star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Tiếp tục xây dựng, củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia ngày càng bền vững


            Việt Nam  Campuchia  là hai nước láng giềng, có chung biên giới trên đất liền dài khoảng 1.270km, có vùng biển liền kề, nhân dân hai nước uống chung dòng nước sông Mê Kông. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, vận mệnh của hai nước luôn gắn kết với nhau chặt chẽ, sự gần gũi về địa lý và sự gắn bó, tương đồng về lịch sử khiến cho nhân dân hai nước luôn có sự hiểu biết, thông cảm và chia sẻ, đồng thời là điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ hai nước trong tình hình mới.

 

 

Ngược dòng thời gian 55 năm trước (24/6/1967 - 24/6/2022), hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu một mốc son lịch sử quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Mối quan hệ được lãnh tụ của hai nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc trưởng Xi-ha-núc đặt nền móng, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, gắn bó vận mệnh của hai dân tộc láng giềng. Năm 2005, Việt Nam và Campuchia đã nhất trí phát triển quan hệ hai nước trong thời kỳ mới theo phương châm 16 chữ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

         Nhìn lại chặng đường lịch sử 55 năm qua, mặc dù có biết bao khó khăn, thử thách với nhiều thăng trầm của các giai đoạn lịch sử và những biến cố của thời đại, nhưng tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Campuchia  đã không ngừng được củng cố, phát triển và đạt được những thành tựu to lớn.

         Những thành quả đó bắt nguồn từ mối quan hệ đoàn kết gắn bó, sự ủng hộ, giúp đỡ chân thành, trong sáng, to lớn, kịp thời, hiệu quả giữa hai nước, hai dân tộc và đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, là tài sản chung vô giá của hai nước, hai dân tộc, là nền tảng và động lực mạnh mẽ đối với sự nghiệp bảo vệ hòa bình, ổn định, xây dựng và phát triển của mỗi nước mà thế hệ hôm nay cần giữ gìn, vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

Ngày nay, Việt Nam – Campuchia  đều thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, song cả hai nước đều thấm nhuần những bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu, đều hết sức coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ theo phương châm "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài", trên cơ sở các nguyên tắc: Tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; không cho phép bất cứ lực lượng chính trị, quân sự nào sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nước kia; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; giải quyết mọi vấn đề nảy sinh giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình.

Nhằm phát huy hơn nữa mối quan hệ truyền thống tốt đẹp và kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia  (1967 - 2022), hai nước Việt Nam – Campuchia  cần tập trung vào một số việc:

Thứ nhất, cần nâng cao hiệu quả, tính thiết thực các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, cần linh hoạt về hình thức, cụ thể về nội dung, chủ động và thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường sự hiểu biết, gắn bó, tin cậy lẫn nhau; chủ động giải quyết ổn thỏa các vấn đề nảy sinh, không để trở thành vấn đề phức tạp trong quan hệ hai nước. Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ biết trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, thông qua các đoàn thể, tổ chức nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, cảnh giác, đấu tranh với những luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động chia rẽ quan hệ giữa hai nước.

Duy trì và phát huy quan hệ tốt đẹp về chính trị để định hướng tổng thể quan hệ giữa hai nước. Hai bên cần quan tâm gìn giữ và không ngừng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng chiến lược, ý nghĩa sống còn của quan hệ Việt Nam – Campuchia  đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước trong tình hình mới. Củng cố, tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng nền tảng xã hội vững chắc, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - kỹ thuật. Trong năm 2022, hai nước cần phối hợp tổ chức thành công tuần văn hóa và tuần phim của nhau ở mỗi nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về truyền thống quan hệ hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước; đồng thời, tiếp tục coi trọng, thúc đẩy và tăng cường quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, giáo dục - đào tạo và y tế.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh giao lưu hữu nghị nhân dân, nhất là giữa thanh thiếu niên hai nước; tăng cường trao đổi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin báo chí, thể thao; tiếp tục phối hợp nghiên cứu, hoàn thành bộ lịch sử quan hệ Việt Nam – Campuchia  1930-2010; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt đối với thế hệ trẻ để họ hiểu biết sâu sắc về quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự hợp tác toàn diện và sự giúp đỡ lẫn nhau một cách chân thành, vô tư, trong sáng và có hiệu quả giữa hai Đảng, hai nước.

Thứ ba, duy trì và nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có, nhất là cơ chế họp Ủy ban hỗn hợp hai nước về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và Hội nghị Hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới; phối hợp thực hiện nghiêm túc những cam kết, hiệp định, thỏa thuận hợp tác về kinh tế, đầu tư, thương mại; tích cực rà soát bổ sung, sửa đổi hoặc đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác để tạo hành lang pháp lý trong hợp tác về hợp tác kinh tế, đầu tư; ưu tiên kết nối hai nền kinh tế, hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, du lịch. Đồng thời có các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước tương xứng với tiền năng của hai nước.

Thứ tư, tiếp tục củng cố và tăng cường trụ cột hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại giữa hai nước. Thực hiện tốt Nghị định thư đã ký về quốc phòng, an ninh. Tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Đây là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước, bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình ổn định cho sự phát triển của mỗi nước. Hai bên cần phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần tạo thuận lợi để Cam-pu-chia hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2022.

Thứ năm, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời trao đổi, tham vấn, chia sẻ thông tin với Cam-pu-chia về các vấn đề quốc tế và khu vực, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hiệp quốc, ASEAN và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mê Kông, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới…tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Campuchia và với các nước, các tổ chức có liên quan để quản lý, sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mê Kông, các nguồn tài nguyên liên quan đến nước và môi trường thân thiện của sông Mê Kông, bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước trong lưu vực sông Mê Kông.

Thứ sáu, các cấp, các ngành và các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới của hai nước coi trọng các hình thức hợp tác trực tiếp, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh, ổn định và trật tự khu vực biên giới, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trên tinh thần đoàn kết, láng giềng hữu nghị vì sự phát triển của hai nước và lợi ích của nhân dân hai nước.

Việt Nam – Campuchia đẩy mạnh và không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của mỗi nước và trở thành nguồn lực và nhân tố bảo đảm sự phát triển bền vững của quan hệ hai nước. Cùng phát huy tốt quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới; đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, tổ chức nhân dân hai nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn nữa./.

Th.s Nguyễn Thị Hải Lên – Giảng viên Tổ LLCT