star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Nét độc đáo và sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp


Dân tộc và giai cấp là hai phạm trù có nội dung khác nhau, mỗi phạm trù có vai trò lịch sử riêng trong sự phát triển của xã hội, song chúng lại có quan hệ hữu cơ và tác động qua lại với nhau. Giải quyết tốt mối quan hệ này là một trong những nhân tố bảo đảm thành công của cách mạng. Tuy nhiên, trong những giai đoạn lịch sử nhất định đã có những quan điểm, những cách giải quyết khác nhau về mối quan hệ này.

Nghiên cứu chủ nghĩa tư bản trong điều kiện tự do cạnh tranh, trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Mác và Ăngghen đều khẳng định mục tiêu chung của những người cộng sản là xoá bỏ chế độ tư hữu, kêu gọi giai cấp vô sản toàn thế giới đoàn kết lại, nhưng hai ông vẫn cho rằng ban đầu hình thức và địa bàn đấu tranh của giai cấp vô sản chính là dân tộc: "Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản dù về mặt nội dung không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc. Đương nhiên và trước hết lúc đầu giai cấp vô sản phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình trước đã".

Như vậy, Mác và Ăngghen đã thấy được mối quan hệ gắn bó giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Hai ông không xem nhẹ vấn đề dân tộc. Tuy nhiên, hai ông không đi sâu giải quyết vấn đề dân tộc vì:

- Một là, tại các nước này, mâu thuẫn cơ bản của xã hội là mâu thuẫn giữa hai giai cấp đối kháng: tư sản và vô sản.

- Hai là, Về cơ bản, ở châu Âu, vấn đề dân tộc đã được giải quyết trong cách mạng tư sản. 

- Ba là, vào thời của Mác, hệ thống thuộc địa đã có, nhưng các cuộc đấu tranh giành độc lập chưa phát triển mạnh. 

Do vậy, trong sự nghiệp giải phóng hai ông nhấn mạnh đến giải phóng giai cấp công nhân. Mác và Ăngghen viết: "Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác sẽ được xóa bỏ" và: "Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo". Như vậy theo Mác và Ănghen, để giải quyết sự đối kháng dân tộc, trước hết phải giải quyết sự đối kháng giai cấp, giải phóng giai cấp là nhiệm vụ trung tâm, là điều kiện để giải phóng dân tộc. Lênin từng nhận xét, đối với Mác so với vấn đề giai cấp vô sản thì vấn đề dân tộc chỉ là vấn đề thứ yếu thôi. 

Phát triển học thuyết do Mác và Ăngghen xây dựng trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, Lênin đã bổ sung, phát triển và làm phong phú thêm lý luận của Mác và Ăngghen thông qua thực tiễn cách mạng nước Nga. Ông đã sớm nhận thấy được mối quan hệ mật thiết trong việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp, dân tộc và nhân loại trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Trong “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa”, Lênin nhấn mạnh tư tưởng phải kết hợp chặt chẽ phong trào cách mạng ở “chính quốc” với phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Tuy nhiên, do hạn chế lịch sử, Lênin chưa có điều kiện thâm nhập thực tiễn các nước Phương Đông, do đó chưa đánh giá hết sức mạnh và khả năng cách mạng của các dân tộc thuộc địa Phương Đông. Từ đó, tuy nhấn mạnh quan hệ dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, cách mạng vô sản chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa, nhưng vẫn trên cơ sở đặt vấn đề dân tộc phụ thuộc vào vấn đề giai cấp, cách mạng giải phóng dân tộc phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc và chỉ thành công khi cách mạng chính quốc thành công.

Như vậy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã đề cập đến vấn đề giải quyết mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong tiến trình thực hiện cuộc cách mạng vô sản, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, hướng tới xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, do hạn chế của điều kiện lịch sử - xã hội, luận điểm trên chủ yếu đề cập đến vấn đề giai cấp, chưa chú trọng đến vấn đề dân tộc, đặc biệt là vấn đề dân tộc thuộc địa.

Sau khi Lênin mất, Ban lãnh đạo Quốc tế cộng sản một thời gian dài đã nhấn mạnh vấn đề giai cấp, coi nhẹ vấn đề dân tộc, vì vậy không mấy quan tâm đến chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc của các nước thuộc địa, thậm chí còn coi đó là biểu hiện của chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, trái với chủ nghĩa quốc tế vô sản. 

Tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin trên nền tảng truyền thống yêu nước và nhân ái của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh có quan điểm riêng, độc đáo về vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc. Người cho rằng: Phải kết hợp và giải quyết hài hòa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, song phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết và trước hết. 

Năm 1924, trong Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ Người cho rằng: "Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại. Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung "cơ sở lịch sử" của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được". Và Người đề nghị: "Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông". Ở phương Đông, "Cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra không giống như ở phương Tây, bởi vì xã hội Đông Dương, Ấn Độ hay Trung Quốc, xét về mặt cấu trúc kinh tế không giống như xã hội phương Tây thời trung cổ, cũng như thời cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây…". 

Người đã phân tích khoa học, chính xác sự phát triển của các nước tư bản, mâu thuẫn, âm mưu, tham vọng của chúng trong bài Đông Dương và Thái Bình Dương, Người tiên đoán: "Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mà giai cấp vô sản phải nai lưng ra gánh...Những hành động đế quốc chủ nghĩa ấy không những chỉ nguy cho riêng vận mệnh của giai cấp vô sản Đông Dương và Thái Bình Dương, nó còn nguy cho cả vận mệnh giai cấp vô sản quốc tế nữa". Với Việt Nam, Người khẳng định giải phóng dân tộc tạo điều kiện để giải phóng giai cấp. Đây là một sáng tạo lớn của Hồ Chí Minh,

Người không bao giờ coi nhẹ nhiệm vụ dân tộc và đề cao một cách không thực tế nhiệm vụ giai cấp. Tuy nhiên, khi đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, Người nhắc nhở không bao giờ Đảng lại hy sinh quyền lợi của giai cấp công nhân và nông dân cho một giai cấp khác. Hơn nữa, Hồ Chí Minh luôn khẳng định: tập trung giải quyết nhiệm vụ giải phóng dân tộc cũng nhằm mục đích góp phần giải quyết nhiệm vụ giai cấp. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám (1945) và toàn bộ cách mạng Việt Nam sau này, chứng minh Đảng ta, nhân dân ta đã thực hiện những tư tưởng và đường lối có ý nghĩa quyết định đó của Hồ Chí Minh.

Chính cương vắt tắt, Sách lược vắt tắt và Điều lệ tóm tắt của Hồ Chí Minh khi thành lập Đảng cộng sản Việt Nam cũng là cương lĩnh đúng đắn nhất thể hiện những nguyện vọng bức thiết của dân tộc, phản ánh khách quan quy luật vận động của xã hội Việt Nam, giải quyết đúng đắn cả quan hệ dân tộc và giai cấp và quốc gia với quốc tế: "Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản". Nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và bọn phong kiến "làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập" nhân dân được tự do, tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc làm của công và chia cho nông dân nghèo, quốc hữu hoá toàn bộ xí nghiệp của tư bản đế quốc, lập chính phủ công - nông - binh và quân đội công nông...Các nhiệm vụ nêu ra bao gồm cả nội dung dân tộc và dân chủ, dân tộc và giai cấp vừa chống đế quốc vừa chống phong kiến, vừa nêu nhiệm vụ chủ yếu trước mắt vừa nêu định hướng lâu dài mà nổi bật lên hàng đầu và cấp bách là chống đế quốc Pháp và tay sai, giành độc lập.

Đối với Việt Nam, Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa đế quốc và tay sai nổi trội hơn mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với địa chủ phong kiến, giữa tư sản với vô sản. Do đó, không phải giải quyết vấn đề giai cấp rồi mới giải quyết vấn đề dân tộc như ở phương Tây. Ngược lại chỉ có thể giải quyết vấn đề dân tộc mới giải phóng được giai cấp. Quyền lợi dân tộc và giai cấp là thống nhất, quyền lợi dân tộc không còn, thì quyền lợi mỗi giai cấp, mỗi bộ phận trong dân tộc cũng không thể thực hiện được. Quan điểm này sau này thể hiện rõ ở Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII, năm 1941 do Người chủ trì: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận giai cấp phải đặt dưới sự tồn vong sinh tử của quốc gia dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được tự do độc lập cho toàn dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được."

Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945 thắng lợi đã lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên địa vị người chủ, đưa đất nước ta từ một nước thuộc địa thành một nước độc lập có chủ quyền, chứng minh ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan điểm cách mạng của Hồ Chí Minh: "Tổ quốc độc lập, thì ai cũng được tự do. Nếu nước mất, thì ai cũng phải làm nô lệ". Độc lập dân tộc là mục tiêu trước mắt và cũng là khát vọng lớn lao nhất của dân tộc Việt Nam. Quan hệ giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp đã được nhìn nhận, giải quyết khoa học, biện chứng và đúng với hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của một xã hội thuộc địa, phong kiến. Đó chính là nét độc đáo, sáng tạo trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách mạng Tháng Tám thành công, Người thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, long trọng khẳng định trước toàn thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy".

Có thể nói, đặt vấn đề lợi ích dân tộc lên trên hết là một sáng tạo lý luận của Hồ Chí Minh. Bởi trong thực tế, xét cho đến cùng, áp bức giai cấp là căn nguyên của áp bức dân tộc và sự bất bình đẳng giữa các dân tộc, song nếu nước mất thì nhà tan. Dân tộc bị xâm lược thì giai cấp cũng là thân phận nô lệ. Do đó, lợi ích dân tộc và giai cấp là thống nhất với nhau./.

Th.s Nguyễn Tấn Tài – Giảng viên Tổ Bộ môn LLCT