star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Chủ tịch Hồ Chí Minh với thực hành tiết kiệm


Hồ Chí Minh là lãnh tụ đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức mới của con người Việt Nam. Trong các chuẩn mực đạo đức mới đó có tư tưởng về tiết kiệm. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm có giá trị khoa học và nhân văn to lớn. Giá trị đó thể hiện rõ nét ở sự giải thích mới của Người về vai trò, nội dung của tiết kiệm, về đối tượng và giải pháp thực hành tiết kiệm. Trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm càng trở nên giá trị và mang tính thời sự.

Ngay từ rất sớm, trong bài "Tư cách người cách mệnh" Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giáo dục cho các chiến sĩ cách mạng tại lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu - Trung Quốc (1925-1927) về ý nghĩa, tầm quan trọng của tiết kiệm. Người coi cần, kiệm, liêm, chính là "bốn đức của con người". Cần, kiệm, liêm, chính cũng là những đạo đức phẩm chất của một dân tộc. Người đã từng nói: "Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ".

Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng về đối tượng cần phải thực hành tiết kiệm. Người nói: "Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện, làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân". Bốn chữ cần, kiệm, liêm, chính, hiểu một cách đơn giản không khó, nhưng hiểu cho đầy đủ và đúng thì không dễ, đặc biệt là chữ kiệm. Vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về chữ kiệm như thế nào?

 Người nhiều lần giải thích rõ về tiết kiệm để mọi người hiểu đúng để thực hiện cho thật tốt: "Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ không hoang phí, không bừa bãi .. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù hao bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế, mới đúng là tiết kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, dại dột, chứ không phải là kiệm. Tiết kiệm phải kiên quyết chống xa xỉ… Vì vậy, xa xỉ là có tội với Tổ quốc, với đồng bào". 

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, trong tình hình khẩn cấp: thù trong giặc ngoài, nạn đói hoành hành... đòi hỏi nhà nước cách mạng non trẻ phải giải quyết. Ngày 3-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày với các bộ trưởng 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện. Người nhấn mạnh: "Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, kiệm, liêm, chính". Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên quan tâm nhắc nhở, kêu gọi mọi người cần phải ra sức tiết kiệm: "Từ đây, tất cả đồng bào ta, tất cả anh chị em lao động ta (lao động bằng óc và lao động bằng chân tay), đều phải cần kiệm chịu khó... tăng gia sản xuất", "Các đồng bào mỗi người phải làm một việc, không nên một ai ăn rồi ngồi không… siêng năng và tiết kiệm", "Ra sức tiết kiệm cho khỏi nạn đói khó". Năm 1969, trong Thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ nghệ An, Người tiếp tục nhắc nhở mọi người "Phải ra sức phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm" . 

Xuất phát từ thực tiễn đất nước, kinh tế còn nghèo nàn, lại phải tiến hành kháng chiến chống thực dân, đế quốc hùng mạnh, để góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào, cán bộ quân đội: "... Phải hết sức tiết kiệm, để dành tiền bạc, cơm gạo cho cuộc kháng chiến lâu dài... Bao giờ kháng chiến thắng lợi độc lập thành công, chúng ta sẽ cùng nhau ăn Tết vui vẻ", "Chú ý tiết kiệm sức người và sức của, giữ gìn thật tốt vũ khí. trang bị...".

Trong cuộc sống, Bác nêu gương tiết kiệm từng việc nhỏ như: nhắc nhở và giáo dục những người phục vụ tắt đèn ngoài vườn khi trời đã sáng. Ðồng chí Phạm Văn Ðồng, một người sống gần Bác (nhà ở chỉ cách nhà sàn vài trăm mét) và rất gần gũi trong công việc, đã từng viết: "Lúc ăn, Bác không để rơi vãi một hạt cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ".

Ngay cả khi đi nước ngoài, Bác cũng nhắc nhở tiết kiệm. Tháng 7/1957, hôm rời Ba Lan để đi thăm Cộng hòa Dân chủ Ðức, lúc đi qua một căn phòng rộng với ba đèn chùm, hàng trăm ngọn điện sáng trưng khi trời đã sáng, Người nhắc đồng chí Bộ trưởng Ngoại giao gọi nhân viên phục vụ tắt đèn.

Hồ Chí Minh chỉ rõ, tiết kiệm không phải đơn thuần chỉ là tiết kiệm tiền của, vật chất thông thường, mà còn phải tiết kiệm cả thời gian, thời gian vô cùng quý báu. Người phê phán bệnh lãng phí tiền của, đồng thời phê phán cả sự lãng phí thời gian. Khi đến dự lễ tốt nghiệp khoá thứ V, Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người nhắc nhở: "Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em làm việc phải cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm".

 Trước lúc "đi xa", một lần nữa, ngay trong Di chúc để lại, Người căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân".

Những câu chuyện trên đây chứng minh cho lời nói của Bác: "Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc" và câu nói: "Không phải chúng ta ham chuộng khổ hạnh và bần cùng". Bác đã từng phân tích: "Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh". Câu nói đó cũng là phương châm chúng ta học tập Bác: vận dụng chữ tiết kiệm phù hợp với điều kiện ngày nay, tiết kiệm nhưng không bủn xỉn, không hoang phí, lãng phí.

ThS. Nguyễn Tấn Tài