star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Dự báo về xu hướng giao lưu, hội nhập văn hóa trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản


Gần hai thế kỷ qua, mặc dù chịu nhiều sự công kích, chống phá của các thế lực thù địch với chủ nghĩa Mác nhằm phủ nhận, xóa bỏ quan niệm duy vật về lịch sử và các quy luật khách quan trong tiến trình vận động của nhân loại, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vẫn đứng vững trước mọi thử thách, trở thành cương lĩnh của thời đại, là nguồn sức mạnh củng cố niềm tin để giai cấp công nhân không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
 
Một trong những yếu tố làm nên “sức mạnh, sức đề kháng” của Tuyên ngôn là những lập luận, phát hiện mang tính khách quan, khoa học của C. Mác, Ph. Ăngghen về sự vận động, phát triển tất yếu của lịch sử; đề cao quyền tự do, dân chủ; khát vọng hạnh phúc, ấm no của con người và sự chung sống hài hòa của các nền văn hóa.
Sự giao lưu, hội nhập văn hóa
Tuy không có tác phẩm riêng bàn trực tiếp về vấn đề văn hóa nhưng đan cài trong những luận bàn về chính trị - xã hội, qua những thư từ trao đổi với giới văn nhân, nghệ sĩ, những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã thể hiện rõ quan điểm, lập trường về văn hóa vô sản, văn hóa xã hội chủ nghĩa. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăngghen dành trọn phần III để nói về Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa (bên cạnh các phần mục quan trọng khác như: Tư sản và vô sản; Những người vô sản và những người cộng sản; Thái độ của những người cộng sản đối với đảng đối lập).
Văn học là một bộ phận đặc biệt nhạy cảm, tinh tế của văn hóa, phản ánh sinh động thế giới tinh thần, tình cảm của con người; là kênh tuyên truyền hiệu quả và đắc lực. Đồng thời, còn là lăng kính phản chiếu xã hội, có sức mạnh và tác động vô cùng lớn tới nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi cá nhân. Nhận thấy được tính ưu việt, vượt trội của văn học cũng như văn hóa, giai cấp cầm quyền muốn tận dụng, khai thác triệt để đội ngũ văn nghệ sĩ, biến họ và tác phẩm của họ trở thành những công cụ phục vụ cho mục đích và ý đồ chính trị. Từ thực tiễn đời sống chính trị, tư tưởng, tác giả của Tuyên ngôn rút ra kết luận: “Lịch sử tư tưởng chứng minh cái gì, nếu không phải là chứng minh rằng sản xuất tinh thần cũng biến đổi theo sản xuất vật chất? Những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng chỉ là những tư tưởng của giai cấp thống trị”.
Trong Tuyên ngôn, qua khảo sát, đánh giá tình hình thực tiễn của các chế độ xã hội, C. Mác, Ph. Ăngghen nhận thấy văn học có mối quan hệ chặt chẽ với chính trị. Xã hội nào thì văn học ấy, văn học luôn được các giai cấp, tầng lớp thống trị sử dụng như một phương tiện, một con đường để đấu tranh tư tưởng nhằm tranh giành sự ảnh hưởng của giai cấp, tầng lớp mình trong xã hội. Nhận định về giai cấp quý tộc Anh và Pháp trong cuộc Cách mạng Pháp (tháng 7-1830), Tuyên ngôn viết: “Đối với quý tộc thì không thể còn có vấn đề đấu tranh chính trị thật sự được nữa, họ chỉ còn có cách đấu tranh bằng văn học mà thôi”. Lý giải về sự ra đời và đặc điểm của chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản, C. Mác, Ph. Ăngghen cho rằng, “Trong những nước như nước Pháp, ở đó nông dân chiếm quá nửa dân số thì tự nhiên là đã xuất hiện những nhà văn đứng về phía giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, nhưng đã dùng cái thước đo tiểu tư sản và tiểu nông trong việc phê phán chế độ tư sản, và đã xuất phát từ những quan điểm tiểu tư sản mà bênh vực sự nghiệp của công nhân. Chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản đã được hình thành như thế đó. Xixmônđi là lãnh tụ thứ văn học đó, không những ở Pháp mà cả ở Anh nữa”. Chủ nghĩa này đã vạch trần những mâu thuẫn xã hội, những lời ca tụng giả dối của những nhà kinh tế học. Nhưng mặt hạn chế của nó lại là muốn khôi phục những tư liệu sản xuất, những quan hệ sở hữu cũ nên rơi vào không tưởng và phản động. Như vậy, thông qua sáng tác văn học của các nhà văn lớn có thể thấy được bức tranh xã hội cũng như tình hình chính trị của một quốc gia, dân tộc đó.
Là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, phản ánh hiện thực xã hội thông qua ngôn ngữ, hình tượng nhân vật, văn học rộng ra là văn hóa có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ tới công chúng ở mọi giai tầng, lứa tuổi, nghề nghiệp, quốc gia. Ngay từ rất sớm, C. Mác, Ph. Ăngghen đã nhận thấy quy luật tất yếu của các nền văn học đơn lẻ sẽ giao thoa, hội nhập để tạo nên một nền văn học toàn thế giới. Tuyên ngôn viết: “Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và các dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới”. Nhận định mang tính khái quát trên được đúc rút từ những chiêm nghiệm, quan sát từ thực tiễn lịch sử, nó mang tính dự báo về quy luật tất yếu của thế giới hiện đại khi các quốc gia, dân tộc muốn tồn tại và phát triển bắt buộc phải mở cửa, giao lưu hội nhập nếu không sẽ rơi vào tình trạng cô lập, đóng kín và cuối cùng tự hủy diệt chính mình.
Một trong những nguyên nhân đầu tiên, quan trọng dẫn tới hội nhập, giao lưu, hợp tác toàn cầu là sự phát triển của nền đại công nghiệp với lực lượng sản xuất hiện đại. Sự lớn mạnh, trưởng thành của giai cấp tư sản với nhu cầu tìm kiếm và mở rộng thị trường đã tạo những chuyển biến sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, xã hội toàn thế giới. “Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng trong tất cả các nước mang tính chất thế giới… Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất vào trào lưu văn minh. Giá rẻ của những sản phẩm của giai cấp ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những vạn lý trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục. Nó buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình dạng của nó”.
Như vậy, sự ra đời của chủ nghĩa tư bản là một tiến bộ của nhân loại so với các hình thái xã hội trước đó. Trong thời kỳ hưng thịnh của giai cấp tư sản, họ đã tạo ra lượng của cải vật chất vô cùng lớn (trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước cộng lại), tạo sự kết nối, giao lưu toàn cầu. Những chuyển biến trong đời sống vật chất kéo theo những thay đổi trong đời sống tinh thần - một lĩnh vực vốn nhạy cảm, liên quan đến tâm tư, tình cảm cá nhân và nét riêng biệt, độc đáo của các dân tộc. So với những lĩnh vực vật chất, khoa học kỹ thuật thì đời sống tinh thần có xu hướng ổn định, chậm thay đổi, dễ rơi vào trạng thái bảo thủ, lạc hậu, kìm hãm sự phát triển.
Tuy nhiên, cơn lốc của quá trình toàn cầu hóa, sự xuất hiện của cơ chế thị trường, sự xâm lấn của chủ nghĩa tư bản với văn hóa tiêu dùng đã “xuyên thủng” những bước tường thành kiên cố nhất, tạo ra quá trình đô thị hóa và trào lưu văn minh trên toàn cầu. “Giai cấp tư sản bắt nông thôn phải phục tùng thành thị. Nó lập ra những đô thị đồ sộ; nó làm cho dân số thành thị tăng lên phi thường so với dân số nông thôn, và do đó, nó kéo một bộ phận lớn dân cư thoát khỏi vòng ngu muội của đời sống thôn dã. Cũng như nó đã bắt nông thôn phải phụ thuộc vào thành thị, bắt những nước dã man hay nửa dã man phải phụ thuộc vào các nước văn minh, nó đã bắt những dân tộc nông dân phải phụ thuộc vào những dân tộc tư sản, bắt phương Đông phải phụ thuộc vào phương Tây”.
Tuyên ngôn tuy mới giới hạn ở lĩnh vực văn học nhưng có thể suy rộng ra các lĩnh vực tinh thần khác cũng chịu những tác động, chi phối của tồn tại xã hội, cơ sở hạ tầng kinh tế - một trong những yếu tố kích thích, tạo điều kiện để văn học, văn hóa lan tỏa và ngày càng phát triển. Sự hội nhập, giao lưu văn hóa các dân tộc có thể diễn ra bằng nhiều con đường khác nhau, khi tự nguyện, chủ động; khi cưỡng bức, áp đặt qua con đường kinh tế, mở rộng thị trường, chiến tranh, xâm lược, hôn nhân…
Những luận điểm về văn hóa của Tuyên ngôn được viết ra cách đây gần hai thế kỷ như những dự báo, tiên đoán về mô hình, viễn cảnh của thế giới đương đại. Tuy nhiên với lĩnh vực tinh thần, nhất là văn học, văn hóa lại có những quy luật phát triển đặc thù. Sự áp đặt của văn hóa, văn minh phương Tây với lý thuyết “trung tâm văn hóa”, lấy châu Âu làm trung tâm đã không còn hợp lý khi văn hóa phương Tây bên cạnh những mặt tích cực lại bộc lộ nhiều điểm yếu và hạn chế, không phù hợp với điều kiện địa lý, lịch sử, tập quán vùng, miền của các dân tộc khác, nó không thể trở thành kiểu mẫu chung để ép buộc các dân tộc dã man, bán khai phải dập khuôn, đi theo. Văn hóa có đời sống và quy luật phát triển riêng, đặc thù, hướng đến cái độc đáo, nhân văn. Tuy nhiên một nền văn hóa không thể phát triển, nó sẽ chết nếu chỉ đóng kín trong một giới hạn không thời gian. Muốn tồn tại, văn hóa phải luôn luôn học hỏi, thâu nhận và cải biến những giá trị tốt đẹp của các nền văn hóa khác với tinh thần đề cao, tôn trọng sự đa dạng, khác biệt.
Cảnh báo về sự du nhập cơ học văn học Pháp vào nước Đức, Tuyên ngôn viết: “Các nhà triết học nửa mùa và những kẻ tài hoa ở Đức hăm hở đổ xô vào thứ văn học ấy, nhưng có điều họ quên rằng văn học Pháp được nhập khẩu vào Đức, song những điều kiện sinh hoạt của nước Pháp lại không đồng thời được đưa vào Đức. Đối với những điều kiện sinh hoạt ở Đức, văn học Pháp ấy, đã mất hết ý nghĩa thực tiễn trực tiếp và chỉ còn mang một tính chất thuần túy văn chương mà thôi… Như thế là văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa Pháp đã bị hoàn toàn cắt xén. Và vì trong tay người Đức, văn học ấy không còn là biểu hiện của cuộc đấu tranh của một giai cấp này chống một giai cấp khác nữa, cho nên họ lấy làm đắc ý là đã vượt lên trên “tính phiến diện của Pháp”; là đã bảo vệ không phải những nhu cầu thật sự, mà là nhu cầu về chân lý; không phải những lợi ích của người vô sản, mà là những lợi ích của bản tính con người, của con người nói chung, của con người không thuộc giai cấp nào, cũng không thuộc một thực tại nào, của con người chỉ tồn tại trong một bầu trời mây mù của ảo tưởng triết học mà thôi”. Điều đó có nghĩa là việc vận dụng, tiếp thu những thành tựu văn học, văn hóa bên ngoài phải có sự chọn lọc, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tâm lý tiếp nhận của người dân đất nước mình, nếu không sẽ phản tác dụng, gây những “va chạm, xung đột” giữa các nền văn hóa, văn minh.
Có thể nói, những luận điểm khoa học của C. Mác, Ph. Ăngghen về văn học, văn hóa tạo tiền đề quan trọng để các quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau hơn, cùng nhau chung sống hòa bình. Việc gia tăng những mối quan hệ, củng cố niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm, tri thức văn hóa là những điều kiện để duy trì trật tự ổn định, thịnh vượng của thế giới hiện nay.
Th.s Trịnh Đình Thanh -  Giảng viên Bộ môn LLCT