star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Nữ sinh Duy Tân thay đổi định kiến về trường tư thục


Định kiến trường tư thục

Tôi tên Lê Ngọc Phương Nghi, sinh năm 2001, là sinh viên K25 ngành Quan hệ Quốc tế. Khi nhận được thông báo từ thầy cố vấn tôi không khỏi cảm thấy vui và tự hào, nhưng đồng thời lại bối rối vì bản thân trước giờ không có nhiều trải nghiệm hay nhiều thành tích như bao bạn khác. Vì vậy trong bài viết này tôi đã đặt nhiều tâm tư tình cảm của mình gửi đến các bạn. Tôi xin kể câu chuyện của riêng tôi khi từng bước tiến tới giảng đường Đại học và xin gửi đến các bạn một thông điệp đã giúp tôi từng bước từng ngày hoàn thiện mình hơn.

 

Tôi sinh ra và lớn lên ở đất Sài Gòn, được nuôi dưỡng bởi đôi bàn tay của mẹ. Cấp ba, tôi đã học ở một ngôi trường có danh tiếng của thành phố. Học tập ở đây đồng nghĩa với việc có phần lớn bạn bè đều là những người nỗ lực học rất nhiều, họ chịu áp lực từ gia đình và nhà trường cũng rất lớn. Tuy nhiên tôi cảm thấy mình đã may mắn hơn, có một người mẹ có tầm nhìn xa và thấu hiểu con cái. Mẹ không bắt tôi phải thức khuya để học bài, cũng không bắt tôi phải học thêm để theo kịp mọi người, và cho dù điểm số của tôi không nổi bật mẹ vẫn tin tưởng và tự hào về tôi.
Cuối cấp, tôi và mẹ đã cùng nhau đưa ra quyết định táo bạo rằng ngôi trường tôi chọn sẽ là ĐH Duy Tân – không chỉ là trường tư mà còn xa nhà gần 1000km. Những bạn bè, phụ huynh và thầy cô lúc đó hầu hết đều mong muốn chúng tôi đậu vào những trường công có tiếng, và họ hay có đánh giá không tốt về các trường tư, có lẽ do điểm đầu vào thấp. Thật ra, kỳ thi Đánh giá năng lực tôi đã đạt 945 điểm, vượt mức điểm chuẩn của ngành Quan hệ Quốc tế trường đại học KHXH&NV TP.HCM là 895, điểm thi THPT QG cũng vừa bằng với điểm chuẩn của trường là 24,3 (khối D). Khi đó, nếu mong muốn học ở Duy Tân chỉ là miễn cưỡng, tôi đã có thể nộp đơn vào trường khác với bảng điểm của mình. Hẳn bạn thắc mắc vì sao tôi lại quyết định như vậy.
Có hai lí do đơn giản. Trước tiên tôi muốn có sự đổi mới – nếu tôi tiếp tục học ở một trường công có tiếng và sống gần gia đình, thì cuộc sống tôi nó vẫn thế. Thứ hai, tôi vốn không đồng tình với cách học đặt mục tiêu điểm số, vì thế tôi sẽ không định hướng lối đi cho mình dựa vào những bảng điểm hoặc lời bàn tán của hàng xóm. Tôi đã không học thêm và cũng đã nhẹ nhàng đạt được những con điểm đáng tự hào – những con điểm mà tôi không nghĩ đã có được nhờ thông minh, mà chính nhờ mẹ đã dạy cho tôi những quan điểm đúng đắn.
Trước đây, tôi cũng đã có những lúc thiếu tự tin và hoài nghi bản thân mình. Tôi vẫn luôn ngưỡng mộ những người có thể tự tin nói lên ý kiến cá nhân trước nhiều người một cách thoải mái ung dung, điều đó khiến cho tôi thấy mình không bằng người khác mỗi khi bản thân run rẩy hồi hộp làm những việc đó. Thiệt ra hiện tại tôi đôi lúc vẫn thế, nhưng điều khác biệt là tôi đang trên con đường tìm ra chính mình. Nó không hề dễ dàng – đôi lúc cứ nghĩ mình đã biết giá trị của bản thân rồi, nhưng thực ra tôi đã tự đặt mình vào kỳ vọng hư ảo, để rồi tự làm mình xấu hổ, thất vọng.
Thành ra tôi muốn gửi đến các bạn một bức vẽ có câu nói rất hay, đó là “Admire someone else’s beauty without questioning your own” (Tạm dịch là: Hãy ngưỡng mộ vẻ đẹp của người khác mà không hoài nghi vẻ đẹp của chính bạn). Bạn hãy như một chú hồng hạc chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy của chim công nhưng cũng đừng vì đó mà ghét bỏ bộ lông đặc biệt của riêng mình.

“Vẻ đẹp” ở đây không chỉ nói tới ngoại hình mà còn là cái trong bản chất chúng ta. Xã hội luôn đầy rẫy những định kiến, có lẽ phần lớn bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết và cảm thông, dẫn đến trong đời luôn có một số thứ được ưu ái hơn những thứ khác. Ví dụ, con gái phương Đông thường thích làn da trắng trẻo, thân hình gầy, nên biết trang điểm nếu không thì sẽ xấu hay quê mùa (như tôi đây); ý niệm cho rằng người hướng ngoại là tấm gương sáng và kì vọng sẽ thành công sau này, còn người hướng nội là mắc bệnh tâm lý và cần phải thay đổi, nếu không sẽ chỉ mãi cuối đầu trước người khác... Còn nhiều ví dụ khác nữa nhưng sự thật không phải thế. Sự thật là vẻ ngoài thế nào cũng đều đẹp, nhất là khi bản thân biết yêu thương và chăm sóc tốt cho cơ thể. Và thật ra ai cũng mang trong mình cả tính hướng ngoại lẫn hướng nội mà phần đông trong chúng ta hai yếu tố đó chênh lệch nhau không nhiều. Bạn thấy đó, nếu để cho góc nhìn của mình khách quan và khoa học thì sẽ có nhiều thứ tưởng chừng không tốt lại trở nên đáng trân trọng hơn.
Giờ đây, tôi muốn mỗi khi nhìn vào gương, cái mà tôi nhìn thấy không phải chỉ là những điểm mà tôi chưa hài lòng ở bản thân mình nữa, mà là tất cả những gì tôi có, những khuyết điểm, ưu điểm, cá tính của tôi... Nói chung, cái tôi muốn nhìn thấy trong gương chính là tôi chân thật nhất. Nếu ai cũng như vậy thì cuộc sống của mỗi người sẽ tốt hơn. Bạn sẽ biết giá trị của bản thân, tôn trọng sự khác biệt của chính mình cũng như của những người khác.
Mong rằng không khiến bạn cảm thấy tôi đang giảng đạo lý. Tôi chỉ muốn chia sẻ ít điều tôi đạt được tính tới thời điểm viết bài này, cũng để ghi lại một góc tuổi 20 mà tôi ở nhiều năm sau có thể đọc lại và hy vọng sẽ tự hào về bản thân mình lúc này.
và cuối cùng  em xin cảm ơn thầy Như Bắc – giảng viên cố vấn học ,cảm ơn Khoa KHXH đã cho tôi có cơ hội đc bộc bạch những suy nghĩ của mình. Tôi nghĩ mình sẽ từng ngày phấn đấu và thành công hơn để khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng đắn!

Chúc các bạn một ngày tốt lành.