Ngày 27/6/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cảm ơn tới Thái tử Quốc truởng Campuchia Nôrôđôm Xihanuc (N.Sihanouk) bày tỏ “vô cùng cảm động về việc Ngài và nhân dân Khơme đã gửi tặng thuốc với một tấm lòng hào hiệp...
Cử chỉ cao cả đó là biểu hiện sự ủng hộ anh em của nhân dân Khơme đối với nhân dân Việt Nam... Như Ngài đã nói rất đúng: Nhiệm vụ của chúng ta đối với các thế hệ tương lai là phải cùng nhau củng cố cơ sở của sự hợp tác tin cậy và chân thành trong sự tôn trọng nền độc lập của nhau”.
Sau đó, ngày 7/2/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Norodom Sihanouk để cảm ơn sự ủng hộ đối với lập trường của Việt Nam tại cuộc đàm phán với Mỹ ở Paris. Đây cũng là văn kiện cuối cùng trong mối giao tiếp hữu nghị với người đứng đầu Vương quốc láng giềng.
Chỉ hơn nửa năm sau, ngày 2/9/1969 Bác qua đời. Ngày 9/9/1969, Quốc trưởng Sihanouk đã có mặt tại Hà Nội để dự Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và sau rất nhiều biến cố lịch sử, trong hồi ký “Từ cuộc chiến chống CIA đến người tù của Khơ me Đỏ” viết sau này, Cựu vương Sihanouk đã bày tỏ:
“Từ buổi dự Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tôi được vinh dự đứng túc trực bên cạnh linh cữu. Tôi sực nhớ đến câu nói của Người mà tôi cho rằng không gì đúng hơn. Đó là câu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Cụ Hồ là một bậc cách mạng lão thành, xuất thân từ tầng lớp bình dân. Tôi là một nhà quý tộc thuộc dòng dõi quân chủ lâu đời nhất ở Campuchia. Cụ với tôi không chung thế hệ, bởi vì Cụ hơn tôi tới ba chục tuổi. Nhưng Cụ và tôi đều cùng chung nguyện vọng muốn cho nước nhà độc lập. Để đạt mục đích này, Cụ đã chọn con đuờng cách mạng gay go ác liệt. Còn tôi, một con người trẻ tuổi lại rất sợ đổ máu. Nhưng cuối cùng chính Cụ đã dạy cho chúng tôi bài học là tất cả các thế lực đế quốc chỉ cho các dân tộc bị chúng áp bức một con đường duy nhất để giành lại tự do. Đó là con đưòng đấu tranh vũ trang mà Hồ Chí Minh đã xác định”.
Cũng trong tập hồi ký này, Norodom Sihanouk còn viết: “Từ lâu tôi đã rất ngưỡng mộ Bác Hồ. Người không chỉ thuộc về nhân dân Việt Nam mà là cả Đông Dương, cả Châu Á và có thể là cả thế giới, bởi vì Người luôn luôn bảo vệ những quyền lợi của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa cũng như quyền lợi của những người da đen ở Mỹ.
Đối với riêng tôi, Người cũng là “đồng chí”. Người đã gửi cho tôi những bức thư trìu mến và tôi cũng luôn mong được gặp Người, nhất là trong những năm gần đây tôi thường đề nghị có cơ hội đi thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Nhưng các bạn Việt Nam nói Mỹ đang ném bom miền Bắc Việt Nam, một chuyến đi thăm như vậy là rất nguy hiểm đối với tôi.
Tôi đáp lại: “Thì đây chính là dịp để tôi biểu thị tình đoàn kết với Việt Nam”. Các bạn Việt Nam vẫn khẳng định: “Ngài là Quốc trưởng Campuchia và cũng là người bạn lớn của Việt Nam. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước nhân dân nước Ngài vì những trận ném bom của Mỹ”.
Và thế là mãi mãi tôi không bao giờ được gặp Chủ tịch Hồ nữa... Chuyến đi thăm đầu tiên của tôi tới nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà lại là để dự Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Có thể nói, tình cảm giữa Bác và Quốc vương Cămpuchia cũng như những sự ngưỡng mộ đặc biệt của quốc vương là biểu tượng cho tình đoàn kết của nhân dân 2 nước. Câu chuyện này nhắc nhở các thế hệ mại sau phải luôn biết ơn những bậc tiền nhân đã dày công vun đắp tình cảm sâu nặng giữa 2 quốc gia, dân tộc.
--------------------------------------------------------------------------------------------
Trịnh Đình Thanh
BM Lý luận Chính trị