star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Thực hiện “Ngoại giao cây tre Việt Nam” trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay


Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng hiện nay, ngoại giao Việt Nam tiếp tục thực hiện sứ mệnh mới, góp phần tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; đồng thời linh hoạt, sáng tạo tìm ra phương cách mới để thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế, nâng cao vị thế và gia tăng tiềm lực cho đất nước, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Xác định được tầm quan trọng của công tác ngoại giao trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 14/12/2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Cây tre Việt Nam có “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam; đó là: “Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mượn hình ảnh cây tre - một biểu tượng rất mộc mạc, dung dị mà thân thuộc với người Việt Nam, để gửi gắm thông điệp mang tính triết lý hết sức sâu sắc nhưng lại vô cùng gần gũi, thiết thực đối với ngành đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam. Cây tre có “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”; mềm mại nhưng kiên cường; linh hoạt nhưng bản lĩnh;... nhằm bảo vệ giang sơn, độc lập, chủ quyền của đất nước.

Có thể nói, trong thời đại Hồ Chí Minh, kế thừa phương sách độc đáo của cha ông, ứng xử linh hoạt trong suốt quá trình cách mạng, cùng với các mặt trận khác, mặt trận ngoại giao có vai trò trọng yếu trong sự nghiệp cách mạng, góp phần làm nên những thắng lợi hết sức to lớn, làm vẻ vang lịch sử dân tộc.

Từ năm 1986, khi Đảng ta khởi xưởng công cuộc đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của nhân loại, công tác đối ngoại mang bản sắc “cây tre Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả, cụ thể:

- Từ phá thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Hiện nay, Việt Nam đã mở rộng và nâng tầm ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, và bạn bè truyền thống. Nhờ đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của quốc tế.

- Tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế nước ta có sự liên kết quốc tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới.

- Đối ngoại đã giữ vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Thực hiện tốt ngoại giao cây tre, kết hợp “cứng” và “mềm”, đề cao hòa hiếu: “chúng ta luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác, tích cực trao đổi, đàm phán với các nước liên quan kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

- Vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.

Bên cạnh những thành tựu kể trên, công tác đối ngoại của nước ta cũng còn những hạn chế, thiếu những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế; nhận thức và chỉ đạo thực tiễn có lúc chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình; sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương còn thiếu chặt chẽ; công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình chưa thật bài bản, kết quả chưa được như mong muốn.

Thời gian tới, trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia.

Thấm nhuần và phát huy phương pháp ngoại giao cây tre, vì lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, công tác đối ngoại trong thời gian tới cần làm tốt những nhiệm vụ sau đây:

Một là, giữ vững nguyên tắc “ngoại giao cây tre”, công tác đối ngoại cần đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, sáng tạo, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới. Tuy nhiên, dù có đổi mới cũng cần nắm vững nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải trên cơ sở “giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn”, mang đúng bản sắc cây tre Việt.

Hai là, quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc vì lợi ích quốc gia - dân tộc.

Ba là, chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương nhằm nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, coi đây là một định hướng chiến lược quan trọng. Cần thể hiện vai trò nòng cốt trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên hợp quốc, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Bốn là, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hóa và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước; tiếp tục đưa các mối quan hệ với các đối tác, trước hết là các nước láng giềng và các nước lớn, đi vào chiều sâu, ổn định, hiệu quả; “ưu tiên duy trì ổn định và giữ đà quan hệ, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý các khác biệt và vấn đề nảy sinh trên tinh thần hợp tác, hữu nghị, kiểm soát bất đồng, dựa trên luật pháp quốc tế và thông lệ khu vực”.

Năm là, coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực, các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trên thế giới và khu vực, nhất là trước tác động như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và sự nguy hại của dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh mới, kế thừa những truyền thống, kinh nghiệm quý báu của hơn 90 năm Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, thấm nhuần triết lý ngoại giao cây tre, với bản lĩnh vững vàng, tự tin và khôn khéo, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu làm tốt hơn nữa công tác đối ngoại, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững./.

Th.s Nguyễn Thị Hải Lên – Giảng viên Bộ môn LLCT