Không thể phủ nhận, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là đòn bẩy góp phần nâng tầm thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế. Không chỉ các nhân sự trong khối ngành kỹ thuật đang khẳng định vị thế của mình mà nguồn nhân lực thuộc khối ngành Khoa học Xã hội & Nhân văn cũng đang nhận được nhiều ưu ái đặc biệt khi các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, du lịch được chú trọng đẩy mạnh phát triển như hiện nay ở Việt Nam và khu vực. Trước thực tế nguồn cung cấp nhân lực của khối ngành Khoa học Xã hội & Nhân văn đang còn khá “mỏng” về số lượng và chất lượng, Đại học (ĐH) Duy Tân đã thiết lập một mô hình đào tạo tiên tiến nhất để cung cấp cho xã hội những nhà báo, nhà văn hóa, nhà ngoại giao,… xuất sắc nhất.
Ngành Văn Báo chí: Trách nhiệm và “lửa” nghề của người cầm bút
Mỗi ngành nghề đều có những vinh quang và vất vả của riêng nó. Với nghề viết báo cũng vậy, một khi đã dấn thân là phải chịu khó khăn, hiểm nguy, vất vả trên mọi nẻo đường để truyền tải thông tin tốt nhất tới bạn đọc. Bởi vậy, để trở thành một nhà báo giỏi, ngoài việc trau dồi kiến thức và kỹ năng còn đòi hỏi phải có “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để phản án trung thực, khách quan cũng như có tinh thần trách nhiệm với xã hội.
Tại ĐH Duy Tân, sinh viên theo học ngành Văn Báo chí sẽ được tiếp nhận kiến thức cơ bản và chuyên sâu về lĩnh vực Báo chí, Truyền thông như các kỹ năng:
- làm báo (báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình), biên tập (sách, báo, tạp chí),
- làm đạo diễn các chương trình, tổ chức sự kiện, quan hệ công chúng,…
- nghiên cứu văn học và xã hội để có thể giảng dạy Văn học tại bậc phổ thông hay các trường trung cấp, cao đẳng,...
- tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi quốc tế ở nhiều mảng ngành nghề khác nhau với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong quá trình học, sinh viên được thực tập tại các nhà xuất bản, tòa soạn báo, đài truyền hình,... giúp các em hiểu rõ cách thức làm báo, tiếp cận vấn đề - khai thác - xử lý thông tin để cho ra đời các bài báo, ấn phẩm, hay các chương trình truyền hình chất lượng.
ĐH Duy Tân luôn tổ chức nhiều hội thảo, giao lưu để mở rộng kiến thức và giáo dục nhân cách cho sinh viên
Theo học các ngành thuộc khối Khoa học Xã hội & Nhân văn tại trường, sinh viên Duy Tân còn được học tập với một mô hình đào tạo rất thú vị là PBL (Problem-Based Learning/Project-Based Learning - Học theo Vấn đề/Học theo Dự án). Đây là phương pháp đào tạo được nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển áp dụng để sinh viên có thể nắm bắt tốt kiến thức, tư duy sáng tạo, và có khả năng phản ứng nhanh trước nhiều vấn đề nảy sinh trong công việc và cuộc sống.
Chia sẻ về cơ hội việc làm của các Cử nhân Văn Báo chí, ThS. Võ Thị Kim Ngân - Trưởng Bộ môn Báo chí & Truyền thông chia sẻ: “Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, báo chí đang trở thành một ngành học ‘hot’ và mở ra nhiều triển vọng nghề nghiệp cho sinh viên. Hiện tại, sinh viên ngành Văn Báo chí của ĐH Duy Tân có tỷ lệ có việc làm đạt đến 94% và nhiều bạn hiện đang công tác tại các cơ quan báo đài địa phương hay các công ty truyền thông trên cả nước. Nghề báo chính là nghề rèn giũa bản lĩnh và luôn phải giữ cái tâm trong sáng. Mỗi bài báo như một thông điệp của tác giả, đằng sau mỗi tin tức cũng chính là số phận của bao người có liên quan.”
Mùa Tuyển sinh 2021, ĐH Duy Tân quyết định trao Học bổng cho các thí sinh theo học Văn Báo chí - ngành Việt Nam học - ngành Quan hệ Quốc tế:
- 700 suất học bổng trị giá từ 500.000 - 2.000.000 VNĐ cho những thí sinh trúng tuyển theo phương thức Xét tuyển Học bạ THPT khi đạt từ 22 điểm trở lên;
- 450 suất Học bổng DUY TÂN trị giá từ 1.000.000 - 5.000.000 VNĐ cho thí sinh trúng tuyển với tổng điểm 3 môn thi theo kết quả Kỳ thi THPT >= điểm trúng tuyển từ 5 - 10 điểm.