star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

KHÁM PHÁ 7 KỲ QUAN THẾ GIỚI CỔ ĐẠI Phần VII: Đền thờ nữ thần Artemis


Đền thờ nữ thần Artemis - một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại - là công trình nằm giữa thành cổ Ephesus lộng lẫy và bí ẩn, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, bên bờ biển Aegea. Đền được xây dựng hoàn toàn bằng đá cẩm thạch bởi kiến trúc sư Chersiphron và con trai là Metagenes. Công trình có chiều dài 377 feet (115m), rộng 180 feet (55m) và được chống đỡ bởi 127 cột đá.

Trong Thần thoại Hy Lạp, nữ thần Artemis là con gái của thần Zeus tối cao và nữ thần Leto, em song sinh của thần Apollo. Nàng là nữ thần săn bắn, hiện thân của sự chung thủy và trinh tiết trong tình yêu. Người dân Hy Lạp lập đền thờ và cúng tế Artemis hàng năm như các vị thần lớn khác.

Đền thờ Artemis bắt đầu được xây dựng vào năm 550 TCN với sự hỗ trợ tài chính của vua Croesus, vị vua giàu có của vương quốc Lydia lân cận. Trải qua nhiều giai đoạn xây dựng lại và mở rộng, lần cuối cùng là vào năm 430 TCN sau 120 năm hoàn thiện. Tuy nhiên, vào năm 356 TCN, ngôi đền bị thiêu hủy bởi một kẻ mắc chứng cuồng danh với mục đích lưu danh sử sách, trùng với đêm Alexander Đại Đế chào đời. Sau đó, một ngôi đền mới được dựng lại trên nền móng cũ, duy trì kiến trúc nguy nga ban đầu. Tuy nhiên, vào năm 262, người Goth đã tiếp tục đốt phá ngôi đền lần thứ hai. Đến ngày nay, chỉ còn phần nền và một số tàn tích của ngôi đền thứ hai tồn tại.

Ngôi đền không chỉ là một trong những đền thờ Hy Lạp đồ sộ nhất mà còn là một trong những công trình bằng đá cẩm thạch lâu đời nhất. Kiến trúc đền bao gồm ba cửa sổ lớn trên mái, trong đó cửa sổ giữa tạo ra khoang hở để khách viếng có thể nhìn thấy tượng nữ thần Artemis trên bàn thờ. Bàn thờ này là một công trình lộng lẫy với những dãy cột tráng lệ phía trước đền.

Đền thờ Artemis là nơi linh thiêng, nơi thần linh truyền đạt ý muốn, nhắc nhở và cảnh báo con người. Đây cũng là nơi con người cầu nguyện và tìm kiếm sự che chở từ nữ thần Artemis.

 

Trần Thị Diễm Trâm