star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Tư tưởng đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện đảng cầm quyền qua các tác phẩm Đường Cách Mệnh


Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch để thực sự vững mạnh, thực sự là Đảng chân chính cách mạng theo học thuyết đảng kiểu mới của V.I. Lê-nin.

Tư tưởng đổi mới của Người được hình thành từ rất sớm, bởi Người rất nhạy cảm với cái mới, từ tư duy đổi mới đến hành động đổi mới sáng tạo, quyết tâm thực hiện sự thay đổi trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước, biến khát vọng giải phóng dân tộc thành hiện thực theo hệ giá trị Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho Tổ quốc - Dân tộc và nhân dân. Người đã lao động, học tập, tranh đấu suốt 30 năm để tìm chân lý cách mạng, với hoài bão, ý chí, nghị lực phi thường. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ tìm đườngnhận đườngchọn đường đã trở thành người dẫn đường cho dân tộc ta trên “Đường Cách mệnh” để thực hành lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Khi Đảng chưa ra đời, năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã viết “Đường Cách mệnh”. Đây là tập bài giảng lý luận cách mạng dùng cho các lớp huấn luyện cán bộ do Người tổ chức và trực tiếp giảng dạy tại Quảng Châu (Trung Quốc). Có thể xem “Đường Cách mệnh” là một trong những tác phẩm đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, sau khi Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, khi Người tham gia Đại hội Tua ở Pháp, năm 1920, lúc đó Nguyễn Ái Quốc mới 30 tuổi. Người bỏ phiếu tán thành lập trường của Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), cùng với các đồng chí cộng sản Pháp. Đảng Cộng sản Pháp ra đời năm 1920 tại Đại hội lịch sử này và Nguyễn Ái Quốc được thừa nhận là một trong những người đồng sáng lập. Sau đó, Người đã có những đóng góp to lớn trong việc tổ chức ban nghiên cứu các vấn đề thuộc địa, xác định vai trò và trách nhiệm của đảng cộng sản ở chính quốc cần phải ủng hộ, quan tâm, giúp đỡ phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân để giải phóng dân tộc, giành độc lập. Đó là tư tưởng đổi mới của Người, khi tiếp thu tư tưởng của V.I. Lê-nin về quyền tự quyết của các dân tộc, từ luận cương về dân tộc và các vấn đề thuộc địa.

“Đường Cách mệnh” là tác phẩm đặt nền móng tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930, do Người sáng lập. Bản Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng cũng do Người trực tiếp soạn thảo, cùng với thư kêu gọi các tầng lớp dân chúng ủng hộ Đảng, làm cách mạng giải phóng do Đảng lãnh đạo. Tư tưởng đổi mới của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thể hiện nổi bật ở các luận điểm được đề cập trong tác phẩm “Đường Cách mệnh”. Người xác định: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”(1). Cách mạng phải đến nơi (tức là triệt để) theo tấm gương Cách mạng Tháng Mười Nga, năm 1917 do V.I. Lê-nin và đảng kiểu mới lãnh đạo. “Trước hết phải có đảng cách mệnh”, “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”, “Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn”, “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(2). Dù hết sức dung dị trong diễn đạt, nhưng tư tưởng đổi mới sâu sắc của Người đã ở tầm kinh điển.

Một trong những điểm đặc sắc của “Đường Cách mệnh” là ở chỗ, mở đầu tác phẩm lý luận này, Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng đầu vấn đề tư cách của người cách mạng. Người nhấn mạnh: “Giữ chủ nghĩa cho vững” và phải “Ít lòng tham muốn về vật chất”(3). Có như vậy, đảng cách mạng, người cách mạng mới làm tròn sứ mệnh cao cả của mình là thực hiện công cuộc giải phóng dân tộc, làm cách mạng thành công, quyền giao vào tay dân chúng số nhiều, tức là công - nông và đông đảo quần chúng lao động bị áp bức. Sự nghiệp vĩ đại ấy cần có sự soi đường của lý luận khoa học và cách mạng, cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định của những người thực hành lý tưởng, lại phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, biết hy sinh, tận tâm, tận lực phục vụ dân chúng. Sức mạnh ấy, là tất yếu cần thiết để vượt qua chủ nghĩa cá nhân mà Người nói rõ, đó là “giặc nội xâm” nguy hiểm nhất.

Theo tư tưởng của Người trong tác phẩm “Đường Cách mệnh”, chỉ có sự kết hợp thống nhất và nhuần nhuyễn giữa trí tuệ khoa học với đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị của đảng cách mạng, của người cách mạng, mới đủ sức tập hợp dân chúng thành lực lượng, mới giác ngộ và thức tỉnh dân chúng, đoàn kết họ, quy tụ họ thành phong trào theo đảng tiên phong, đưa cách mạng tới thành công. Sớm nhận ra vai trò của đạo đức cách mạng và sức mạnh của đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn liền với đoàn kết quốc tế trong công cuộc cách mạng giải phóng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tấm gương của Cách mạng Tháng Mười Nga, đó là sự nhạy cảm, sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng của Nguyễn Ái Quốc. Đó cũng là nét nổi bật, đặc trưng cho tư tưởng đổi mới của Người, ngay từ khi Đảng còn chưa ra đời.

Nhờ có tư tưởng đổi mới ấy, như kim chỉ nam hành động, như ánh sáng soi đường mà Nguyễn Ái Quốc cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ. Đó là Tuyên ngôn lập quốc và dựng nước Việt Nam mới trong lịch sử Việt Nam hiện đại - Thời đại Hồ Chí Minh. Tầm vóc vĩ đại về tư tưởng đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chứng thực ở chỗ, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của tư tưởng, của đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, giải quyết thành công mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền.

---------------------------------------------------------------------

Trịnh Đình Thanh - Bộ môn Lý Luận Chính trị