star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Quán triệt quan điểm “học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Dạy – Học hiện nay


          Hiện nay, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ giáo dục đào tạo, việc đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong các trường đại học nói chung và trường Đại học Duy Tân nói riêng càng có ý nghĩa to lớn, đòi hỏi chúng ta phải “học tập và làm theo” nhiều nội dung, trong đó quán triệt và thực hiện quan điểm “Học đi đôi với hành” là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động này. 

         “Học đi đôi với hành”, “lý luận liên hệ thực tế” đã phản ánh tính cách mạng trong việc chấn hưng nền giáo dục nước ta sau cách mạng Tháng tám, nhằm thực hiện các mục tiêu: “Học” để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, “học” để làm người, làm cách mạng. Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn những người làm công tác dạy học phải nhớ kỹ và làm đúng “học đi đôi với hành”, Người chỉ rõ học tập có gắn liền với thực hành mới thực hiện được mục đích cao quý là phục vụ nhân dân. Người lập luận một cách dễ hiểu: “Lý luận phải đem ra thực hành, thực hành phải làm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, “học” là một trong những nhận thức tích cực. Việc học của mỗi người bao giờ cũng gắn một động cơ nhất định. Theo Người học là để “phụng sự Tổ quốc”, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm nhiệm vụ người chủ nước nhà”. Về mục đích học tập, Người chỉ rõ” “Học để sữa chữa tư tưởng... Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng... Học để tin tưởng... Học để hành...”. Trên cơ sở xây dựng động cơ, mục đích học tập đúng đắn, Người yêu cầu phải học toàn diện, “học ở trường, học ở sách vỡ, học lẫn nhau và học ở nhân dân”, “học trong việc làm hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ”.

         Còn “hành” theo Người là sự vận dụng những điều đã học vào giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Trong quá trình học tập, “hành” có tính chất toàn diện với mức độ khác nhau. Đó là sự vận dụng những hiểu biết để giải quyết bài tập, thực hành trong phòng thí nghiệm, ở vườn trường... Đó còn là sự vận dụng tri thức đã học để tổ chức cuộc sống của mình, của môi trường xung quanh mình, làm cho nó trở nên phong phú, đẹp đẽ. Đối với Người, “hành” cao nhất là hành động cách mạng, có tác dụng cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội, thông qua đó mà cải tạo bản thân mình. “Hành” không chỉ những việc to mà cả những việc bình thường, ai cũng có thể làm được. “Hành” có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa cách mạng rất lớn, có tác dụng hình thành con người có tư tưởng, tình cảm và hành vi cao cả, để góp phần vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng và nhân dân ta. Như vậy, theo Người “hành” không chỉ là sự vận dụng tri thức đã học vào thực tiễn, mà điều quan trọng qua “hành” để  kịp thời điều chỉnh bổ sung  nguồn trí thức mới phù hợp với thực tiễn, là biện pháp rèn luyện con người toàn diện hơn. Qua đó, có thể nhận thấy nội dung khái niệm “học” và “hành” theo tư tưởng Hồ Chí Minh hòa quyện vào nhau, trong nội dung “học” có nội dung “hành”; và ngược lại trong nội dung “hành” có nội dung “học”, từ đó tạo nên sự phát triển không ngừng của nhận thức con người, tạo nên khă năng cải tạo hiện thực một cách có hiệu quả.

          Để gắn học với hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi người làm việc ở ngành chuyên môn nào phải học theo công việc chuyên môn ở ngành ấy. Đồng thời, Người chỉ rõ công tác dạy học phải toàn diện, ví dụ ngành nào cũng vậy, ngoài học chuyên môn phải coi trọng học chính trị, để thiết thực phục vụ đường lối, chủ trương của Đảng, học để phục vụ nhân dân. Người phê phán những người chuyên môn thuần túy, không quan tâm đến chính trị…

          Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ dẫn chúng ta muốn dạy học “để dùng”, “để làm”, muốn nâng cao năng lực thực hành theo nghề nghiệp cho người học, công tác giảng dạy ở nhà trường phải có kế hoạch từng bước, từng học kỳ, từng năm học, giải quyết đồng bộ các khâu. Nội dung chuơng trình phải gắn với chuyên ngành đào tạo, coi trọng cả lý thuyết và thực hành, kiến thức và kinh nghiệm, nguyên lý và vận dụng. Phương pháp dạy và học phải coi trọng hướng dẫn hành động, đi sâu vào quy trình hoạt động, tăng cường hệ thống bài tập thực hành, thực tập trong từng môn học và phối hợp giữa các môn học. Cần tạo điều kiện về tổ chức kế hoạch và đảm bảo vật chất để tất cả người học đều được luyện tập, tập nhiều, tập thực sự và tự lực tập. Đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá kết quả sao cho có thể nắm được thực chất hiệu quả dạy học một cách khách quan, trung thực, không chỉ đơn thuần là kiểm tra kiến thức mà còn cần phải kiểm tra cả năng lực vận dụng, thực hành, kiểm tra trí thông minh chứ không kiểm tra khả năng thuộc lòng câu chữ. Tất cả những điều đó đều nhằm thạo công việc, đáp ứng với mục tiêu giáo dục đào tạo của các nhà trường.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về “học đi đôi với hành” đã trở thành cơ sở tư tưởng và lý luận cho đường lối, chính sách giáo dục đã và đang tiến hành ở nước ta, nền khoa học giáo dục Việt Nam, việc xây dựng và phát triển nhà trường Việt Nam mới và chiến lược xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là điều quan trọng giúp nâng cao hiệu quả dạy học nói chung và dạy học lý luận chính trị tại trường Đại học Duy Tân hiện nay./.

 

Th.s Nguyễn Thị Hải Lên – Giảng viên Bộ môn LLCT