star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Nhận thức của Đảng ta về thuật ngữ “Kỷ nguyên” trong thời kỳ đổi mới


Các nhà khoa học đều có nhận thức chung rằng, kỷ nguyên là một chặng đường lịch sử trong tiến trình phát triển của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và của cả nhân loại. Chặng đường ấy được đánh dấu bằng sự phát triển về chất chứ không chỉ về lượng, được nhớ tới với những dấu ấn đặc biệt, những thành tựu vĩ đại và quan trọng nhất là nếu hoàn thành các nhiệm vụ, các mục tiêu của kỷ nguyên ấy thì sẽ tạo tiền đề, điều kiện để mở ra bước phát triển mới, thời kỳ mới cho dân tộc.

Trong Cương lĩnh năm 1991 đã dùng tới khái niệm kỷ nguyên. Phần mở đầu của Cương lĩnh có nói một nhận định: Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện, Đảng ta đã lãnh đạo Cách mạng Việt Nam vượt qua muôn trùng khó khăn, thách thức và đã giành được những thắng lợi vĩ đại. Sự thành công của Cách mạng tháng 8 năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Từ năm 1946 đến năm 1975, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành thắng lợi 2 cuộc kháng chiến vĩ đại, đánh thắng các thế lực xâm lược hung bạo nhất, thống nhất đất nước. Cả nước bước vào kỷ nguyên xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Từ năm 1986, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN và sau 40 năm, công cuộc Đổi mới này đã giành được những thắng lợi vĩ đại, đưa quy mô kinh tế đất nước tăng 96 lần, từ một nước nghèo và lạc hậu trở thành nước đứng vào nhóm 34 nền kinh tế có quy mô lớn nhất trên thế giới (năm 2023).

Việt Nam cũng là tấm gương của nhân dân thế giới về xóa đói giảm nghèo, đây là mục tiêu thiên niên kỷ cực kỳ nhân văn mà nước ta đã hiện thực hóa được trước vài năm. Trước Đổi mới, tỉ lệ đói nghèo của nước ta từ 60-70% đến bây giờ chỉ dưới 2% - phải nói đây là một kỳ tích.

Sau 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của chúng ta tăng vượt bậc. Chúng ta có quan hệ ngoại giao với tất cả 193 nước thành viên của Liên Hợp Quốc. Chúng ta là đối tác hợp tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc khu vực và trên thế giới. Đây là một nét rất đặc biệt, chưa từng có và chúng ta đang đóng góp rất tích cực, đầy trách nhiệm vào việc gìn giữ ổn định, hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Có thể khẳng định, sau 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, tạo ra tiềm lực và vị thế mới. Đây là một trong những điều kiện, tiền đề để đất nước vững chắc tiến vào kỷ nguyên mới.

Thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… Đây là bước phát triển nhảy vọt chưa từng thấy, nhất là công nghệ thông tin với internet, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data)…

Thế giới hiện nay cũng đang chứng kiến cạnh tranh chiến lược của các nước lớn rất gay gắt, ngày càng quyết liệt. Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một dự báo rất sáng suốt với tầm nhìn rộng, đó là từ nay đến năm 2030, sự cạnh tranh này sẽ đi tới xác lập một thế giới đa cực, thay cho thế giới đơn cực ra đời sau năm 1991 và đã đi tới một dự báo chiến lược: Các yếu tố nói trên đang tạo ra cơ hội chiến lược cho Việt Nam, tạo ra điều kiện, tiền đề vững chắc cho chúng ta bước vào một kỷ nguyên phát triển mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc phát triển theo chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

-------------------------------------------------------------------------

Trịnh Đình Thanh

Bộ môn Lý luận Chính trị