star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Phát huy sức mạnh mềm Văn hóa Việt Nam


Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Nền văn hóa đó có hệ giá trị và bản sắc riêng và không bị đồng hóa bởi bất kỳ kẻ thù xâm lược nào. Hệ giá trị và bản sắc đó đã tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia (về chính trị, kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, con người, nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…) thì nguồn lực văn hóa đang được nhiều quốc gia coi là một “sức mạnh mềm” quan trọng để phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vị trí, vai trò trên trường quốc tế. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”

Thuật ngữ “sức mạnh mềm”, “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa Việt Nam và sức mạnh con người Việt Nam đã trở thành cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam hiện nay, trước hết, cần đặc biệt quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, bởi đây là cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hoá cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại”. Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa đương đại phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, tiến bộ để tiếp tục gia tăng thêm cơ tầng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam và  lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam ra thế giới. Cần tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng, thường xuyên, liên tục và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta và nhân dân thế giới; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thâm nhập sâu rộng, bền chặt trong đời sống tinh thần của xã hội, trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Có thêm nhiều hình thức tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Tổ chức tuyển chọn, biên dịch, xuất bản các tác phẩm tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu tiểu sử, sự nghiệp và trước tác của các danh nhân lịch sử, văn hóa, quân sự tiêu biểu của dân tộc ta..., làm lan tỏa, củng cố  giá trị văn hóa Việt Nam trong trong lòng nhân dân thế giới. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và ngoại giao văn hóa để phổ biến và lan tỏa hình ảnh đất nước, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam; giúp nhân dân thế giới hiểu biết, yêu mến, ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ Việt Nam phát triển; ủng hộ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam; tăng cường mở rộng đầu tư, kinh doanh, du lịch vào Việt Nam… Cần đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa, mở rộng thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa trong nước và quốc tế. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa quốc gia khi ra khỏi biên giới sẽ không chỉ đơn thuần là những hàng hóa văn hóa mà nó còn là biểu tượng, bản sắc, hình ảnh, thương hiệu quốc gia, thể hiện sức mạnh mềm của văn hóa quốc gia. Chính vì vậy, cần có chiến lược, kế hoạch phát triển có trọng điểm, trọng tâm ngành công nghiệp văn hóa, trên cơ sở xác định rõ giá trị, bản sắc và sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trên mỗi sản phẩm từ hình thức, mẫu mã đến nội dung chuyển tải tinh thần văn hóa, giá trị văn hóa Việt Nam. Tiếp thu, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới để phát triển ngành công nghiệp văn hóa và lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

 Để gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, phải gắn kết chặt chẽ văn hóa với phát triển kinh tế; “Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, giữ gìn tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”. Du lịch, nhất là du lịch văn hóa chính là cách thức, là con đường có hiệu quả cao để phát huy sức mạnh mềm văn hóa, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, thu hút du khách quốc tế thăm quan, du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư, kinh doanh, gia tăng nguồn thu nhập cho các địa phương và đất nước.

Ths. Trịnh Đình Thanh