star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2022) -Vị thế Việt Nam - góc nhìn từ cộng đồng quốc tế


          Đánh giá, nhận định của dư luận quốc tế về Đảng Cộng sản Việt Nam

          Uy tín, vị thế của Đảng Cộng sản Việt Nam và đất nước Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Điều đó được thể hiện sinh động qua 252 điện chúc mừng của các đảng nhân dịp Đại hội XIII (2021) và hơn 90 điện chúc mừng nhân kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2020).

          Về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử đấu tranh của Đảng và nhân dân Việt Nam, các bức điện nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là "nhà tư tưởng và lãnh tụ cách mạng vĩ đại", "một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội của nhân loại". Các bức điện nhấn mạnh "nhân dân Việt Nam là nhân dân anh hùng"; "Chặng đường cách mạng rực rỡ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tấm gương đấu tranh mẫu mực chống thực dân, đế quốc và ngày nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự bảo đảm chắc chắn những thắng lợi mới trong những điều kiện lịch sử mà Việt Nam phải đương đầu".

          Các đảng cánh tả và công nhân khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là "Đảng huyền thoại và anh hùng", sự nghiệp của Đảng là "sự nghiệp anh hùng". Nhiều đảng đánh giá cao những kết quả mà đảng Cộng sản Việt Nam đạt được trong lĩnh vực xây dựng Đảng, sự gắn bó của Đảng với nhân dân; đánh giá cao thành tựu đổi mới và mô hình phát triển của Việt Nam: "Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã dành được nhiều thắng lợi vẻ vang, có ý nghĩa to lớn, đất nước Việt Nam phát triển toàn diện, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, uy tín và vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế"... Rất nhiều đảng bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ trước những thành tựu trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, coi lịch sử của Đảng ta là "thiên anh hùng ca chói lọi"; bày tỏ "rất tự hào về sự tiến bộ và thành công to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng đất nước".

          Dư luận thế giới đánh giá về sức mạnh tổng hợp của Việt Nam

          Sức mạnh kinh tế. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năm 2019, Việt Nam ở vị trí 67/141 nền kinh tế được xếp hạng (tăng 10 bậc so với 2018); xếp thứ 8 trong các nền kinh tế về đầu tư (tăng 15 bậc so với 2018). Theo công bố mới nhất của Ngân hàng thế giới về chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018, Việt Nam xếp 69/190 nền kinh tế.

          Môi trường kinh doanh của Việt Nam được EuroCham đánh giá đạt 84/100 điểm, tiếp tục tăng trong 4 năm liên tiếp. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam ở vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế. Công ty NNA Nhật Bản đánh giá, Việt Nam đã được các doanh nghiệp Nhật Bản bình chọn là địa điểm đầu tư hứa hẹn nhất trong năm 2020 ở châu Á; năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có lãi là 66%; 64% doanh nghiệp trả lời có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

          Dư luận đánh giá tích cực về vai trò, vị thế của Việt Nam ở trong khu vực và trên thế giới, trong đó nhấn mạnh, Việt Nam hiện trở thành địa chỉ tin cậy đối với giới đầu tư nước ngoài. Báo chí nước ngoài, các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế, tài chính quốc tế bày tỏ lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy sụp, đánh giá Việt Nam là "con rồng bay lên", "ngôi sao sáng trong bầu trời COVID-19 tối tăm", "triển vọng sáng nhất châu Á", "điển hình" thành công trong tăng trưởng kinh tế... Có một cuốn sách có tên là CƯỜNG QUỐC TRONG TƯƠNG LAI do một chính khách người Nhật Hamada Kazuyuji viết rằng, trong bản đồ cường quốc thế giới năm 2030, dưới con mắt của người Nhật Bản, trong các "cường quốc tương lai" ấy có Việt Nam.

          Về sức mạnh quân sự - an ninh quốc gia. Dư luận thế giới ủng hộ, đánh giá cao các biện pháp kiên quyết, kiên trì của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Trước vụ việc nhóm tàu Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt nam, báo chí phương Tây cho rằng, vụ việc là "một thách thức trực tiếp đối với quyền lực chính trị Việt Nam"; tuy vậy, Việt nam đã đưa ra những "chỉ trích sắc bén", phát biểu "mạnh mẽ, xuyên suốt" và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Trong những năm gần đây, dư luận phương Tây nhận định, Việt Nam là nước có phản ứng "dũng cảm", "cứng rắn", "kiên quyết" nhất đối với Trung Quốc ở Biển Đông, với một chiến lược "vừa hợp tác, vừa đấu tranh"; Việt Nam cũng là nước "kiên quyết" nhất trong đàm phán COC khi thúc đẩy COC làm rõ "đường 9 đoạn", tăng thêm các nội dung như "cấm xây dựng trên đảo nhân tạo, cấm thiết lập nhận dạng phòng không, cấm bố trí tên lửa đạn đạo ở vùng biển có tranh chấp". Dư luận nước ngoài cũng đánh giá cao sự "khéo léo" của Việt Nam trong việc đưa các nội dung về Biển Đông tại các hội nghị lớn của khu vực và quốc tế. Việc hợp tác quốc phòng cũng là nội dung được dư luận báo chí nước ngoài quan tâm như việc đón tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ năm 2018, USS Theodore Roosevel năm 2020 và hải quân các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ, Nga...Dư luận cho rằng đây là chính sách "ngoại giao pháo hạm" mới của Việt Nam khi tận dụng sức mạnh hải quân các cường quốc thế giới để tạo tính biểu tượng, đối phó Trung Quốc.

          Về sức mạnh đối ngoại. Trong những năm qua, chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn được đánh giá cao; Việt Nam đang dần trở thành "một ngôi sao sáng" trên truyền thông quốc tế, nhất là vào các thời điểm Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị quan trọng như năm APEC Việt Nam, Hội nghị Thượng đỉnh WEF-ASEAN năm 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên năm 2019 và mới đây, chính là chuỗi những sự kiện trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

          Đánh giá, nhận định của dư luận quốc tế về hình ảnh, đất nước, con người, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

          Nhìn chung, dư luận quốc tế đánh giá sức mạnh tổng hợp của Việt Nam đã được nâng cao đáng kể. Báo Asia Power Index trong 2 năm liền 2018, 2019 đã đặt Việt Nam là nước có sức mạnh tổng hợp xếp thứ 12/25 nước tại khu vực châu Á (bao gồm cả Hoa Kỳ và các nước Ấn Độ Dương). Dư luận quốc tế bày tỏ ngưỡng mộ những thành tựu của Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước, đánh giá rất cao đường lối đổi mới và coi Việt Nam là một trong những "hình mẫu" tiêu biểu về thực hiện hiệu quả công cuộc giảm nghèo, phát triển đất nước, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam cơ  bản vẫn khống chế thành công, được dư luận quốc tế đánh giá cao.

          Báo chí nước ngoài đánh giá, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã sẵn sàng để thể hiện vai trò quốc tế, thế giới đang chứng kiến một Việt nam tự tin trên vũ đài thế giới, có những đóng góp quan trọng cho khu vực. Việt Nam chính là tấm gương phản chiếu những lý tưởng và giá trị mà ASEAN có thể mang lại cho nhân dân các nước trong khu vực.

          Những đánh giá tích cực của dư luận quốc tế không chỉ thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng lớn của bạn bè quốc tế vào Việt Nam mà còn là cơ hội để đất nước ta chủ động, tích cực đóng góp trách nhiệm vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới; khẳng định một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, đang hội nhập quốc tế sâu rộng; thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước, tạo ra những động lực mới cho phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam./.

Th.s Nguyễn Thị Hải Lên – Giảng viên Tổ  LLCT