Năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao/ Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình/ Đảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no…".
Có thể hiểu “Đảng văn minh” theo quan điểm của Hồ Chí Minh gồm một số nội dung sau:
Một là, Đảng văn minh là một Đảng tiêu biểu cho lương tâm, trí tuệ và danh dự của dân tộc.
Hai là, Đảng đã ra đời với tư cách là tổ chức chính trị tiên tiến có tính vượt trội (văn minh) so với mọi tổ chức chính trị đã xuất hiện trong cùng thời kỳ đó. Sự ra đời của Đảng đáp ứng yêu cầu khách quan, tất yếu của lịch sử dân tộc, gánh vác sứ mệnh dẫn dắt nhân dân đoàn kết đứng lên đấu tranh tự giải phóng cho mình khỏi cuộc đời nô lệ, khỏi mọi ách áp bức, bất công và tàn bạo, giành lấy chủ quyền. Đảng ra đời là một tất yếu, phù hợp với quy luật phát triển văn minh, tiến bộ của dân tộc và của nhân loại. Mọi hoạt động của Đảng đều xuất phát từ yêu cầu phát triển của dân tộc, lấy lợi ích tối cao của dân tộc làm trọng, mọi lợi ích giai cấp đều phải đặt dưới sự phát triển của dân tộc; mọi hoạt động của Đảng đều phải phù hợp với quy luật vận động của xã hội Việt Nam.
Ba là, vì bản chất của Đảng, mục tiêu lý tưởng của Đảng không phải chỉ nhằm đập tan, phá bỏ cái cũ xấu xa, lạc hậu mà chủ yếu là kiến tạo và dựng xây một xã hội mới tốt đẹp, nhân đạo, hoàn bị tiến tới một nền văn minh mới - văn minh cộng sản chủ nghĩa.
Bốn là, Đảng văn minh vì là một tổ chức chính trị chân chính, trung thành với lợi ích của nhân dân, của dân tộc, của đất nước với tinh thần yêu chuộng hòa bình, tôn trọng công lý và chính nghĩa. Đảng là một tổ chức có năng lực trí tuệ cao, có trình độ văn hóa tiêu biểu của thế giới đương đại, có trình độ lý luận đủ sức tiên phong dẫn đường cho quần chúng trong các giai đoạn phát triển của lịch sử.
Năm là, Đảng phải luôn luôn trong sạch, vững mạnh, làm tròn sứ mệnh lịch sử do nhân dân, dân tộc giao phó là lãnh đạo giành độc lập cho Tổ quốc và đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng văn minh còn thể hiện ở chỗ đội ngũ đảng viên, từ những đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng, cho đến đảng viên không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đều phải là những chiến sĩ tiên phong, gương mẫu trong công tác và cuộc sống hằng ngày.
Sáu là, xây dựng Đảng văn minh còn thể hiện ở việc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Đảng không phải là tổ chức đứng trên dân tộc.
Bảy là, Đảng văn minh phải là Đảng có quan hệ quốc tế trong sáng, bảo vệ lợi ích của dân tộc Việt Nam, đồng thời tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác; vì hòa bình, hữu nghị và sự phát triển chung của toàn nhân loại.
Trong mỗi thời kỳ cách mạng khác nhau, Đảng luôn chú trọng xây dựng, chỉnh đốn để đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, đẩy lùi các tàn tích của chế độ cũ còn ẩn khuất trong từng đảng viên, nhất là các đảng viên giữ vai trò lãnh đạo. Hiện nay, Đảng thực hiện “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” nhằm “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân”.
Từ đó cho thấy, "văn minh" là sự kết tinh của đạo đức và trí tuệ được thể hiện ở đường lối chính trị và hành động chính trị của Đảng và luôn được thể hiện trong từng đảng viên. Muốn Đảng có văn minh, có trí tuệ thì đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải là những người đạo đức nhất, trí tuệ nhất, đồng thời tập hợp và phát huy trí tuệ của toàn dân tộc. Để được như vậy, mỗi cán bộ đảng viên phải không ngừng tự học tập, cả lý luận lẫn chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng tự rèn luyện, cả bản lĩnh chính trị lẫn tư cách đạo đức. Tức là, sự vận động để đạt tới văn minh phải bắt đầu từ sự vận động của mỗi đảng viên, của mỗi tổ chức đảng và toàn Đảng./.
Th.s Nguyễn Tấn Tài – Giảng viên Tổ LLCT