Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, tham nhũng trong Đảng, Nhà nước. Người cho rằng đó là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước; gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu”, phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, bền bỉ, nhằm mục đích xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2013, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành ráo riết, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ, được dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Nhằm hệ thống hóa sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giúp các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và triển khai có hiệu quả công tác quan trọng này, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Cuốn sách thể hiện quan điểm xuyên suốt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nội dung những chỉ đạo này được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo, góp phần làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nội dung cuốn sách gồm 623 trang, gần 111 hình ảnh minh họa, được chia thành 3 phần:
Phần thứ nhất: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam” gồm bài viết tổng quan “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!” của Tổng Bí thư, đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng (năm 2013) đến nay; 4 bài phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng các năm 2014, 2018, 2020, 2022; 5 nhóm vấn đề lớn, trọng tâm trong các bài phát biểu kết luận tại 36 phiên họp Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.
Phần thứ hai: “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, tuyển chọn 22 bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, 14 bài viết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ những năm đầu tiến hành đổi mới đất nước đến nay; 8 bài viết về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong đó có bài được viết từ những năm 70 thế kỷ XX thể hiện sự trăn trở của đồng chí về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Phần thứ ba: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” tập hợp, chọn lọc 62 ý kiến của các tầng lớp nhân dân, 10 ý kiến của đại biểu Quốc hội và 24 ý kiến của các chính khách, học giả, bạn bè quốc tế, thể hiện niềm tin tưởng sâu sắc của cán bộ, đảng viên, nhân dân, sự ghi nhận, ủng hộ của bạn bè quốc tế về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thông qua nội dung sách, chúng ta có được câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi lớn, bao trùm được đặt ra ngay từ đầu bài viết tổng quan của Tổng Bí thư ở phần đầu cuốn sách: “Vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?”, đồng thời, có được sự nhận diện đúng về tham nhũng, tiêu cực và những tác hại của nó; hiểu rõ quá trình nhận thức của Đảng, Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; những kết quả mà toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội đã đạt được trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng; xác định được những việc phải làm và cách làm để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu vấn đề gợi mở, định hướng và đưa ra nhiều giải pháp có giá trị quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt vào thời điểm này là việc làm hết sức cần thiết, là “luồng gió mới” tiếp tục thúc đẩy quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội nói chung và trong cán bộ, đảng viên, giảng viên các trường đại học nói riêng.
Nghiên cứu, quán triệt, thực hiện tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, mỗi cán bộ, đảng viên cần thường xuyên và tự giác thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương như: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Quy định về những điều đảng viên không được làm”…
Th.s Nguyễn Thị Hải Lên – Giảng viên Tổ LLCT