star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Tầm quan trọng của giáo dục lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay


          Công tác tư tưởng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu, phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng, góp phần to lớn trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân nói chung và sinh viên các trường đại học, cao đẳng nói riêng.

           Đảng ta chỉ rõ: Công tác tư tưởng lý luận đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, những tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Trong Đảng, “về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin” và “giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng” nói chung và xem nhẹ việc học tập lý luận nói riêng. Và Người từng khẳng định: “Công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Trong Đảng và ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất. Nếu trong Đảng và ngoài Đảng từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài đều tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi”.

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng công tác đào tạo cán bộ nói chung, công tác giáo dục lý luận chính trị nói riêng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, quá trình xây dựng và phát triển đất nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, thì chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Một trong những thách thức lớn là “giặc nội xâm”, là những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang âm thầm phá hoại sự nghiệp cách mạng. Về điều này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thậm chí suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”

Vì vậy, giáo dục lý luận chính trị nhằm tăng cường bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng. Đó là cơ sở để cán bộ, đảng viên vận dụng lý luận vào thực tiễn, tránh sai lầm, mất phương hướng, chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Đánh giá về công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, dạy và học hình thức”. Điều đó cho thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp, chất lượng và hiệu quả được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại hội XIII cũng đã thẳng thắn nhìn nhận về một số hạn chế, đó là: “việc giáo dục tư tưởng, chính trị chưa thường xuyên, một bộ phận đảng viên và nhân dân chưa nắm được chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu”. Những hạn chế đó là một trong nhiều nguyên nhân khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, “cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”.

           Trước tình hình đó, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc công tác giáo dục lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

           Một là, cần nâng cao nhận thức, xác định việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là một trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; chính quyền; nắm vững mục tiêu, yêu cầu công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kịp thời có chủ trương, biện pháp lãnh đạo phù hợp, bảo đảm đúng đối tượng, nội dung. Việc lãnh đạo, tổ chức giáo dục chính trị, tư tưởng phải được xác định trong nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của đảng ủy,

           Hai là, xây dựng chương trình, nội dung giáo dục các môn lý luận chính trị bảo đảm toàn diện, hài hòa về khối lượng kiến thức, phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, tính khả thi cao. Đại hội XIII khẳng định phương châm đổi mới phải “theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn”. Hiện nay, giáo dục lý luận chính trị phải được khẳng định bằng tính đúng đắn, trên cơ sở khoa học vững chắc. Nội dung, chương trình phải có tính hiện đại, cập nhật được những vấn đề đương đại của đất nước và thế giới, đáp ứng được yêu cầu trong công tác lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, lý luận và thực tiễn phải gắn kết, soi sáng, bổ sung lẫn nhau, tránh tình trạng lý luận suông hoặc thực tiễn khô khan, tách rời, không ăn nhập với lý luận. Về phương pháp giáo dục, cần chú ý đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm, kết hợp các phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại, tích hợp công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đối với giảng dạy ở các nhà trường Đại học cần tăng cường thời gian trao đổi, thảo luận để học viên thể hiện quan điểm, vận dụng kiến thức lý luận giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

           Ba là, các tổ công đoàn cần tập trung nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của người lao động trong tổ giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, bảo đảm sự ổn định vững vàng về tư tưởng của người lao động, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao để phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của các đoàn viên cng đoàn xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn kết, tích cực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, qua đó để nắm bắt kịp thời tư tưởng, nguyện vọng của người lao động để trực tiếp giải quyết những vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Kết hợp chặt chẽ công tác quản lý tư tưởng với công tác chính sách, thi đua, khen thưởng, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa công sở, bảo đảm tốt đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động,

           Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng./.

Th.s Trần Thị Dung – Giảng viên Bộ môn LLCT