star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Hồ Chí Minh – hiện thân của tinh thần đổi mới sáng tạo


Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã sống trọn cuộc đời vì dân, vì nước. Với “ham muốn tột bậc” là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, Người luôn tìm tòi hướng đi, cách làm mới để đạt mục đích cao cả của mình. 
Sinh ra trong bối cảnh nước mất, nhà tan và lớn lên trong phong trào cứu nước của dân tộc, mặc dù rất  khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối nhưng Người không tán thành con đường cứu nước của họ. Người đã sớm tìm ra nguyên nhân thất bại của các phong trào giải phóng dân tộc là: các phong trào giải phóng dân tộc đều không gắn với tiến bộ xã hội. Do đó, muốn cứu nước, giải phóng dân tộc phải đi theo một con đường mới nên Nguyễn Ái Quốc quyết định ra đi tìm đường cứu nước. 
Về mục đích ra đi của mình, năm 1923, Người đã trả lời một nhà báo Nga rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Và từ thuở ấy tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”. Một lần khác trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Với lòng yêu nước nồng nàn và quyết tâm tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn hướng đi mới, phương pháp tiếp cận mới: đi về phương Tây, tiếp thu những trào lưu tư tưởng mới để tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc. Cuộc đổi mới đầu tiên ấy của Người đã mang ý nghĩa quyết định vận mệnh cho đất nước. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đổi mới là bản chất của cách mạng, của phát triển. Năm 1927, khi chuẩn bị điều kiện thành lập Đảng, trong tác phẩm ‘Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã đề cập đến tư tưởng “đổi mới”, Người chỉ rõ: “cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Suốt hành trình bôn ba khắp các châu lục, Người luôn tìm tòi cái mới, sáng tạo con đường đi cho dân tộc, con đường mới chưa có tiền lệ: hiện thực hóa chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nói về công cuộc kiến thiết đất nước sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, Người nhấn mạnh: “Là cuộc chiến đấu chống lại những cái gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Triết lý đổi mới, chân lý đổi mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh là ích nước, lợi dân: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”; “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Thuật ngữ và tư tưởng “đổi mới” còn được Người nhắc lại, làm rõ thêm trong nhiều bài viết, bài nói, nổi bật là: “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), “Đời sống mới” (năm 1947), “Dân vận” (năm 1949), đặc biệt trong bản Di chúc thiêng liêng (1965-1969) để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước lúc Người đi xa. Từ các bài viết, bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh toát lên một hệ thống luận điểm có giá trị nền tảng và định hướng về đổi mới.
Đổi mới là sự nghiệp lâu dài, phức tạp, gian khổ, phải kiên định, kiên quyết, kiên trì, lựa chọn những bước đi thích hợp. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: thắng đế quốc, phong kiến là tương đối dễ, thắng bần cùng, lạc hậu còn khó hơn nhiều; đấu tranh xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới là công việc cực kỳ to lớn, nặng nề, phức tạp và khó khăn, do vậy phải có kế hoạch tỉ mỉ, chuẩn bị chu đáo, thực hiện chắc chắn.
Sức mạnh của đổi mới là Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”; để giành thắng lợi “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục nhân dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân”; phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại theo tinh thần: cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, Việt Nam sẵn sàng là bạn của các nước dân chủ.
Đảng là linh hồn của đổi mới. Đảng phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, căn cứ thực tiễn của Việt Nam và thế giới để bổ sung những tư liệu, vấn đề mà các nhà kinh điển ở thời mình không thể có được để đề ra và thực hiện đường lối, chủ trương đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: thế giới ngày ngày đổi mới, xã hội ngày một phát triển, nhân dân ngày càng tiến bộ, do vậy, cán bộ, đảng viên không thể “giữ cái kẹp giấy cũ không thay đổi”, “tư tưởng, hành động cũng phải phát triển”, “phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng đổi mới là tư tưởng cách mạng, khoa học trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp với tinh hoa văn hóa dân tộc, nhân loại, phản ánh và giải quyết những nhu cầu khách quan của thực tiễn đất nước. Nhìn lại tiến trình hình thành, phát triển của tư tưởng đổi mới sáng tạo Hồ Chí Minh Chúng ta có thể nhận thức rõ đổi mới sáng tạo, là giá trị bao trùm, linh hồn của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trên những vấn đề sau:
Thứ nhất, đổi mới sáng tạo là bản chất của cách mạng, của sự phát triển, là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt. 
Thứ hai, đổi mới sáng tạo phải vì nước, vì dân. Triết lý đổi mới sáng tạo trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ích nước, lợi dân. “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, 
Thứ ba, đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ nhu cầu khách quan của thực tiễn, phù hợp với điều kiện thực tiễn và giải quyết hiệu quả những đòi hỏi của thực tiễn. Tìm tòi, sáng tạo cái mới, phải luôn gắn với thực tiễn, chú trọng tổng kết thực tiễn, lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo tính đúng đắn của đổi mới.
Thứ tư, đổi mới sáng tạo là sự nghiệp lâu dài, phức tạp, gian khổ, phải kiên định, kiên quyết, kiên trì, lựa chọn những bước đi thích hợp.
Thứ năm, đổi mới sáng tạo không phải là phủ định sạch trơn, mà là sự kế thừa, phát triển và làm mới; cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm, cái gì mới mà hay thì phải làm.
Thứ sáu, sức mạnh của đổi mới sáng tạo là Nhân dân. Cách mạng, sự nghiệp đổi mới là  sự nghiệp của nhân dân.
Thứ bảy, Đảng là linh hồn của đổi mới sáng tạo; cán bộ, đảng viên phải đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới.  “Thế giới ngày ngày đổi mới, Nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”. 
Tư tưởng đổi mới sáng tạo là tư tưởng cách mạng, khoa học trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê nin, kết hợp với tinh hoa văn hóa dân tộc, nhân loại, phản ánh và giải quyết những nhu cầu khách quan của thực tiễn đất nước; đạo đức đổi mới là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đặt lợi ích của dân tộc, Tổ quốc lên trên hết; phong cách đổi mới là kiên định, sáng tạo, dân chủ, thực tiễn, hiệu quả, nói đi đôi với làm, làm thiết thực, mang lại kết quả thực tế cho nhân dân, cho đất nước. Đó chính là những giá trị bền vững của tư tưởng, đạo đức, phong cách đổi mới sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Th.s Nguyễn Tấn Tài – Giảng viên Tổ LLCT