star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Quan hệ Quốc tế

ĐẠI HỌC DUY TÂN,
MỘT TRUNG TÂM LỚN VỀ ĐÀO TẠO QUAN HỆ QUỐC TẾ
 
Được phép của Bộ Giáo dục- Đào tạo, ĐẠI HỌC DUY TÂN (DTU), bắt đầu đào tạo về Quan hệ Quốc tế hệ Cử nhân từ năm 2007. Cho tới nay, đã có 13 khoá sinh viên được nhận bằng cử nhân”
Quan hệ quốc tế”. Đa số các em đã tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, ở các mức độ khác nhau. Trong quá trình đào tạo, dựa trên nhu cầu thực tế về việc làm liên quan tới hợp tác quốc tế của các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, chương trình đào tạo cử nhân Quan hệ quốc tế của DTU đã được điều chỉnh.
Sau khi nhập học, ngoài những môn bắt buộc mà bất kỳ sinh viên theo học các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở bất kỳ đại học nào của Việt nam, đều phải học (Triết học, Kinh tế chính trị học Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt nam), sinh viên sẽ được lựa chọn ngay từ năm thứ nhất các ngoại ngữ mà HỌ muốn học. Hiện nay ngành Quan hệ quốc tế đang đào tạo 4 ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Hàn. Tương thích với ngoại ngữ mà sinh viên theo học là các môn học về quan hệ quốc tế không hoàn toàn giống nhau. Ngoài các môn đại cương về chuyên ngành như: Nhập môn quan hệ quốc tế, Lý thuyết quan hệ quốc tế, Lịch sử quan hệ quốc tế, Lịch sử văn hoá và văn minh thế giới, Phương pháp nghiên cứu khoa học... sinh viên sẽ có những môn học riêng nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về quốc gia sở hữu ngôn ngữ mà các em lựa chọn. Ví dụ Chuyên ngành quan hệ quốc tế dành cho các sinh viên theo học tiếng Trung sẽ có thêm các môn học về Trung Quốc thế kỷ XXI, về quan hệ Trung Quốc- ASEAN.
Khi sâu vào chuyên ngành, ngoài các môn học chung với các chuyên ngành khác như Ngoại giao đa phương, Phân tích chính sách đối ngoại, Kỹ năng đàm phán quốc tế, mỗi chuyên ngành cũng sẽ có thêm một số môn riêng. Chẳng hạn, sinh viên theo học chuyên ngành quan hệ quốc tế với tiếng Nhật là ngôn ngữ chính, các em sẽ được học thêm Văn hoá Nhật bản, Quan hệ Nhật bản- Đông Nam Á trong đó có quan hệ Nhật- Việt. Hiện nay để giúp sinh viên có thêm lựa chọn hơn, Bộ môn Quan hệ Quốc tế đang xây dựng chuyên ngành mới là Quan hệ kinh tế quốc tế. Trong chuyên ngành này, các môn học về Quan hệ kinh tế quốc tế sẽ được gia tăng cả về số lượng và nội dung giảng dạy. Ngoài các môn Đại cương, sinh viên sẽ được học các kiến thức đại cương về ngành như Thương mại quốc tế, Tài chính quốc tế, Luật kinh tế quốc tế, Lý thuyết về Hợp tác và Hội nhập kinh tế quốc tế, Marketing , Ngoại giao kinh tế... Khi di sâu vào chuyên ngành, sinh viên sẽ dược học các môn như : Các tiến trình hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á- Thái bình dương; Quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt nam; Văn hoá kinh doanh Âu- Mỹ; Văn hoá kinh doanh của người Hoa; Văn hoá kinh doanh của người Nhật... Về Kỹ năng, sinh viên sẽ được đào tạo về Truyền thông quốc tế; Kỹ năng khởi nghiệp trong hợp tác kinh tế quốc tế và Quản lý dự án hợp tác quốc tế...
Về quản lý và đội ngũ giảng dạy:
Bộ môn Quan hệ quốc tế hiện nay thuộc sự Quản lý của Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Duy tân do TS, Hoàng Thị Hường đứng đầu. Phụ trách chuyên môn của ngành là PGS. TS. Nguyễn Thu Mỹ, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Nguyên Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Đông Đô (2011- 2014) . Bà Thu Mỹ là một trong những Tiến sỹ đầu tiên được đào tạo về Chuyên ngành Lịch sử Quan hệ Quốc tế và Chính sách đối ngoại tại Viện nghiên cứu Viễn đông, trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên xô trước đây. Trong giới nghiên cứu quốc tế của Việt nam, PGS. TS. Nguyễn Thu Mỹ được biết tới như một trong những chuyên gia hàng đầu về ASEAN và về các vấn đề chính trị- an ninh ở Đông Á. Bà đã công bố hơn 100 bài báo khoa học
ở trong và ngoài nước. PGS>TS. cũng là tác giả và đồng tác giả của một số công trình khoa học lớn, gây được sự chú ý trong giới nghiên cứu quốc tế ở Việt Nam. Bà từng được mời tới làm việc ở một số trung tâm nghiên cứu quốc tế lớn ở Đông Nam Á và Tây, Bắc Âu. TS. đã tham gia nhiều hội thảo khoa học lớn về quan hệ quốc tế ở Anh, Thụy điển, Nga, Nhật bản, Trung Quốc, Australia, Hàn quốc… Ngoài phụ trách chuyên môn của ngành, PGS. TS. Nguyễn Thu Mỹ còn trực tiếp giảng dạy cả ở hệ Cử nhân và Cao học.
Phụ trách công việc thường nhật của Bộ môn là Thạc sỹ. Ngô Thảo Quỳnh. Cô là một giảng viên rất tâm huyết và giàu kinh nghiệm quản lý chương trình đào tạo.
Khác với các cơ sở đào tạo công lập, giảng dạy Quan hệ quốc tế ở DTU chủ yếu là giảng viên thỉnh giảng. Nhà trường đã không tiếc nguốn lực tài chính để mời các chuyên gia hàng đầu trong nước đến tham gia giảng dạy. Về Lý thuyết quan hệ Quốc tế, GS.TS. Hoàng Khắc Nam, một trong những chuyên gia số 1 ở Việt nam về Lý thuyết quan hệ quốc tế, đã giảng dạy môn học này từ hàng chục năm nay. GS. TS. Phạm Quang Minh, một trong những chuyên gia đầu ngành về Quan hệ quốc tế ở châu Á- THÁI BÌNH DƯƠNG, cũng tham gia giảng dạy môn này cho sinh viên và học viên cao học. PGS. TS. Lê Bộ Lĩnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu ĐÔNG NAM Á, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học- công nghệ của Quốc hội, PGS. TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc, TS. Hoàng Thế Anh, Phó Viện trưởng, Tổng Biên tập tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc... đã và sẽ tham gia giảng dạy cho sinh viên và học viên ngành Quan hệ Quốc tế của DTU. Trong thời gian tới, Bộ môn Quan hệ quốc tế sẽ mời thêm các giảng viên- học giả làm việc tại các trung tâm đào tạo và nghiên cứu lớn về Quan hệ quốc tế ở trong và ngoài nước tới tham gia đào tạo. Ngoài khai thác chất xám từ các nguồn bên ngoài, bộ môn Quan hệ quốc tế còn huy động các giảng viên, các cán bộ khoa học của các trung tâm, các viện nghiên cứu của ĐẠI HỌC DUY TÂN đến giảng cho sinh viên TS. Trần Xuân Hiệp là một trong những giảng viên đó. Là một nhà nghiên cứu trẻ làm việc tại Viện nghiên cứu kinh tế- xã hội, trực thuộc DTU, cho tới nay TS. Trần Xuân Hiệp đã công bố hàng chục công trình nghiên cứu, trong đó có 5 bài công bố trên các tạp chí khoa học nước ngoài.
Về cơ sở vật chất, Đại học Duy tân có hai thư viện lớn đặt ở hai trụ sở chính: ở số 3 Quang Trung và 254 Nguyễn Văn Linh, thành phố ĐÀ NẴNG. Thư viện có rất nhiều sách, báo quý về Quan hệ quốc tế/
Tất cả các phòng học đều được trang bị màn hình lớn và máy chiếú hiện đại. Bất kỳ phòng học nào, không phân biệt lớn, nhỏ, đều được lắp điều hoà nhiệt độ và hàng loạt quạt treo tường. Bàn ghế trong các phòng học mới được trang bị lại, rất tiện dụng cho việc giảng dạy và học tập.
Sinh viên tốt nghiệp muốn tiếp tục học tập có thể đăng ký học ngay hệ Thạc sỹ, thậm chí Tiến sỹ nếu có thành tích xuất sắc trong 4,5 năm học ở hệ Cử nhân. Các em ở tỉnh xa về học ở DTU sẽ được nhà trường giúp đỡ để có chỗ ở tốt tại các ký túc xá dành cho sinh viên của Thành phố Đà nẵng.
Một điểm hấp dẫn khác khi lựa chọn học Quan hệ quốc tế ở DTU là các em sẽ được tham gia các hoạt động khoa học và ngoại khoá do Bộ môn tổ chức. Hàng năm, bộ môn Quan hệ quốc tế tổ chức hàng loạt các Workshop, các Seminar với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế. Workshop gần đây nhất đã được tổ chức với chủ đề” Chính sách đối ngoại của Chính quyền Joe Biden trong so sánh với chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump". Người thuyết trình chính là GS. TS. Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia, Hà nội.
Đến học QHQT ở DTU, sinh viên sẽ được sống ở một trong những thành phố đẹp nhất của Việt nam. Đà nẵng không chỉ sở hữu bờ biển dài với những bãi tắm lý tưởng mà còn có con sông Hàn tuyệt đẹp chảy giữa thành phố. An ninh ở Đà nẵng có thể nói là tốt nhất trong số các thành phố lớn nhất ở Việt nam!
Hãy tới sống và học tập cùng chúng tôi, nếu bạn muốn được trang bị những kiến thức, những kỹ năng cơ bản nhất để trở thành các nhà ngoại giao tương lai, thành người viết về các vấn đề quốc tế hay các nhân viên đối ngoại của các công ty, các tập đoàn kinh tế lớn đang hoạt động ở ĐÀ NẴNG, các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và cả ở khắp đất nước Việt nam đang phát triển hàng ngày!