star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Hồi ký “Năm tháng dâng người” - Truyền ngọn lửa cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ


Hồi ký “Năm tháng dâng người” là những dòng ký ức lay động của một người trẻ từng dành cả thời thanh xuân để hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng đất nước trước năm 1975 ở những đô thị miền Trung Việt Nam. Tác giả của những trang sách đầy ắp cảm xúc, khát vọng và bản lĩnh được gửi gắm qua những câu chuyện vô cùng cuốn hút và chân thực của mình, không ai khác chính là Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - “vị thuyền trưởng” đáng kính của Đại học Duy Tân.


Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ “vị thuyền trưởng” đáng kính của Đại học Duy Tân

Mọi cuộc hành trình vạn dặm đều bắt đầu từ một bước chân

Hồi ký “Năm tháng dâng người” sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về một cậu bé chăn trâu ở làng Giáng La, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã vượt qua những tháng ngày khốn khó, tủi nhục nơi làng quê nghèo lặn lội ra Đà Nẵng tự lực mưu sinh và chắt chiu mọi cơ hội để được đến trường. Chàng trai trẻ giàu nghị lực cuối cùng đã tốt nghiệp Trung học ở Sài Gòn, rồi trở thành sinh viên của Đại học Huế - nơi được cho là ngưỡng cửa của một tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, chàng trai ấy đã quyết định “xếp bút nghiên”, rời giảng đường đại học để đi theo tiếng gọi của non sông, hăng hái lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Lật giở từng trang sách, thông qua câu chuyện về cuộc đời của Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, bạn đọc có thể hình dung được phần nào chân dung của một lớp người trí thức trẻ sẵn sàng hiến dâng những gì đẹp đẽ và quý báu nhất của tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và chống Mỹ cứu nước trước năm 1975 ở những đô thị miền Trung Việt Nam. Nhiều tấm gương hy sinh cao cả, những ngày tháng gian khổ chưa từng có ở núi rừng Trường Sơn, những cuộc gặp gỡ định mệnh đáng nhớ, những câu chuyện xúc động của đồng đội, của anh em, bà con cô bác,... tất cả được tác giả ghi chép rất cẩn trọng và nâng niu cùng những cảm xúc thiết tha, lòng biết ơn sâu sắc và trải nghiệm chân thành gần gũi của tuổi đôi mươi.


Hồi ký “Năm tháng dâng người” Truyền ngọn lửa cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ

Không chỉ nói về cuộc hành trình gập ghềnh, những bài học quý giá, cuốn Hồi ký còn “hé lộ” những thất bại, biểu hiện cực đoan, những phản bội hay mặt trái khó tránh khỏi trong một cuộc chiến khốc liệt. Cũng có khi, ngòi bút của tác giả dừng lại để dành chỗ nghỉ ngơi cho những cảm nhận sâu lắng, những nghiền ngẫm, tâm tình mà bản thân có được sau những bước đi non trẻ đầu đời.

Ngọn lửa truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ

Với 5 phần: Đầu đời, Dấn thân, Trong Bão tố, Trường thành qua máu lửa, Huế - Mùa xuân khải hoàn ca, tập Hồi ký “Năm tháng dâng người” là tiếng nói của một trong hàng triệu triệu người trẻ thời bấy giờ chọn con đường đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Hơn 400 trang sách không chỉ là nỗ lực tái hiện hình ảnh của các phong trào tranh đấu công khai của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Trung từ năm 1954 -1975 mà còn chứa đựng nhiều dòng tâm tư, trăn trở và cả lòng biết ơn của một chàng thanh niên đối với “ngôi trường đại học vĩ đại - Sự nghiệp Cách mạng của nhân dân”.

Sau khi hòa bình lập lại, bằng những nỗ lực không ngừng, thầy Lê Công Cơ và các cộng sự của mình đã mang ý chí kiên cường và “bản lĩnh thép” của những người chiến sĩ cách mạng để truyền cảm hứng và thắp sáng đam mê học tập cho nhiều thế hệ sinh viên Duy Tân. Đằng sau những nỗi buồn, thất vọng, những gian khổ ngỡ như không thể vượt qua lại là những hy vọng nối tiếp, khát vọng truyền lửa cho thế hệ trẻ “có lòng yêu nước, có phẩm chất Nhân văn mang đậm Bản sắc Việt Nam...” thắp sáng khát vọng Duy Tân.

Đọc những dòng viết trong tập Hồi ký “Năm tháng Dâng Người”, chắc chắn bạn  sẽ có những phút giây lắng đọng khi được “chứng kiến” và “cùng sống lại” những năm tháng rực lửa chiến đấu với sức trẻ dào dạt đầy nhiệt huyết, sẵn sàng xả thân của tác giả và những người trẻ bấy giờ. Dành thời gian và tâm sức để viết ra những câu chuyện quá khứ, phải chăng là cách để tác giả gửi gắm những kinh nghiệm để đời, nhắn gửi thế hệ trẻ dù không còn chiến tranh nhưng đều có thể hãy “đáp lời sông núi” theo cách riêng của mình.