Cách đây 113 năm (ngày 5-6-1911), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn đi Marseille (Pháp) với ý chí mãnh liệt và hoài bão sẽ tìm được con đường cứu nước, giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Hành trình cứu nước của Nguyễn Ái Quốc vẫn có ý nghĩa lịch sử và giáo dục to lớn đối với người dân Việt Nam
Ngày 5/9/1911 với tên mới Văn Ba, làm phụ bếp trên tàu, Nguyễn Tất Thành ra đi với tư cách một người lao động với đôi bàn tay trắng. Trong suốt hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc ấy, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, qua gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố, vượt qua muôn vàn gian khổ, chông gai và làm rất nhiều nghề để kiếm sống, với quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Với những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm trong 10 năm ròng, từ năm 1911 đến năm 1920, Nguyễn Tất Thành đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của người thanh niên yêu nước này đã in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ.
Trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc được hòa mình trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, châu Úc, châu Á. Với bản tính thông minh, tinh tường, nhạy cảm với cái mới, trăn trở, khát khao tìm con đường đúng đắn để cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc, gạn lọc, đón nhận những tư tưởng tiến bộ của văn hóa phương Tây: chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng, chủ nghĩa duy lý thế kỷ Ánh sáng, tư tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp, Anh, Mỹ… Ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường gửi Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Véc-xây (1919); viết Bản án chế độ thực dân Pháp (1920); bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ Ba (tức Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp và đương nhiên, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên (1920); sáng lập báo Người cùng khổ (Le Paria, 1922), ngay bài viết cho số đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc tuyên bố sứ mệnh tờ báo là “giải phóng con người”. Đặc biệt ở 3 nước là Mỹ, Anh và Pháp, Nguyễn Tất Thành đã dừng chân khảo sát khá lâu. Người hòa mình vào cuộc sống của những người lao động, làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động, như: Phụ bếp, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh, làm vườn, vẽ thuê...
Trên cơ sở đó Nguyễn Tất Thành rút ra một kết luận có tính chất nền tảng đầu tiên: Ở đâu đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị bóc lột, áp bức và “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”. Cũng từ đó đã giúp người thanh niên Nguyễn Tất Thành có một nhận thức quan trọng: Nhân dân lao động trên toàn thế giới cần đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp thống trị; cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung là độc lập, tự do. Từ những nhận biết căn bản đó càng thôi thúc người thanh niên yêu nước quyết tâm tìm con đường giải phóng mà anh đã từng nung nấu, ấp ủ từ ngày rời Tổ quốc. Nguyễn Tất Thành càng nhận thức rõ: chủ nghĩa tư bản, bè lũ đế quốc, thực dân là những kẻ đã gây ra mọi áp bức, bóc lột, đau khổ cho công nhân, nông dân và các tầng lớp khác ở cả thuộc địa và ở ngay chính quốc. Theo Nguyễn Ái Quốc: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba… chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” [1]. Người khẳng định: “Muốn giải phóng dân tộc phải tự mình làm lấy”.
Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và nhận thức của Nguyễn Tất Thành. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng xã hội Pháp. Ngày 18-6-1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, chàng thanh niên thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Vécxây yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Tuy bản yêu sách không được chấp nhận nhưng đã được lan truyền rộng rãi, gây tiếng vang lớn trong dư luận nước Pháp, thức tỉnh tinh thần đấu tranh của các nước thuộc địa; đồng thời cũng đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức là các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức của chính mình.
Tháng 7-1920, sau khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin đăng trên Báo L’Humanite (Báo Nhân đạo) của Đảng Xã hội Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin. Luận cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những băn khoăn về con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc. “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ. Đây là cái cần thiết với chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Cuối tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế III, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, đồng thời cũng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở đầu quá trình kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Như vậy 113 năm đã trôi qua, ngày 5/6/1911 không chỉ đánh dấu bước ngoặt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, mà còn ghi vào lịch sử dân tộc ta thời khắc chuyển mình phát triển theo hướng mới, được dẫn dắt bởi người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất - Hồ Chí Minh. Có thể thấy, hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là hành trình sáng tạo, vĩ đại, đã mở đường, dẫn lối cho sự nghiệp giải phóng nhân dân, giải phóng đất nước và giải phóng dân tộc Việt Nam. Hành trình của Người cũng là bài học về tinh thần trách nhiệm, tinh thần học tập, lao động, sáng tạo, là bài học về tình yêu quê hương đất nước đối với thanh niên Việt Nam nói riêng và với mỗi người dân Việt Nam nói chung.
Nguyễn Thị Hải Lên - Tổ Lý luận chính trị.
Tài liệu tham khảo
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.563.