star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Kết quả 10 năm hợp tác đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ


Năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ trở thành đối tác toàn diện của nhau. Trải qua 10 năm, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ  ngày càng được củng cố và phát triển, các lĩnh vực hợp tác ngày càng sâu rộng, đa dạng, thực chất, hiệu quả. Những dấu mốc, thành tựu và triển vọng trong quan hệ 2 nước còn nhiều dư địa tiếp tục phát triển,vì lợi ích của hai nước, đóng góp vào sự nghiệp hòa bình, ổn định trên thế giới.
Về chính trị
- Quan hệ chính trị liên tục được duy trì phát triển; Hoa Kỳ và Việt Nam thường xuyên tiếp xúc, trao đổi đoàn thông qua các hình thức linh hoạt nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy, phối hợp xử lý các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
- Trong gần 30 năm qua, đã có 11 chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Mỹ tới Thủ đô của hai nước, trong đó có 5 chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sang Việt Nam và 6 chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Mỹ.Việc Mỹ đón tiếp trọng thị đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện sự tôn trọng đầy đủ thể chế chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
- Trong các chuyến thăm cấp cao, Việt Nam và Mỹ đã thông qua 8 Tuyên bố chung. Tuyên bố chung năm 2013 đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ, trong đó lần đầu tiên hai bên nhấn mạnh nguyên tắc “tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.
Kinh tế - thương mại
Hợp tác kinh tế - thương mại đi vào chiều sâu và là một động lực quan trọng trong quan hệ 2 nước.Năm 2021, dù chịu tác động của dịch Covid-19, thương mại song phương Hoa Kỳ - Việt Nam vẫn đạt gần 113 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2020. Năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt nam (đạt hơn 109 tỷ USD, trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD), là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt nam sau Trung Quốc, Việt Nam trở thành đối tác thương mại thứ 8 của Hoa Kỳ.
Về đầu tư, năm 2022 của Hoa Kỳ đạt 11,4 tỷ USD xếp thứ 11/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Như vậy, trong thời gian 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 29,7 tỉ đô la năm 2013 lên 123,8 tỉ USDnăm 2022(tăng 11% so với năm 2021, gấp 4 lần năm 2013). 
Đặc điểm quan trọng trong quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ là tính bổ trợ cho nhau.Cụ thể, Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử…Trong khi đó, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông và nông sản nguyên liệu là những mặt hàng mà Hoa Kỳ có nguồn cung dồi dào.Hoa Kỳ thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số. Mới đây, ngày 29/3/2022, Tập đoàn Vinfast cũng đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD tại bang North Carolina (Hoa Kỳ).
Việt Nam là nước duy nhất không bị chính quyền Mỹ (thời Tổng thống Trump) áp thuế thương mại đối với hàng hóa Việt Nam theo điều khoản 301 về định giá tiền tệ và nguyên liệu gỗ. Chính quyền Tổng thống Biden sau đó đã kết thúc việc đe dọa áp thuế đối với Việt Nam, đưa việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Giáo dục, du lịch và y tế
Giáo dục là lĩnh vực hợp tác quan trọng trong quan hệ Việt-Mỹ. Hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, là nhóm sinh viên nước ngoài lớn thứ năm tại Hoa Kỳ. Tính đến năm 2022, có hơn 1.500 học giả, cán bộ và sinh viên Việt Nam theo học chương trình Fulbright. Trường Đại học Fulbright Việt Nam sẽ tốt nghiệp khóa đại học đầu tiên vào tháng 6 năm 2023.
Du lịch,số lượng du khách sang thăm hai nước cũng tăng cao. Năm 2013, Việt Nam đón 537.000 khách du lịch Mỹ. Năm 2019, ngay trước đại dịch Covid-19, số lượng này đã đạt 750.000. Quý 1/2023, Mỹ là thị trường gửi khách tới Việt Nam lớn thứ 2 với ước đạt 206.841 lượt người. Ngược lại, số lượng người Việt Nam xin thị thực đi Mỹ tăng xấp xỉ 250% trong 10 năm qua. Tính từ năm 2013, đã cấp hơn 1,2 triệu thị thực du lịch, bao gồm 256.000 thị thực cho sinh viên, học sinh, khách đến Mỹ trao đổi và 11.000 thị thực cho cán bộ nhà nước Việt Nam.  
Y tế, mặc dù đại dịch Covid-19 đã thách thức cả hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ. Việt Nam đã hỗ trợ hơn 450.000 bộ đồ bảo hộ và các thiết bị bảo hộ khác trong thời kỳ đầu đại dịch.Mỹ là nước hỗ trợ nhiều vắc-xin nhất cho Việt Nam với tổng số  gần 40 triệu liều, đã chuyển giao cho ta 111 tủ lạnh âm sâu để bảo quản vắc-xin.Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trị giá hơn 44 triệu USD cho ứng phó Covid-19 của Việt Nam vào thời điểm Việt Nam đang gặp khó khăn nhất. Mỹ chọn thành lập Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tại Hà Nội và có ý định mở thành Trung tâm khu vực với sự tham gia của các nước đối tác. 
Việt Nam đã hợp tác với Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ để thiết kế lại Chương trình Đào tạo dịch tễ học thực địa và tăng số lượng các “thám tử truy tìm bệnh” từ 40 người năm 2018 lên gần 270 người năm 2023. Chỉ trong vòng 6 năm ( từ 2013 đến 2019), từ việc không có một trung tâm phản ứng khẩn cấp nào, Việt Nam đã có một mạng lưới gồm 5 Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp cấp quốc gia và cấp vùng kết nối chặt chẽvới nhau để hỗ trợ phản ứng khẩn cấp đối với các mối đe dọa về y tế. 
Quốc phòng, an ninh
Hợp tác quốc phòng- an ninh tiếp tục được duy trì và thúc đẩy, đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực: đối thoại - tham vấn, trao đổi đoàn, khắc phục hậu quả chiến tranh, đào tạo, cứu hộ-cứu nạn, quân y, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.
Việt Nam được Hoa Kỳ xác định là một trong các quốc gia trung tâm trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Hợp tác quốc phòng, an ninh được duy trì tích cực với nội dung hợp tác đa dạng, nổi bật là việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và nâng cao năng lực hàng hải.
Tháng 11/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper sang thăm Việt Nam. Hai bên đã có bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng; tuyên bố về tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng năm 2015 và kế hoạch hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018 - 2020. Tháng 7/2021 Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có chuyến thăm Việt Nam và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cử đoàn tham dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế tại Việt Nam vào tháng 12/2022. 
Tính đến 2022, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tổ chức 12 cuộc đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng.Những cuộc đối thoại này đã thúc đẩy mối quan hệ song phương ngày càng phát triển, đồng thời phản ánh cam kết chung của hai nước đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Khắc phục hậu quả chiến tranh
Việt Nam và Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ trong việc tìm kiếm quân nhân mất tích của 2 bên. Hoa Kỳ và Việt Nam đã cùng nhau tìm kiếm 731 quân nhân Hoa Kỳ mất tích từ thời Chiến tranh Việt Nam và Mỹ cũng đang hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm người Việt Nam mất tích theo Sáng kiến Tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh. 
Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam tẩy độc sân bay Đà Nẵng từ năm 2012 đến năm 2018. Sau sân bay Đà Nẵng là khu vực sân bay Biên Hòa, một điểm nóng ô nhiễm Đioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam cũng đang tiến hành xử lý với kinh phí dự kiến trên 300 triệu USD trong vòng 10 năm. Dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa (đã hoàn thành giai đoạn 1); tháng 3/2023, USAID công bố khoản ngân sách bổ sung 73 triệu đô la để tẩy độc dioxin tại Sân bay Biên Hòa. 
Hoa Kỳ là đối tác chính của Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Từ năm 2013 đến nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam tiếp cận với các phương pháp quản lý và công nghệ mới trong khắc phục hậu quả bom mìn. Diện tích đất được rà phá tăng nhanh. Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã khảo sát và rà phá được gần 500.000ha đất đai ô nhiễm và phá hủy được hàng trăm nghìn quả bom mìn, vật nổ. 
Năm 2023, Mỹ và Việt Nam ký Bản ghi nhớ và xác định 9 điểm Hoa Kỳ đề xuất hỗ trợ Việt Nam, hai bên thống nhất xây dựng kế hoạch hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2023 – 2028; mở rộng phạm vi hỗ trợ đến các địa bàn khác bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ ngoài các tỉnh miền Trung; phấn đấu từ năm 2023-2028 hoàn thành mục tiêu rà phá khoảng 350.000ha diện tích đất bị ô nhiễm bởi bom mìn, vật nổ. 
Ngoài ra, hai bên phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, Tiểu vùng Mê Kông,ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề Biển Đông và an ninh hàng hải, hàng không nhằm phối hợp giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm./. 
Th.s Nguyễn Thị Hải Lên – Giảng viên Tổ LLC