star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Giá trị khai sáng, mở đường trong bản Đề Cương Văn Hóa năm 1943 của Đảng


Là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về lĩnh vực văn hóa, ra đời trong bối cảnh đất nước lầm than, Đảng ta vẫn hoạt động bí mật, nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã tỏa sáng, bởi tầm nhìn vượt thời đại và tính lý luận.

Ngược thời gian gần trăm năm từ nửa đầu thế kỷ XX, đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc bị nhiều xu hướng khác nhau chi phối. Không ít tri thức ảo tưởng với học thuyết Đại Đông Á của Nhật Bản, quan điểm “đồng chủng, đồng văn”, trong khi tư tưởng của nhiều nhà triết học phương Tây len vào đời sống xã hội cũng tạo ra những khúc quanh…, khiến giới văn chương, nghệ thuật rơi vào tình trạng loay hoay hoặc nệ cổ hoặc quay lưng với tư tưởng cũ, không tìm ra lối thoát. Cuộc khủng hoảng về tư tưởng, văn hóa tác động sâu sắc đến đời sống xã hội, kéo theo nhiều nguy cơ, đòi hỏi sự khai phóng về tư tưởng văn hóa.

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo mang đến “làn gió mới” khơi thông những “rào cản” tư tưởng trong giới trí thức, văn nghệ sĩ. Về lý luận, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đặt nền móng cho nhiều vấn đề căn cốt của văn hóa Việt Nam, như: Quan hệ giữa văn hóa, kinh tế, chính trị; chức năng của văn hóa, nghệ thuật; sự đúng đắn của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử… Từ đó thống nhất nhận thức tư tưởng trong giới tri thức, văn học, nghệ thuật.

“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã khẳng định cuộc cách mạng văn hóa là sứ mệnh của toàn dân tộc, của mỗi người Việt Nam, đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, hầu hết các trí thức, văn nghệ sĩ đã nhìn thấy con đường đi với nhân dân, phụng sự Tổ quốc là con đường lớn cho sự nghiệp và cuộc đời mình. Với thế giới quan, nhân sinh quan mới, nhân sĩ, trí thức văn nghệ sĩ một lòng hướng về với dân tộc, hướng về nhân dân trong sự cố kết cộng đồng để cùng cứu lấy nước, giữ lấy nhà, bảo vệ cho được các giá trị văn hóa dân tộc, phẩm giá, nhân cách con người Việt Nam. Tư tưởng cứu quốc khơi dậy khát vọng độc lập trong mỗi con người, trở thành sứ mệnh thiêng liêng dân tộc Việt Nam. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết và nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ đã trở thành những người tiên phong xây dựng nền văn hóa mới.

Mặt khác, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đề cập tính “cách mạng” của một nền văn hóa; chỉ ra những nhiệm vụ cần kíp “chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái hóa, nô dịch, văn hóa ngu dân và văn hóa phỉnh dân” để “phát huy văn hóa dân chủ”…; đồng thời nêu cao tinh thần phục hưng văn hóa dân tộc. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với nhận thức văn hóa, bao gồm: Tư tưởng, học thuật, nghệ thuật là những thành tố có quan hệ biện chứng bổ sung cho nhau, vừa là nguồn lực, vừa là động lực để xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. Văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) - cùng với làm cách mạng chính trị còn phải làm cách mạng văn hóa.

Từ những vấn đề nêu trên, có thể nhận định: Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 cho thấy tầm nhìn của Đảng ta không chỉ với cuộc cách mạng xã hội trong bối cảnh nửa phong kiến, nửa thuộc địa, mà còn tạo nền tảng, giá trị tinh thần cho xã hội tương lai. Hoàn toàn có thể khẳng định rằng: Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 chính là “kim chỉ nam” đưa đường, dẫn lối cho công cuộc xây dựng văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.

Luận giải một cách sắc sảo tình hình tư tưởng văn hóa, xã hội Việt Nam, với tầm cao trí tuệ và lý luận, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 nêu rõ 3 nguyên tắc: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; tính chất nền văn hóa Việt Nam là “dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung” và nhiệm vụ cần giải quyết của cách mạng văn hóa Việt Nam là “phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo văn hóa”. Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa là phương châm, định hướng cho một nền văn hóa mới, cũng là thái độ nhất quán của Đảng ta về văn hóa.

Dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”. Đây chính là khát vọng của con Lạc, cháu Hồng chống lại âm mưu đồng hóa của các thế lực phong kiến phương Bắc trước đây, cũng như những cuộc “xâm lăng văn hóa” trong thời hội nhập hiện nay. Bản sắc dân tộc tạo nên cốt cách văn hóa, bảo đảm cho sự trường tồn của quốc gia, dân tộc. Trong một thế giới phẳng toàn cầu hóa, việc bảo vệ độc lập về văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc đặc biệt mang nhiều ý nghĩa. Mặt khác, bản sắc dân tộc góp phần hình thành bản lĩnh, nội lực, tạo ra sức đề kháng để Việt Nam hội nhập mà không bị hòa tan. Khi văn hóa cắm rễ sâu vào truyền thống dân tộc, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam được thể hiện đậm nét, có sức lan tỏa trên trường quốc tế.

------------------------------------------------------------

                                                                                    Trịnh Đình Thanh

                                                                              Bộ môn Lý luận Chính trị