star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Một số điểm mới trong nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XIII


Để tổng kết thực tiễn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta nhấn mạnh cần thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển KTTT định hướng XHCN. Bao gồm một số nội dung như sau:
Thứ nhất, về nội hàm của nền KTTT định hướng XHCN
So với Đại hội XII, nhận thức về mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong Văn kiện Đại hội XIII có một số điểm bổ sung, phát triển, nhưng về cơ bản thống nhất với Đại hội lần thứ XII. Theo đó, Văn kiện Đại hội XIII diễn đạt một cách súc tích hơn về nền KTTT định hướng XHCN Việt Nam, đó “là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”. Đồng thời, nhấn mạnh đó là nền kinh tế “có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
    Một sự bổ sung, phát triển nhận thức của Đảng ta về nội hàm của nền KTTT trong Văn kiện Đại hội XIII đó là vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác: “...cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã”. 
Một điểm mới đáng chú ý trong Văn kiện Đại hội XIII so với Văn kiện Đại hội XII, đó là Đảng ta đã bổ sung và làm sâu sắc hơn nội hàm, ý nghĩa của mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong nền KTTT định hướng XHCN. Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công cụ quản lý kinh tế của Nhà nước là luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước. Quản lý kinh tế của Nhà nước phải phù hợp với các yêu cầu và quy luật KTTT. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với chủ thể, đối tác khác, phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước và thực hiện chức năng phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật”.  
Thứ hai, về các đặc trưng cơ bản của nền KTTT định hướng XHCN
Văn kiện Đại hội XII định hướng hoạt động của doanh nghiêp nhà nước - bộ phận trong kinh tế nhà nước, chủ yếu tập trung làm rõ khía cạnh quan hệ sở hữu đó là: “Đẩy mạnh cổ phần hóa và bán vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần chi phối, kể cả các doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả”. Trong khi thống nhất hầu hết chủ trương về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, Văn kiện Đại hội XIII bổ sung nhấn mạnh đến quan hệ tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong nền KTTT định hướng XHCN đó là: Doanh nghiệp nhà nước “hoạt động theo cơ chế thị trường, áp dụng cơ chế quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế”.
Như vậy, bên cạnh một số điểm mới nổi bật nêu trên, xét về tổng thể Văn kiện Đại hội XIII vẫn tiếp tục thống nhất nhận thức về nền KTTT định hướng XHCN của Đại hội XII và các kỳ đại hội trước. 
Th.s Hoàng Thị Kim Oanh –Bộ môn Lý luận Chính trị