vấn đề của thời đại, đặc biệt là vấn đề quyền con người.

1.Vài nét về thể loại ngâm khúc

Ngâm khúc là một trong những thể loại độc đáo của thơ truyền thống Việt Nam, thể loại này đạt được những thành tựu to lớn trong tiến trình phát triển của thơ Việt Nam thời kì trung đại và là một trong ba đỉnh cao của văn học Nôm ở giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX (truyện Nôm, hát nói, ngâm khúc). Đây là thể loại ra đời muộn hơn nhưng đã kịp gặt hái những thành tựu lớn như Chinh phụ ngâm (bản dịch Đoàn Thị Điểm), Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân), Văn chiêu hồn (Nguyễn Du)…

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quang, người có nhiều công trình nghiên cứu về ngâm khúc, định nghĩa, ngâm khúc là những ca khúc trữ tình trường thiên thể hiện những bi kịch trong đời sống nội tâm con người, khi đối diện với hiện thực cuộc sống, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, được viết bằng thể song thất lục bát và bằng ngôn ngữ dân tộc (chữ Nôm) [4].

Từ định nghĩa trên có thể thấy ngâm khúc có những đặc điểm như sau:

Thứ nhất chủ đề của các tác phẩm ngâm khúc phản ánh những vấn đề của cuộc sống và con người, những tâm tư, khát vọng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Thứ hai, kết cấu của ngâm khúc diễn đạt số phận và tâm trạng của chủ thể trữ tình theo kiểu “hồi cố bi ai”, nghĩa là dòng cảm xúc của nhân vật trữ tính luôn có sự đi về giữa hiện tại-quá khứ, hiện tại-tương lai. Lối kết cấu này giống nghệ thuật đồng hiện của những tác phẩm hiện đại: cùng một lúc tác giả làm hiện lên cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Nó phục vụ tốt cho việc bộc lộ chủ đề của tác phẩm ngâm khúc.

Đặc điểm nổi bật của không gian, thời gian nghệ thuật ở thể loại ngâm khúc là thời gian “mở”; thời gian có tính chất mơ hồ, ước lệ tượng trưng; thời gian luôn được đối chiếu, so sánh ở ba chiều…nhằm đặc tả nỗi buồn chán, thất vọng não nề của chủ thể trữ tình.

Ở phương diện ngôn ngữ, thể thơ giàu tính nhạc song thất lục bát và ngôn ngữ thơ ca dân tộc là lựa chọn xác đáng của thể loại ngâm khúc nhằm diễn đạt chính xác đời sống tâm hồn phong phú và tinh tế của con người Việt Nam trong dòng chảy của văn học dân tộc.

Có thể nói ra đời và phát triển trong một giai đoạn ngắn ngủi, số lượng tác phẩm hạn chế nhưng ngâm khúc đạt được những thành tựu rực rỡ, có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc. Một trong những nét độc đáo nổi bật là hình tượng nhân vật trữ tình trong các tác phẩm ngâm khúc với những đặc điểm riêng có không lẫn với hình tượng nhân vật trữ tình nào trong văn học Việt Nam.

2. Đặc điểm nhân vật trữ tình trong thể loại ngâm khúc

Trong tiến trình vận động của lịch sử văn học Việt Nam, văn học trung đại so với giai đoạn trước đã có sự thay đổi về chất. Từ văn chương “tải đạo”, “nói chí” chuyển sang văn chương thể hiện những khát vọng riêng tư của con người; từ văn chương nghĩa vụ theo các tiêu chuẩn đạo đức phong kiến sang văn chương đề cao con người cá nhân với những suy nghĩ hành động mới mẻ theo tinh thần nhân văn. Từ văn chương chữ Hán sang văn chương sáng tác chủ yếu bằng chữ Nôm. Sự thay đổi đó tương đối toàn diện trong đó có nhân vật.

2.1. Con người mất niềm tin vào lí tưởng và nguyên tắc đạo đức phong kiến

 Ở thể loại ngâm khúc, ta có các nhân vật trữ tình đang bộc lộ mình bằng những cảm xúc, suy nghĩ, cách nhìn nhận cuộc sống. Đó chính là những cá nhân đang đứng đối diện với xã hội và thế giới xung quanh mình. Nhưng cá nhân trong thơ trữ tình ở các hệ thống văn học, thời đại văn học, thể loại văn học khác nhau sẽ mang những sắc thái khác nhau, mức độ khác nhau. Cá nhân trong ca dao khác với cá nhân trong thơ trữ tình trung đại, cá nhân trong thơ trữ tình trung đại khác cá nhân trong thơ trữ tình hiện đại…Con người cá nhân trong ngâm khúc cũng vậy, nó cũng giống con người cá nhân trong ca dao, văn học trung đại, cận đại…nhưng cũng có sắc thái riêng đó là phẩm chất. Phẩm chất của con người cá nhân trong thể loại ngâm khúc được bộc lộ rõ nét, họ là những con người ít nhiều mất niềm tin vào lí tưởng và các nguyên tắc đạo đức truyền thống của Nho giáo.

Người chinh phụ  trong Chinh phụ ngâm lúc đầu khi nghe tin nhà vua phát động cuộc chiến tranh thì nàng tin rằng đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa:

Thành liền mong tiến bệ rồng

Lưỡi gươm đã quyết chẳng dong giặc trời

Nhưng về sau nàng thấy đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa, lợi ích của nó chỉ đem đến cho nhà vua và chính quyền phong kiến cho nên niềm tin ấy bị mai một khiến nàng phải thốt lên những lời than vãn, trách móc.

Người cung nữ trong Cung oán ngâm một thời rất tự hào về đấng quân vương, tự hào vì được yêu, được sủng ái; nàng đặt nhiều niềm tin vào tình yêu, thậm chí nàng ảo tưởng những cuộc ái ân với nhà vua là một cuộc tình thủy chung nhưng thực tế nàng rất thất vọng vì đấng quân vương không thể là kẻ chung tình, nhà vua cũng chỉ là bọn “cá no mồi” mà thôi.

Cao Bá Nhạ trong Tự tình khúc thì hoàn toàn mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin vào sự công bằng của luật pháp phong kiến.

Đến Văn chiêu hồn thì Nguyễn Du hoàn toàn mất niềm tin vào cuộc đời, vào trật tự của xã hội hiện hành. Đó chính là bức tranh của xã hội đương thời đang phơi bày tất cả sự đổ nát của những giá trị cũ.

Cần phải thấy rằng mất niềm tin đối với những giá trị tinh thần phong kiến không phải là tâm trạng riêng của nhân vật trong các tác phẩm thuộc thể loại ngâm khúc. Nhưng chỉ ở các tác phẩm ngâm khúc thì tâm trạng này mới được bộc lộ một cách tập trung và nhất quán.

Từ chỗ mất niềm tin, họ đòi xem xét lại các giá trị cũ và có ý hướng tới các giá trị mới dưới ánh sáng của tư tưởng nhân văn. Nổi bật nhất là tình yêu, hạnh phúc của con người và số phận của nó trước hiện thực cuộc sống.

Người chinh phụ nhiều lúc tự phân thân để tranh luận về hạnh phúc. Có những lúc chinh phụ tin vào lí tưởng công danh và cho đó là hạnh phúc thế nhưng thực tế lại cho người chinh phụ một bài học hết sức đắng cay, điều đó được bộc lộ qua ý nghĩ hối hận:

Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu

Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong

(Chinh phụ ngâm)

Và do đó, theo chinh phụ hạnh phúc không phải ở công danh mà là ở tình yêu đôi lứa. Phần cuối khúc ngâm là giấc mơ đoàn viên chồng trở về “đeo quả ấn vàng” trong ca khúc khải hoàn. Giấc mơ đó cũng chính là phương tiện để chinh phụ trở lại với chồng, theo đó tác giả muốn khẳng định vấn đề hạnh phúc lứa đôi trong tác phẩm.

Người cung nữ sau khi thất bại trong cuộc tình với nhà vua thì cũng nhận ra rằng hạnh phúc không phải ở cuộc sống vương giả, nhung lụa. Nàng mơ ước một cuộc sống dân dã, bình dị mà hạnh phúc:

 Cùng nhau một giấc hoành môn

Lau nhau ríu rít cò con cũng tình.

(Cung oán ngâm)

Lê Ngọc Hân trong Ai tư vãn không phải hạnh phúc trong cảnh được sống bên cạnh một ông vua như Nguyễn Huệ mà hạnh phúc đối với nàng là được sống trong cảnh một người chồng luôn thương yêu và chăm sóc cho vợ:

Xưa sao sớm giãi khuya bày

Nặng lòng vàng đá cạn lời tóc tơ

Cao Bá Nhạ tìm thấy hạnh phúc trong việc dạy dỗ lớp trẻ trong làng:

Vườn riêng lấy cỏ cây làm bạn

Năm dài xem yến nhạn bay qua

Sông hồ ngày tháng lân la

Một hai hoàng quyển năm ba tiểu đồng

(Tự tình khúc)

Tóm lại, mỗi người đều tìm thấy giá trị hạnh phúc nằm ở đâu. Nhưng giá trị hạnh phúc đó trong các tác phẩm ngâm khúc nhìn chung không bền vững. Hạnh phúc chỉ thoáng qua, thoắt đến, thoắt đi nên các nhân vật trữ tình trong các tác tác phẩm ngâm khúc đều là những con người than vãn và nuối tiếc vì tình yêu, hạnh phúc đã một đi không trở lại.

Tài liệu tham khảo

[1] Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (1971), Thơ ca Việt Nam-Hình thức và thể loại, NXB KHXH;

[2] Đặng Thai Mai (1992), Giảng văn Chinh phụ ngâm-NXB Đại học sư phạm

[3] Đặng Thanh Lê (1994), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, NXB Giáo dục;

[4] Nhiều tác giả(2012), Ngữ văn- Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, “Ngâm khúc và những đặc điểm cơ bản của thể loại”, NXB Văn học, tr15-24.

Th.S Bùi Thị Kim Phượng