star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Tác phẩm “Đường cách mệnh” - kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam


“Đường cách mệnh”, tên cuốn sách trên bản gốc được viết là "Dường Kách mệnh", là tác phẩm tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927. Cuốn sách được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp lại và xuất bản thành sách năm 1927, đánh dấu cho sự truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX.

Ra đời trong hoàn cảnh phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản các nước trên thế giới phát triển mạnh mẽ, phong trào giải phóng dân tộc ở trong nước đã xuất hiện nhiều tổ chức yêu nước mang sắc màu chính trị khác nhau, cuốn sách “Đường cách mệnh” có ý nghĩa và vai trò như kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm đã chỉ rõ những quan điểm cơ bản về phương pháp cách mạng Việt Nam trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tổng kết kinh nghiệm cách mạng các nước, là tư liệu tham khảo đặc biệt quan trọng và cơ sở lý luận để Đảng ta xây dựng phương pháp cách mạng phù hợp với tình hình đất nước.

Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt của tác phẩm là giáo dục lý luận cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin, tổng kết thực tiễn phong trào cách mạng trong nước và quốc tế, cuốn sách đã trình bày một cách hệ thống những vấn đề cơ bản của lý luận cách mạng, làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam.

Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào?”. Để rồi đạt đến mục đích cao nhất là: “đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh dậy rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”.

Qua tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc đã xác định 23 tiêu chuẩn đạo đức của những người cách mạng, quy tụ trong ba mối quan hệ cơ bản của một con người:

(1) Đối với mình, có 14 tiêu chuẩn: Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật.

(2) Đối với người, có 5 chuẩn mực: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người.

(3) Đối với công việc, có 4 tiêu chuẩn: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể.

Những phẩm chất này làm thành các giá trị về nhân cách con người, nhân cách làm người- Một mẫu người mới đang định hình và xuất hiện trong phong trào cách mạng của dân tộc.

Về Đảng chính trị, Đường cách mệnh xem đảng cách mệnh, đảng cộng sản là nhân tố quyết định sự thành công của cách mệnh. Người viết: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững thì cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Luận điểm này của Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định một vấn đề có tính nguyên tắc, đặt nền móng lâu dài cho công tác xây dựng đảng về tư tưởng – lý luận.

Xác định được lực lượng nòng cốt của cách mạng Việt Nam, "Đường cách mệnh" đã trả lời câu hỏi: "Ai là những người cách mệnh?" một cách vắn tắt và dễ hiểu: "Vì bị áp lực mà sinh ra cách mệnh cho nên ai bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết. Khi trước, tư bản bị phong kiến áp bức cho nên nó cách mệnh. Bây giờ tư bản lại đi áp bức công nông, cho nên công nông là người chủ cách mệnh. 1. là vì công nông bị áp bức nặng hơn. 2. là vì công nông là đồng nhất cho nên sức mạnh hơn hết. 3. là vì công nông là tay không rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc. Vì những cớ ấy, cho nên công nông là gốc cách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công  nông; ba hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi". Những chỉ dẫn cơ bản này là nền tảng lý luận cơ bản chuẩn bị cho việc xây dựng khối đoàn kết cách mạng rộng lớn sau này, như các mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ giải phóng dân tộc, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.

"Đường cách mệnh" đã xác định rõ chỗ dựa quốc tế của cách mạng Việt Nam phải là cách mạng vô sản thế giới, là cách mạng Nga và Quốc tế cộng sản (Quốc tế 3): "Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên Việt Nam", "Nga cách mệnh đã thành công để làm nền tảng cho cách mệnh thế giới", "Việt Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế", "Nói tóm lại phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin".

Với nhân dân lao động Pháp và cách mạng Pháp, "Đường cách mệnh" đã phân tích rõ đó là đồng minh không thể thiếu được của cách mạng Việt Nam: "Việt Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ. Và nếu công nông Pháp làm cách mệnh thành công, thì dân tộc Việt Nam sẽ được tự do. Vậy nên cách mệnh Việt Nam với cách mệnh Pháp phải liên lạc với nhau".

Có thể nói những nội dung cơ bản mà "Đường cách mệnh" đề ra luôn luôn là kim chỉ nam, là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong những năm đấu tranh giành chính quyền. Đặc biệt là trong những năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"./.

Th.s Nguyễn Tấn Tài – Giảng viên Bộ môn LLCT