Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) hoàn tất đàm phán vào ngày 11/12/2020 và ký kết vào ngày 29/12/2020. Hiệp định được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương của Việt Nam và Vương quốc Anh. Hiệp định có hiệu lực tạm thời từ 31/12/2020 và chính thức có hiệu lực từ 01/5/2021.
Sau 01 năm thực thi Hiệp định, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 5,77 tỷ USD, tính đến hết ngày 31/12/2021, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Về cán cân thương mại, hiện Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại châu Âu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam. Đặc biệt, mức thặng dư thương mại của Việt Nam với Anh liên tục tăng trong giai đoạn 2010 - 2020 từ mức 1,1 tỷ USD năm 2010 lên 4,3 tỷ USD năm 2020. Trong năm 2021, mức thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Anh tăng lên mức kỷ lục đạt 5,08 tỷ USD do xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng mạnh trong khi nhập khẩu từ Việt Nam sang Anh lại sụt giảm.
Xét cơ cấu hàng hoá xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Anh bao gồm: điện thoại và linh kiện, hàng dệt may, da giày, thuỷ sản, nông sản qua chế biến, đồ gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm từ chất dẻo... Nhìn chung, trong những năm gần đây, cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Anh không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, sau khi UKVFTA có hiệu lực, các cam kết về cắt giảm thuế quan và rào cản phi thuế quan, một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như rau quả, dệt may, nguyên liệu và sản phẩm gỗ, giày dép, rau quả... sẽ trở thành những mặt hàng tiềm năng. Có thể thấy, sau một năm thực hiện UKVFTA, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sắt thép tăng đột biến từ 35,9 triệu USD năm 2020 lên 491,3 triệu USD năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả tăng gần gấp đôi từ 11,6 triệu USD năm 2020 lên 19,4 triệu USD năm 2021.
Sau 01 năm UKVFTA có hiệu lực, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường UK đạt 687 triệu USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là dược phẩm, phế liệu sắt thép, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày, máy móc, thiết bị phụ tùng, ô tô nguyên chiếc, máy vi tính, sản phẩm điện tử, sản phẩm hoá chất.
Bên cạnh các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như mở rộng nguồn cung hàng hóa, UKVFTA cũng đặt ra nhiều thách thức đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, cụ thể là:
Thứ nhất, các yêu cầu về quy tắc xuất xứ là một thách thức đối với Việt nam. Mặc dù UKVFTA tạo thuận lợi trong việc mở rộng nguồn cung trong các quy tắc xuất xứ, nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam là từ Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc các nước ASEAN, nên có thể coi đây là một thách thức lớn của doanh nghiệp Việt Nam khi muốn mở rộng các mặt hàng xuất khẩu sang Anh.
Thứ hai, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất cao, đặc biệt là với nông sản. Dù UKVFTA kế thừa những ưu đãi với các quy định SPS linh hoạt trong EVFTA, đa số ngành hàng nông sản của Việt Nam như chè, rau quả, vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch, bảo quản chưa tốt, một số sản phẩm vẫn còn tồn tại dư lượng thuốc kháng sinh hoặc thuốc bảo vệ thực vật, chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật.
Thứ ba, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng là một thách thức không nhỏ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam khi muốn thâm nhập vào thị trường Anh. Trong thương mại quốc tế, khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ nữa, thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa.
Để thúc đẩy thực thi hiệu quả Hiệp định UKVFTA trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
(1) Tăng cường phối hợp giữa Bộ Công thương và các đầu mối trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lặp, lãng phí.
(2) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ban hành, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật cho phù hợp với các cam kết đã có trong Hiệp định; Về phía địa phương, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, các bộ, ngành, Hiệp hội có liên quan để tăng cường việc định hướng các doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tăng cường tận dụng cơ hội từ thị trường Anh.
(3) Tăng cường kiện toàn, nâng cao năng lực cho bộ phận phụ trách về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và thực hiện Hiệp định UKVFTA nói riêng. Đồng thời chú trọng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng và doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách.
(4) Các doanh nghiệp cần nêu cao ý thức chủ động về mọi mặt, trong đó có việc chủ động tìm hiểu các cam kết của Hiệp định, chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến, phân phối.
(5) Nâng cao trách nhiệm xã hội của mình, chú trọng trong việc thực hiện các quy định về phát triển bền vững của Hiệp định như các tiêu chuẩn về lao động, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học… Bên cạnh đó, cần chủ động và chuẩn bị đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, điều kiện giao thương.
Để lan tỏa kết quả Việt Nam đạt được sau 01 năm thực hiện UKVFTA, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân nhận diện cơ hội và thách thức của UKVFTA; nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân về UKVFTA để từ đó đưa ra những phương thức kinh doanh phù hợp.
Hai là, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chủ động của doanh nghiệp trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng đối xử ưu đãi mà Việt Nam đạt được thông qua các hiệp định thương mại tự do; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh của mình, qua đó cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực. Đặc biệt, cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực, tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế./.
Th.S Nguyễn Thị Hải Lên – Giảng viên Tổ LLCT