star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

4 lý do chọn học Văn Báo chí tại Trường Đại học Duy Tân


4 lý do chọn học Văn Báo chí tại Trường Đại học Duy Tân

Xu hướng mở và hội nhập toàn cầu không cho phép các ngành học đứng im mà phải vận hành và chuyển biến mạnh mẽ để tiến nhanh và kịp xu thế thế giới. Tại Trường Đại học Duy Tân, các ngành học cũng đi đang đi theo hướng đó. Ngành Văn học, ứng dụng chuyên ngành Văn Báo chí tại Trường Đại học Duy Tân cũng vậy, đây là lựa chọn đúng đắn cho những bạn yêu thích Văn học và hoạt động trong lĩnh vực Báo chí, Truyền thông. Vậy, vì sao nên chọn học Văn Báo chí tại Trường Đại học Duy Tân? Dưới đây là 4 lý do giúp bạn giải đáp câu hỏi này.

Thứ nhất, Văn Báo chí là ngành học mang tính ứng dụng cao. Mục tiêu đào tạo của ngành văn học truyền thống thiên về nghiên cứu sâu việc sáng tạo nghệ thuật, cấu trúc tác phẩm, tìm đến các giá trị nghệ thuật của tác phẩm…phục vụ cho việc giáo dục, giáo dưỡng. Trong khi đó, Văn học ứng dụng theo hướng Báo chí không đơn thuần dừng lại ở việc cung cấp hoặc định hướng giáo dục mà sâu hơn là khối kiến thức mang tính công cụ để tác nghiệp theo hướng đa hệ, nhất là tác nghiệp trong lĩnh vực truyền thông, đưa tin ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Nói cách ngắn gọn, nếu văn học truyền thống sử dụng kiểu tư duy hình tượng trong khám phá tác phẩm thì văn học theo tính ứng dụng sẽ khám phá tác phẩm theo tư duy logic. Kiểu tư duy này giúp người học hình thành kĩ năng xử lý công việc cụ thể khi ra trường. Người học Văn Báo chí cần biết phản biện, đối thoại, xây dựng kịch bản chiến lược tổ chức cho một sản phẩm báo chí, biết phê bình văn bản, đề xuất; biết làm kịch bản cho việc tuyên truyền hay PR cho mặt hàng theo logic quảng cáo-truyền thông  trong lĩnh vực kinh tế … Đó là lý do khiến sinh viên không phải bỡ ngỡ khi tham gia thị trường lao động, nhà tuyển dụng không phải “đào tạo lại” khi tiếp nhận sinh viên mới ở trường đại học.

Thứ hai, chương trình học Văn Báo chí tại Trường Đại học Duy Tân thường xuyên cập nhật, đổi mới và nâng cao tính ứng dụng, thực hành tại các doanh nghiệp. Nếu như chương trình Văn học truyền thống sử dụng khung chương trình cứng để đảm bảo mục tiêu đào tạo là tìm hiểu quy luật sáng tạo và khám phá tác phẩm nghệ thuật thì mục tiêu của văn học theo hướng ứng dụng theo hướng báo chí hướng đến việc người học đạt nền tảng văn học trên cơ sở tư duy logic, dùng lý trí khám phá đối tượng. Chương trình Văn Báo chí tại Đại học Duy Tân được thiết kế cởi mở và linh động, vừa đảm bảo phần cứng làm nền tảng với những môn học bắt buộc của ngành Văn học vừa có độ linh động uyển chuyển hướng tới tác nghiệp báo chí và xử lý các tình huống cụ thể trong công việc. Vì vậy, những môn học như Báo in, Báo phát thanh-truyền hình, Báo điện tử, Photography, Kĩ năng biên tập xuất bản…chiếm phần nhiều trong suốt chương trình học. Không những thế, những môn học thuộc kĩ năng mềm như Nói và Trình bày (tiếng Việt), Viết (tiếng Việt)… cũng được nhà trường đưa vào chương trình giảng dạy bắt buộc đối với tất cả sinh viên nên cũng hỗ trợ thêm rất nhiều cho ngành học này. Điều này giúp người học vừa hình dung công việc thực tế, vừa tiếp cận trực tiếp với những sản phẩm cụ thể từ những giảng viên, những nhà báo có kinh nghiệm trong nghề.

Thứ ba, khoa KHXH&NV có hợp tác nhiều doanh nghiệp và cơ quan Báo chí, Truyền thông và văn phòng đại diện của các cơ quan Báo chí, Truyền thông Trung ương đóng trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Sinh viên tham gia học Văn Báo chí tại Trường Đại học Duy Tân có cơ hội tiếp cận nghề nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tại Trường Đại học Duy Tân, chương trình quan hệ doanh nghiệp hàng năm là một phần bắt buộc ở các khoa. Mục đích của chương trình này vừa giúp sinh viên tiếp xúc công việc vừa tìm kiếm cơ hội thực tập và cơ hội nghề nghiệp cho người học. Khoa KHXH&NV tại Trường Đại học Duy Tân luôn kết nối, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan báo chí, truyền thông địa phương và văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương đóng trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Trong mỗi môn học sinh viên đều có chương trình đi thực tế hoặc tham quan học hỏi nghề nghiệp tại các cơ quan chuyên ngành như báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, nhà xuất bản…Cách tiếp cận này vừa giúp sinh viên rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp vừa tích lũy kĩ năng mềm, được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm thực tế, gắn với phương châm học đi đôi với hành, hỗ trợ rất nhiều cho công việc của sinh viên sau khi ra trường.

Thứ tư, chương trình văn học theo hướng ứng dụng nên phương pháp dạy học linh động và đa dạng. Ngoài việc nghe giảng lý thuyết trên lớp, sinh viên còn được học từ thực tế qua những buổi tham quan doanh nghiệp, học theo dự án để tập cho ra sản phẩm báo chí thuộc các loại hình; học qua việc lên kịch bản và tổ chức sự kiện nhằm báo cáo kết quả học tập; được gặp gỡ với các nhà báo kì cựu trên toàn quốc, gặp các nhân vật có ảnh hưởng trong nghề, được gặp gỡ các anh chị khóa trước thành đạt trong nghề chia sẻ kinh nghiêm…Những chuyến đi trong các chương trình này giúp sinh viên mở rộng mối quan hệ, tạo cơ hội nghề nghiệp cho người học. Trong đó, đã có những sinh viên sau này trở thành phóng viên báo chí hoặc hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tại đơn vị thực tập do khoa giới thiệu.

Với những lý do cụ thể và sát thực, việc lựa chọn chuyên ngành Văn Báo chí tại khoa KHXH&NV, Trường Đại học Duy Tân sẽ đem đến cho người học những kĩ năng nghề nghiệp cần thiết, chủ động và tự tin tham gia thị trường lao động khá nhộn nhịp nhưng cũng đầy tính cạnh tranh và nhiều thách thức như hiện nay.

(Bùi Thị Kim Phượng)