Trong phần bài viết trước tôi đã trình bày về nguồn gốc sự hình thành và phát triển con người. Trong bài viết cũng đã đề cập rất nhiều những quan điểm khác nhau của các nhà Triết học khi đánh giá, nhìn nhận và tìm hiểu nguồn gốc của sự hình thành và phát triển của xã hội loài người. Qua quá trình tiến hóa con người đã thay đổi rất nhiều điều này cũng do con người chịu sự tác động từ nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn môi trường sống, điều kiện, hoàn cảnh, giáo dục, gia đình và yếu tố di truyền, chính con người….v.v..Để hiểu rõ về vấn đề này dưới góc nhìn của các nhà khoa học, nhà triết học đã tìm hiểu được quy luật hoạt động của con người. Vậy ở đây tôi muốn cung cấp một số thông tin cũng như những quan điểm khi nói về bản chất con người cụ thể như sau:
- Trong triết học phi mácxit:
+ Khổng Tử cho bản chất con người do “thiên mệnh” chi phối quyết định, đức “nhân”chính là giá trị cao nhất của con người, đặc biệt là người quân tử.
+ Mạnh Tử quy tính thiện của con người vào năng lực bẩm sinh, do ảnh hưởng của phong tục tập quán xấu mà con người bị nhiễm cái xấu, xa rời cái tốt đẹp.
+ Tuân Tử lại cho rằng bản chất con người khi sinh ra là ác, nhưng có thể cải biến được, phải chống lại cái ác ấy thì con người mới tốt được.
+ Phoiơbắc đề cao vai trò và trí tuệ của con người với tính cách là những cá thể người. Đó là những con người cá biệt, đa dạng, phong phú, không ai giống ai.
- Quan điểm của triết học Mác – Lênin về bản chất con người
+ Thứ nhất, điều kiện hình thành bản chất con người.
Bản chất của con người được hình thành từ những điều kiện xã hội hiện thực. Con người luôn luôn cụ thể, xác định, sống trong một điều kiện lịch sử cụ thể nhất định, một thời đại nhất định. Chỉ trong toàn bộ các mối quan hệ xã hội đó (như quan hệ giai cấp, dân tộc, thời đại; quan hệ chính trị, kinh tế; quan hệ cá nhân, gia đình, xã hội …) con người mới hình thành và bộc lộ toàn bộ bản chất xã hội của mình.
+ Thứ hai, phương thức hình thành bản chất con người.
Bản chất con người không phải là cái có sẵn, là thiên tính bẩm sinh của con người, bản chất đó là tổng hòa của những quan hệ xã hội được hình thành trong suốt đời sống của con người. Do vậy, nếu thay đổi quan hệ xã hội, thay đổi hoàn cảnh thì bản chất con người có thể thay đổi. Đây là tư tưởng khoa học, cách mạng và nhân văn nhất của chủ nghĩa Mác – Lênin.
+ Thứ ba, đặc trưng bản chất con người.
Bản chất con người là tổng thể những đặc trưng về lối sống, phẩm giá, lương tri, đạo đức… được thể hiện thống qua nhân cách.Bản chất con người phù hợp với xu hướng tích cực, tiến bộ được xem là bản chất tốt.
Ngược lại với xu hướng này được coi là bản chất xấu.Bản chất và thể hiện bản chất của con người có khác biệt nhất định. Bản chất là cái ẩn giấu bên trong, còn hành vi là sự biểu hiện bản chất ra bên ngoài, nên bản chất và biểu hiện bản chất nhiều khi lại mâu thuẫn nhau.
Trên đây là một số ý kiến cũng như những quan điểm Triết học khi đưa ra nhìn nhận bản chất con người. Tất nhiên còn nhiều ý kiến trái chiều khác khi luận bàn về bản chất con người, Trong phần nội dung tiếp theo tôi sẽ trình bày chi tiết bổ sung cụ thể hơn để mọi người có cách nhìn đầy đủ hơn về con người.
GV. Nguyễn Thị Tường Vy.