Nam Ô là một làng chài cổ gắn với 7 bảo vật quý trong đó có Giếng Lăng. Đây là giếng của người Chăm, di tích này nằm bên Lăng Ông - một di tích cổ thờ Cá Ông, nay thuộc tổ 35, Nam Ô 2A. Giếng được tạo lập thời “Bảo Đại thập niên (1935), Ất Hợi tuế, lục nguyệt tạo” như dòng chữ Hán lưu khắc trên thành giếng. Các cụ kể: Thoạt đầu giếng dùng cho công việc giã vôi trùng tu Lăng Ông năm ấy, sau đó là nơi cung cấp nước ngọt cho nửa làng Nam Ô. Các thuyền buôn, ghe bầu của khách thương nam bắc, các ghe nghề chuồn ở Thanh Khê, các ghe giã buồm ở Mỹ Thị đã một thời thường ghé bến Nam Ô lấy nước ngọt giếng này dùng cho sinh hoạt dài ngày trên biển.
Giếng Lăng Nam Ô - Ảnh tác giả
Hiện nay, ở Nam Ô còn có 4 giếng Chăm cổ, gồm: Giếng Đình, giếng Thành Cung, giếng Cồn Trò, giếng Lăng. Thành của cả 4 giếng vuông cổ đã được dân làng xây thêm lên bằng gạch và xi-măng để tránh nguy hiểm, bởi các giếng nằm giữa khu dân cư, nền đường theo thời gian được bồi cao nên thành giếng xưa bị thấp xuống gần bằng với mặt đất chung quanh.
Đây là một điểm tham qua hấp dẫn cho du khách và các bạn sinh viên yêu thích du lịch văn hoá.
Nguyễn Thị Kim Bài
(Giảng viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn)