Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng ta nhận thức rõ vị trí, vai trò to lớn của nguồn lực con người, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn đặt vấn đề con người, phát huy nguồn lực con người vào vị trí trung tâm, coi đó là điều kiện quyết định của mọi thắng lợi, điều đó luôn đuợc Đảng ta xác định: Nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất là con người Việt Nam; rằng nhân tố con người chính là nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu bắt tay vào xây dựng CNXH ở miền Bắc, tại Đại hội lần thứ III năm 1960, Đảng ta đã khẳng định: “Con người là vốn quý nhất”, chăm lo cho hạnh phúc của cả tất cả mọi người là sự nghiệp lớn lao của Đảng. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, khi thông qua đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tại Đại hội VI (1986) của Đảng diễn ra vào tháng 12/1986 đã quyết định thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, xã hội văn minh. Đại hội đã khẳng định vai trò quan trọng của “nhân tố con người” trong toàn bộ sự phát triển kinh tế - xã hội: “phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động”. Đó là một bước ngoặt về chất trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển con người bằng cách mở rộng cơ hội phát triển cho các cá nhân và cộng đồng xã hội, tạo ra một môi trường khuyến khích tính chủ động sáng tạo của họ trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đại hội VII (1991) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Cương lĩnh mới của Đảng và chiến lược "ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000". Tiếp đó, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tư (khóa VII) đã nâng tầm nhận thức của Đảng ta lên cao hơn về vai trò của con người. Sự phát triển con người được xem như là nhân tố quyết định mọi sự phát triển - phát triển xã hội, phát triển kinh tể, phát triển văn hóa, “phát huy nhân tố con người trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các yêu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội”.
Có thể nói, Đảng đã coi trọng nguồn lực con người là nguồn lực quan trọng nhất trong phát triển. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ưowng khóa VIII khẳng định: “Muốn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa thắng lợi phải phát triển mạnh giáo dục - đào tạo, phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững”.
Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (1996) đã khẳng định “Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”. Nó mở ra bước ngoặt lịch sử đưa đất tiến lên một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới. Đường lối đối mới trong mười năm qua đã chứng tỏ Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về vai trò của con người trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hộ đó, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực con người vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Như vậy, nguồn lực con người được xem như nguồn động lực chủ yếu, có ý quyết định để phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực cơ bản, to lớn quyết này phải có hàm lượng trí tuệ, phẩm chất ngày càng cao mới đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là những người phát triển toàn diện cả về đức và tài, phát triển về thế lực, trí tuệ, đa thẩm mỹ, có khả năng lao động giỏi, có ý chí và bản lĩnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) một lần nữa khẳng định Nguồn lực con người là quý báu nhất, có vai trò quyết định, đặc biệt đối với nước ta khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất còn hạn hẹp. Nguồn lực đó là người lao động có trí tuệ cao, tay nghề thành thạo, có phẩm chất tốt đẹp, được đào tạo, bồi dưỡng và phát huy bỏi nền giáo dục tiên tiến gắng liền vói một nền khoa học hiện đại.
Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định việc sử dụng các nguồn lực khác. Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “đáp ứng yêu cầu về con người và nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Đến Đại hội X, với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với kinh tế tri thức. Và đây là lần đầu tiên thuật ngữ “nguồn nhân lực chất lượng cao” được sử dụng trong Văn kiện Đảng, nó thể hiện được bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng ta, đồng thời phù hợp với xu thế của thời đại.
Trên cơ sở những quan điểm cơ bản và định hướng lớn về chiến lược con người, trong văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XI, Đảng ta chọn 1 trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 là: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lọi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn.
Đặt yêu cầu gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn lực con người với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ là một nội dung mới, thể hiện tính hướng đích của phát triển nguồn lực con người.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân…
Đến Đại hội XIII, Đảng ta đã đề cập một cách nhất quán, sâu sắc, toàn diện về vấn đề phát huy nhân tố con người. Điều đó thể hiện tập trung trong Quan điểm chỉ đạo, Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cả trong Đột phá chiến lược.
Trong Quan điểm chỉ đạo đã khẳng định nhân tố con người là quan trọng nhất, “nguồn lực con người là quan trọng nhất”, đồng thời chủ trương phát huy nhân tố con người: “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa... bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Trong các Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 thì vấn đề phát huy nhân tố con người được thể hiện rất rõ nét, như: “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút trọng dụng nhân tài...”; “Phát triển con người toàn diện...”; “bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người... chú trọng nâng cao chất lượng dân số...”. Vấn đề phát huy nhân tố con người được Đảng ta cụ thể hóa thành một trong những Nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện “phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế... thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”. Tiếp đó, phát huy nhân tố con người được Đảng coi là một trong những Đột phá chiến lược, điều đó thể hiện: “Phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao... phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”.
Như vậy, ở mỗi thời kỳ cách mạng khác nhau, quan điểm của Đảng về nguồn lực con người được bổ sung, hoàn thiện dần cho phù hợp với yêu cầu mới. Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng đã nhận thức ngày càng đầy đủ và đúng đắn hơn về vai trò của nguồn lực con người cũng như tầm quan trọng của việc phát huy nguồn lực này với tính cách là mục tiêu, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam.
Th.s Hoàng Thị Kim Oanh – Giảng viên Bộ môn LLCT