star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Chương trình tổng thể phòng chống Covid-19 của Việt Nam thời gian tới


1. Dự báo tình hình

          - Thế giới và trong nước tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch Covid-19 mới tương tự như biến chủng Delta, Omicron…

          - Giai đoạn giao mùa thu - đông tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới tại Việt Nam do: (1) Đây là thời điểm lý tưởng cho vi-rút SARS-CoV-2 tồn tại, sinh trưởng và lây lan (nhiệt độ từ 4 -20 độ C); (2) Hệ miễn dịch/sức đề kháng cơ thể người bị suy giảm do các tác nhân của môi trường; (3) Các cơ sở y tế có nguy cơ quá tải do phải phân tán nguồn lực để khám, chữa các loại bệnh phổ biến khác vào mùa thu - đông như cúm mùa, tai-mũi-họng, đột quỵ...

          - Khó đạt được mục tiêu "miễn dịch cộng đồng" trên thế giới trong ngắn hạn do: (1) Việc phân phối vắc-xin không đồng đều giữa các quốc gia/khu vực tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch tại các quốc gia chậm/kém phát triển, (2) Nhóm đối tượng trẻ có nguy cơ lây nhiễm cao song nhiều nước chưa cấp phép cho tiêm chủng, nhất là nhóm dưới 12 tuổi; (3) Vắc-xin chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn (6 tháng) và phải tiêm nhắc lại để duy trì khả năng bảo vệ của vắc-xin.

          - Việc mở cửa, khôi phục đi lại, du lịch sẽ gia tăng nguy cơ xâm nhập các nguồn lây nhiễm dịch từ bên ngoài lãnh thổ.

2. Quan điểm chỉ đạo

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, quản lý chặt chẽ, hiệu quả của các cấp chính quyền, huy động hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cơ sở, hy động các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức thiện nguyện, các cá nhân, doanh nghiệp tham gia công tác phòng, chống dịch. Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp, kết hợp hài hòa phương châm “bốn tại chỗ” và hỗ trợ từ các cấp, các ngành, phát huy cơ chế bám sát thực tiễn linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

- Huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh của nhân dân, doanh nghiệp, phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội phải lấy người dân là chủ thể, là trung tâm, là động lực, là mục tiêu của mọi hoạt động, mọi hoạt động đều hướng về người dân, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.

- Đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; bảo đảm cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; tạo mọi tiện ích cho người dân, giảm thiểu tối đa các tác động bất lợi đối với người dân. Tăng cường vận động, hướng dẫn người dân tiêm vắc-xin để tạo “miễn dịch cộng đồng”.

- Bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong bối cảnh đại dịch có khả năng còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhưng luôn sẵn sàng kịch bản cho tình huống dịch bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn, quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ tuyến đầu bao gồm y tế, quân đội, công an.

- Tăng cường tính tự chủ, chủ động trong phòng, chống dịch; đề cao tính sáng tạo, linh hoạt; tận dụng những thay đổi, biến nguy thành cơ. Tăng cường năng lực phòng, chống dịch cho các cấp, luôn chuẩn bị các phương án kịch bản ở mức cao hơn trong ứng phó, hình thành các cơ chế điều hành vùng, liên vùng trong phòng, chống dịch. Bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng, chống dịch với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.

- Chương trình này được thực hiện đến hết năm 2023 và tiếp tục thực hiện nếu còn phù hợp với thực tiễn trong trường hợp dịch bệnh kéo dài. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh và yêu cầu phòng chống dịch thì sẽ được điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả.

3. Mục tiêu

Bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do Covid-19 và các nguyên nhân khác.

- Bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 và chủ động cung ứng vắc-xin. Đến cuối năm 2021: phấn đấu trên 95% người dân từ 12 tuổi trở lên được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin cơ bản, bảo đảm trẻ em có các yếu tố nguy cơ được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin cơ bản; bắt đầu tiên mũi bổ sung và mũi nhắc lại theo thứ tự ưu tiên từ nhóm có nguy cơ tử vong cao. Từ năm 2022, sẵn sàng có vắc-xin để tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi ngay khi có khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, có vắc-xin sản xuất trong nước và tiếp cận vắc-xin thế hệ mới.

- Kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19. Tất cả mọi người dân tuân thủ 5K. Tất cả các trường hợp mắc được phát hiện đều được quản lý và điều trị kịp thời. Có chiến lược xét nghiệm khoa học phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả theo hướng đơn giản hóa việc xét nghiệm, tiến tới người dân tự xét nghiệm, phổ cập hóa xét nghiệm, kết hợp xét nghiệm kháng thể và xét nghiệm kháng nguyên.

- Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

- Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19. Tất cả các đối tượng dễ bị tổn thương đều được ưu tiên bảo đảm an toàn, tiếp cận vắc-xin Covid-19 và các dịch vụ y tế, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo. Lực lượng tuyến đầu chống dịch được tiêm phòng vắc-xin Covid-19 đầy đủ cũng như trang bị tất cả các phương tiện bảo hộ cá nhân cần thiết khi tham gia phòng, chống dịch.

- Bảo đảm thông tin, truyền thông chủ động trong định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch thống nhất toàn quốc.

- Chủ động chuẩn bị các biện pháp về kinh tế - xã hội, hành chính theo cấp độ nguy cơ dịch, thắt chặt kịp thời và nới lỏng từng bước để bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân.

4. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

-Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với bảo đảm nguồn lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng y tế, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” và phối hợp có hiệu quả với lực lượng tăng cường khi cần thiết, tăng cường năng lực chỉ huy, điều phối lực lượng trong trường hợp cần thiết có lực lượng tăng cường.

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, cơ chế, chính sách về phòng, chống dịch Covid-19, các luật liên quan đến phòng, chống dịch gồm Luật Dược, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế…; đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV; bổ sung chính sách về an sinh xã hội, cơ chế dự phòng trang thiết bị, thuốc, vắc-xin… theo khu vực, chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, sản phẩm thuốc y học cổ truyền trong nước.

- Triển khai bảo đảm tiến độ tiêm vắc-xin, tăng cường vận động người dân tiêm vắc-xin; tạo mọi điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc-xin trong nước, từng bước nghiên cứu áp dụng cơ chế tiêm vắc-xin dịch vụ. Nâng cao năng lực giám sát dịch tễ, triển khai đồng bộ cả giám sát trọng điểm và giám sát thường xuyên. Tăng cường đầu tư, củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; tăng đầu tư trang thiết bị. Tạo mọi điều kiện thúc đẩy nhanh nhất việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước. Triển khai nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

- Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc phức tạp, gây rối an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm; bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư đông, tại các địa điểm cách ly y tế, cơ sở thu dung, điều trị người mắc Covid-19, các chốt kiểm soát dịch; tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo, phát tán tin giả, xuyên tạc, kích động trong nhân dân về công tác phòng, chống dịch; có phương án giải quyết những vấn đề xã hội, tâm lý xã hội.

- Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho người dân tại địa điểm cách ly y tế, giãn cách xã hội, cung cấp các túi an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực giãn cách xã hội và cơ sở, địa bàn cách ly y tế; chú trọng hỗ trợ trẻ em và nhóm dễ bị tổn thương, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

- Tiếp tục thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” theo kịch bản phòng, chống dịch; tăng cường đầu tư từ trung ương để hỗ trợ và chi viện kịp thời cho các địa phương có dịch bùng phát ở cấp độ cao hơn dự kiến; có cơ số dự phòng đủ cho tình huống xấu nhất. Nhà nước bảo đảm nguồn tài chính cho phòng, chống dịch; thành lập Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở Quỹ vắc-xin phòng Covid-19

- Bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống sinh hoạt của người dân. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị… xây dựng và tổ chức phòng, chống dịch phù hợp theo từng cấp độ dịch tại các địa phương (đến tận xã, phường, thôn, ấp, bản, tổ dân phố); tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục đào tạo, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; triển khai công tác phòng, chống dịch trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa bảo đảm không bị gián đoạn ở tất cả các cấp độ dịch; người dân, người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của chính quyền địa phương, của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở lưu trú…

- Triển khai hiệu quả công tác dân vận, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vận động các tầng lớp nhân dân chủ động, tự giác tuân thủ và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường và đa dạng hóa các phương thức vận động, huy động xã hội; khuyến khích việc hình thành các nhóm thiện nguyện, các cá nhân tham gia hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

- Đẩy mạnh truyền thông, công nghệ thông tin nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về phòng, chống dịch, thường xuyên, chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời; tạo sự đồng thuận của nhân dân, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đối ngoại về thành tựu phòng, chống dịch của Việt Nam, đặc biệt thông tin về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch đến cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, chống phân biệt đối xử, giữ bí mật riêng tư của người nhiễm Covid-19, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn các thông tin xấu độc, tin giả, tin không được kiểm chứng. Triển khai thống nhất và có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, báo cáo và chia sẻ thông tin phục vụ phòng, chống dịch.

- Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường vai trò, vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế, tiếp tục thực hiện có hiệu quả ngoại giao vắc-xin, thuốc, trang thiết bị y tế; thực hiện việc công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vắc-xin; tiếp cận hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong phát triển công nghiệp dược, thuốc, bao gồm cả vắc-xin, xây dựng cơ chế xúc tiến phê duyệt tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế để những hỗ trợ đó được thực hiện nhanh nhất có thể.

- Tiếp tục thực hiện nghiên cứu khoa học về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh, các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh; tiếp tục triển khai nghiên cứu khoa học về ứng dụng vắc-xin, sinh phẩm chẩn đoán, trang thiết bị y tế, phương pháp và các thuốc điều trị Covid-19 (bao gồm cả thuốc y học cổ truyền); thực hiện nâng cao năng lực các phòng xét nghiệm an toàn sinh học; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học về dịch tễ bệnh học, khoa học xét nghiệm, đánh giá vắc-xin và tâm lý xã hội liên quan đến dịch Covid-19.

- Xây dựng và triển khai kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 theo các cấp độ dịch: Cấp độ 1 – nguy cơ thấp/bình thường mới; cấp độ 2 – nguy cơ trung bình; cấp độ 3 – nguy cơ cao; cấp độ 4 – nguy cơ rất cao; kịch bản phòng, chống dịch tại các cấp (xã, huyện, tỉnh, khu vực) khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế; kịch bản phòng, chống dịch khi xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn.

Quá trình triển khai thực hiện Chương trình được phân công cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ cho các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kể cả việc đề nghị Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Dân tộc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện Chương trình này. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát ở các cấp bảo đảm chương trình được triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả nhằm đạt những mục tiêu chủ yếu của chương trình tổng thể; giữ vững môi trường an toàn cho các hoạt động của đất nước trong thời gian tới.

Từ kinh nghiệm chống dịch 2 năm qua; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực của nhân dân cả nước; sự chủ động, tích cực của các lực lượng tuyến đầu, nhất là y tế và lực lượng vũ trang; ủng hộ tích cực, hiệu quả của các tổ chức quốc tế, các nước bạn bè, đối tác, nhân dân thế giới và kiều bào ta ở nước ngoài, nhất định Chương trình tổng thể phòng, chống Covid-19 của nước ta sẽ được triển khai tích cực, hiệu quả/.

Th.S Nguyễn Thị Hải Lên, Giảng viên Tổ LLCT