star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Một số kinh nghiệm học tập tốt các môn Lý luận Chính trị ở trường Đại học


Học tập tốt các môn lý luận chính trị là đòi hỏi khách quan đối với các trường đại học hiện nay, nhằm đào tạo đội ngũ sinh viên - những người được coi là rường cột, là chủ nhân tương lai của đất nước góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

Đối với Trường Đại học Duy Tân hiện nay, học tập tốt các môn lý luận chính trị có vai trò to lớn trong việc hình thành thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho sinh viên trong chương trình đào tạo của Nhà trường. Học tập tốt các môn lý luận chính trị là một trong những nội dung quan trọng nhất, trên cơ sở đó giúp cho người học nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, nắm vững được quy luật vận động khách quan của quá trình cách mạng của Đảng ta.

Một thực tế hiện nay cho thấy tâm lý, nhận thức của một số sinh viên có biểu hiện ngại học tập, chưa thấy được vai trò của giáo dục lý luận chính trị trong việc xây dựng thế giới quan và phương pháp tư duy khoa học, hình thành phẩm chất nhân cách của người học. Bài viết sau đây, gợi ý một số kinh nghiệm để giúp sinh viên tham khảo nhằm học tập tốt các môn lý luận chính trị ở trường Đại học.

          Một là, xây dựng ý thức tự giác học tập tốt

Trước tiên, để học tốt bất cứ môn học nào, ý thức học tập đóng vai trò rất quan trọng. Muốn xây dựng được ý thức học tốt, sinh viên cần hiểu được ý nghĩa của môn học đó. Nhận thức được giá trị thực tiễn của môn học thì sinh viên sẽ tự hình thành tính kỷ luật, trách nhiệm khi học tập.

Khoa học Mác – Lênin phát hiện được bản chất của các hiện tượng, quá trình kinh tế của đời sống xã hội, tìm ra các quy luật  kinh tế, quy luật chính trị xã hội chi phối sự vận động của chúng, giúp con người vận dụng các quy luật kinh tế, quy luật chính trính trị xã hội một cách có ý thức vào hoạt động kinh tế, chính trị nhằm đạt hiệu quả kinh tế, chính trị xã hội cao. Ngoài ra kinh tế chính trị cũng là cơ sở lý luận cho nhiều môn khoa học khác, vì vậy môn học này có giá trị thực tiễn rất lớn.

Những kiến thức được cung cấp thông qua môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh giúp sinh viên hiểu được vai trò của tư tưởng Bác trong sự nghiệp cách mạng và đường lối phát triển hiện nay của Việt Nam; đồng thời bồi dưỡng phẩm chất đạo đức và rèn luyện bản lĩnh chính trị theo tấm gương của Bác. Bác Hồ không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mà còn là một danh nhân văn hóa thế giới. Vì vậy học tập và kế thừa những giá trị tinh thần mà người để lại luôn luôn là cần thiết và ý nghĩa.

Bên cạnh đó, sinh viên cần phải nâng cao tính tự giác học tập, biểu hiện ở khả năng tự nghiên cứu, tự học trên cơ sở các bài giảng của giảng viên, giáo trình và các tư liệu, tài liệu tham khảo.

 Hai là, chủ động tích cực trong học tập

Thời gian thầy cô giảng dạy trên lớp là rất ngắn, kiến thức cũng chỉ là những nội dung cốt lõi khó có thể nói cặn kẽ, phân tích cụ thể mọi vấn đề. Vì thế, bản thân mỗi sinh viên cần dành thời gian đọc trước nội dung học trước khi lên lớp. Những nội dung nào chưa hiểu sinh viên có thể đánh dấu lại và trao đổi với giảng viên để hiểu rõ hơn sau mỗi giờ học.

Tuy nhiên khi đọc trước, do dặc thù môn học có nhiều vấn đề trừu tượng có những nội dung không thể hiểu hết được. Những nội dung đó cần đánh dấu lại để chú ý nghe giảng và ghi chép trên lớp, sau đó sẽ xem lại một lần nữa khi ôn bài ở nhà và tra cứu trên các phương tiện, sách báo, internet…để cũng cố kiến thức và hiểu bài hơn, tạo tâm lý yêu thích khi học các môn lý luận chính trị.

Ba  là, sinh viên không chỉ học trong sách mà cần kết hợp với các hoạt động thực tiễn chính trị - xã hội đất nước và các hình thức giáo dục khác

Tham gia các hoạt động ngoại khóa chính là tạo cho sinh viên có điều kiện hoạt động thực tiễn ngay trong quá trình đào tạo. Các hoạt động này xuất phát từ yêu cầu gắn Nhà trường với xã hội, lý luận với thực tiễn. Các hoạt động chính trị - xã hội, hoạt động giáo dục truyền thống, văn hóa nghệ thuật,... bao giờ cũng diễn ra rất sinh động, thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Thông qua đó nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục về lối sống, đạo đức cho sinh viên. Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức Đoàn thanh niên đẩy mạnh các hoạt động có tính chất thực tiễn chính trị - xã hội như: các cuộc thi về Đảng, về Bác Hồ, về Đoàn thanh niên và truyền thống Trường Đại học Duy Tân... vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của sinh viên, vừa có ý nghĩa giáo dục về LLCT. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động ngoại khóa tại các bảo tàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để việc tạo môi trường hoạt động thực tiễn, bồi dưỡng toàn diện nhân cách cho sinh viên.

           Ngoài ra, mỗi sinh viên cũng chủ động tự tìm tài liệu để đọc thêm, giúp hiểu sâu hơn về vấn đề. Hơn nữa, khi cần am hiểu một cách chuyên sâu, không thể chỉ dựa vào sách vở. Các nguồn tiếp thu kiến thức là rất phong phú thông qua sách báo, phim ảnh, các chương trình truyền hình, hoạt động thực tế… nhằm tạo sự yêu thích trong việc học các môn lý luận chính trị

Bốn là, học thuật ngữ kết hợp với ghi nhớ nội dung học qua vẽ sơ đồ tư duy

Ban đầu khi học thì có rất nhiều những thuật ngữ chúng ta ít gặp trong cuộc sống nên cảm giác rất khó hiểu. Vì vậy, kinh nghiệm quý báu là học thật nhiều, thật thuộc các thuật ngữ này trước. Khi đó việc đọc sách hay học bài trở nên rất trôi chảy. Đối với các hiện tượng, quy luật xã hội, hiểu một cách chung chung thì sẽ rất mơ hồ, nên sinh viên thường tự tìm ví dụ cho mỗi hiện tượng, quy luật này. Khi phân tích được cặn kẽ ví dụ thì việc nhớ bản chất của những quy luật, hiện tượng này trở nên rất đơn giản.

Ngoài ra, việc sử dụng sơ đồ tư duy cũng là một cách để ghi nhớ kiến thức tóm lượt và dẽ hiểu, dễ nhớ hơn. Các sự kiện, các nội dung lý luận chính trị đều gắn với những phạm trù và các sự kiện lịch sử nên nếu kết hợp với những hiểu biết tổng thể về lịch sử thì môn học này cũng “dễ thở” hơn nhiều.

Bên cạnh đó, để học tập tốt các môn Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh sinh viên cần xây dựng cho mình niềm đam mê, kiên trì, đây là điều kiện cơ bản đầu tiên của hoạt động nhận thức, không có đam mê, kiên trì thì không có thành công, theo Edison “Thiên tài là 1% cảm hứng và 99% đổ mồ hôi”; biết tích lũy kinh nghiệm và kiến thức, thực tiễn đã chứng minh không có kinh nghiệm và kiến thức thì không có tư duy khoa học, người nào tích lũy được kiến thức ở lĩnh vực nào thì có khả năng thành công ở lĩnh vực đó. Do vậy để học tập tốt các môn Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh sinh sinh viên cần phát huy tổng hợp các biện pháp, nghiên cứu vận dụng các kinh nghiệm vào trong quá trình học tập./.

Th.s Nguyễn Thị Hải Lên – Bộ môn LLCT