R. Kaplan Là giáo sư tại Học viện Hải quân Annapolis, thành viên của Hội đồng Quốc phòng Hoa Kỳ từ 2009 đến 2011. Bằng kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp, ông đã trình bày sự ảnh hưởng của địa lý và hoàn cảnh địa lý, bao gồm những sự kết hợp khác nhau của mấy yếu tố chủ chốt là không gian, hình thể địa hình, vị trí theo vĩ độ, và trùm lên tất cả là khung cảnh tự nhiên được thể hiện qua các bản đồ tự nhiên đến khả năng xung đột giữa các quốc gia, thân phận của các quốc gia. Nền tảng lý thuyết R. Kaplan sử dụng để phân tích, lập luận là các lý thuyết địa chính trị được phát triển bởi các chuyên gia kinh điển Mackinder, Spykman và Mahan. Thông qua tác phẩm R Kaplan làm rõ: 1. Vai trò của hoàn cảnh địa lý theo hướng Quyết định luận địa lý; 2. Vấn đề địa chính trị thể hiện qua cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các quốc gia, các cường quốc và các vùng địa chính trị.
Sách có ba phần với khối lượng không đồng đều: Phần I - “Những người nhìn xa trông rộng” dài 101 trang, Phần II - “Bản đồ thời kỳ đầu thế kỷ XXI” dài 244 trang, và Phần III - “Châu Mỹ đối mặt với vận mệnh của mình”, với một chương duy nhất dài 36 trang.
Trong Phần I - “Những người nhìn xa trông rộng”, tác giả điểm lại lý thuyết địa chính trị của Alfred Thayer Mahan, Halford J. Mackinder và Nicholas J. Spykman. Nhân việc đó ông nêu ý kiến: ngày nay người ta không còn có thể khẳng định rằng chiều kích địa lý đã không còn ý nghĩa, như có người đã từng khẳng định sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ. Theo ông, thực ra địa lý chưa từng bị bỏ qua, nhưng dường như nó đã bị lãng quên và ai đó đã đưa ra định đề, theo đó việc cho rằng công nghệ đã xóa bỏ địa lý chỉ là một ý kiến mơ hồ. Tuy nhiên, tác giả cũng cảnh báo về mối nguy của việc suy tôn quá mức vai trò của địa lý, bởi vì tuy nó có ảnh hưởng đến các sự kiện, nhưng theo cách xác suất, tức là không hoàn toàn quyết định được chúng.
Trong Phần II - “Bản đồ thời kỳ đầu thế kỷ XXI”, R. Kaplan nhấn mạnh một nội dung mang tính luận giải độc đáo những đặc điểm của nước Nga và người Nga. Theo ông, do không có những đường biên giới biển ấm và ổn định, nên nước này rơi vào tình thế không yên ổn với các nước láng giềng. Đã mấy trăm năm nay, nước Nga mơ ước sở hữu những cảng biển nước ấm, không bị đóng băng về mùa đông…, mà có lẽ quân cảng Sevastopol cũng nằm trong số những giấc mơ ấy. Một nhận xét mang tính Quyết định luận khác, nhưng cũng đáng được suy ngẫm, là ảnh hưởng sâu sắc của khí hậu lục địa khắc nghiệt và hình thể của lãnh thổ đối với tính khí người Nga và lịch sử nước Nga. Do tính bằng phẳng của những đồng bằng thảo nguyên mênh mông không đủ sức ngăn chặn những cuộc xâm lấn của kẻ thù, nhất là trong thời Trung cổ, nên người Nga luôn mang tâm lý lo ngại những cuộc tấn công từ bên ngoài, trong khi khí hậu khắc nghiệt lại trui rèn cho họ sức chịu đựng phi thường. Tóm lại, hoàn cảnh địa lý là nhân tố trội trong tâm thức người Nga… Cũng trong chương này, tác giả còn đưa ra nhiều ví dụ để chứng minh cho vai trò quyết định của điều kiện địa lý
Trong Phần III - “Châu Mỹ đối mặt với vận mệnh của mình”, cuốn sách trình bày một vấn đề nóng hổi của thời đại, được nhìn từ cách tiếp cận theo dài hạn, dồn nén trong một chương duy nhất dài 36 trang: “Braudel, Mexico và tầm nhìn chiến lược”. Theo quan điểm này, các lực gây tác động của địa lý hợp sức tạo ra những khuynh hướng lớn trong lịch sử đôi khi diễn ra suốt nhiều thế kỷ. Như vậy là tác giả đang nhắc tới khái niệm dài hạn được nhà địa lý nổi tiếng người Pháp thời những năm 1930 Fernand Braudel phát triển (Chương XV), nghĩa là khoảng thời gian địa lý, trong đó diễn ra những biến động nho nhỏ, khó nắm bắt được một cách trực tiếp, nhưng dần dần tích tụ lại để tạo ra những khung cảnh tự nhiên thích hợp hoặc gây bức xúc cho hoạt động của con người.
Ở VIệt Nam, tác phẩm được Sự minh định của địa lý của Robert D, Kaplan được dịch bởi Đào Đình Bắc và được Hội Nhà văn xuất bản vào năm 2017. Nếu bạn là người yêu thích môn địa lý, hứng thú với những diễn biến phức tạp trong mối quan hệ giữa các quốc gia trên toàn cầu, hay bạn là sinh viên chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, Báo chí – Truyền thông… Thiết nghĩ đây là một cuốn sách thú vị và phù hợp để các bạn tìm được những câu trả lời cho chính mình về những cuộc xung đột sắp tới và cuộc chiến đấu chống lại số phận của các quốc gia có vị trí địa lý đặc thù.
Ths. Đoàn Thị Cẩm Vân (ST)