Ngày 13/10/2023, Trường Ngoại ngữ - Xã hội Nhân văn, Đại học Duy Tân phối hợp với Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Việt Nam - Nhật Bản: Diễn trình quan hệ - thành tựu và triển vọng”. Đây là diễn đàn học thuật và nghiên cứu quy mô lớn, cơ hội để các học giả trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu, góp phần đẩy mạnh tình hữu nghị, hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tham dự Hội thảo “Việt Nam - Nhật Bản: Diễn trình quan hệ - thành tựu và triển vọng”, có ngài Yakabe Yoshinori - Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng cùng các học giả đến từ Viện Sử học, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện nghiên cứu Trung Đông và Bắc Phi, Học viện Chính trị khu vực III, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng,…; về phía Đại học Duy Tân có sự tham gia của TS. Nguyễn Hữu Phú - Phó Hiệu trưởng nhà trường, TS. Hoàng Thị Hường - Phó Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ - Xã hội Nhân văn cùng đông đảo các giảng viên và sinh viên.
Ngài Yakabe Yoshinori - Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng
phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ngài Yakabe Yoshinori - Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng đánh giá cao các mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước trong suốt tiến trình lịch sử và các chuỗi hoạt động chào mừng nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/09/1973 - 21/09/2023): “Trong suốt 50 năm qua, quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đã có nhiều bước phát triển. Nhật Bản đã và đang duy trì mối quan hệ kinh tế bền vững với Việt Nam thông qua việc hỗ trợ nguồn vốn ODA và đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong quá trình phát triển kinh tế. Việt Nam thường xuyên được mời dự các Hội nghị Thượng đỉnh G7 cũng đã cho thấy Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế và uy tín của mình trong cộng đồng quốc tế. Trong đó, Nhật Bản - Việt Nam phát triển sang quan hệ đối tác bình đẳng và cùng hỗ trợ lẫn nhau. Trong bối cảnh mới của quan hệ hai nước, việc Trường Đại học Duy Tân tổ chức Hội thảo là đúng thời điểm nhằm đáp ứng nhu cầu kinh tế hiện nay của hai nước. Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Trường Đại học Duy Tân khẳng định hơn nữa mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam tại Đà Nẵng.”
Thay mặt lãnh đạo trường Đại học Duy Tân, TS. Nguyễn Hữu Phú - Phó Hiệu trưởng nhà trường, Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ - Xã hội Nhân văn gửi lời cảm ơn chân thành đến ngài Yakabe Yoshinori - Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng, các vị đại biểu, các học giả đến từ các viện, trường đại học trên cả nước. TS. Nguyễn Hữu Phú chia sẻ: “Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Năm 2023 là cột mốc kỷ niệm 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, với những gắn kết đầy ý nghĩa ấy, Trường Ngoại ngữ - Xã hội Nhân văn tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề ‘Việt Nam - Nhật Bản: Diễn trình quan hệ - thành tựu và triển vọng’ nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, hữu nghị hợp tác và phát triển, tạo môi trường thuận lợi để quảng bá phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục và đưa ra những hàm ý khuyến nghị cho các cơ quan chức năng hai nước. Hy vọng rằng, trong tương lai, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung và sự liên kết giữa Đại học Duy Tân và các đối tác tại Nhật nói riêng sẽ càng bền chặt hơn nữa.”
TS. Hoàng Thị Hường, Phó Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ - XHNV bày tỏ sự cảm kích
Bày tỏ sự cảm kích trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực, TS. Hoàng Thị Hường, Phó Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ - XHNV, Đại học Duy Tân cho biết: “Mặc dù cách nhau 4.000 km với 2 múi giờ nhưng Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về văn hóa, lịch sử… đến nay Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 4 thành phố Nhật Bản, gồm Kawasaki, Sakai, Yokohama, Kisarazu và quan hệ hợp tác với 15 tỉnh, thành phố khác. Hợp tác cấp địa phương giữa Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố của Nhật Bản là điểm sáng trong bức tranh đối ngoại. Đối với Đại học Duy Tân, có mối quan hệ sâu rộng hiệu quả tới các trường Đại học, các công ty tập đoàn lớn của nước bạn. Hiện nay, trường có Khoa tiếng Nhật đào tạo ngành ngôn ngữ Nhật, Viện nghiên cứu Việt – Nhật….; Khoa Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn đào tạo cử nhân ngành Quan hệ quốc tế - chương trình tiếng Nhật và đặc biệt trường sẵn sàng chào đón các bạn sinh viên, học viên Nhật Bản đến theo học ngành Việt Nam học”.
Các nhà nghiên cứu cùng trao đổi về các tham luận trình bày
Hơn 40 tham luận là những nghiên cứu đầy tâm huyết, đầy trách nhiệm đề cập đến nhiều vấn đề quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản được chia thành 3 nhóm chủ đề, bao gồm:
- Chủ đề 1: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản những vấn đề đương đại 50 năm qua;
- Chủ đề 2: Quan hệ Việt - Nhật những dấu ấn lịch sử;
- Chủ đề 3: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Góc nhìn văn hóa - ngôn ngữ và luật pháp.
Hội thảo khoa học: “Việt Nam - Nhật Bản: Diễn trình quan hệ - thành tựu và triển vọng” tại Đại học Duy Tân
Trong khuôn khổ hội thảo, một số tham luận trình bày đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi, đóng góp nhiệt tình, chia sẻ tâm huyết và trách nhiệm của các nhà nghiên cứu. Điển hình như:
- Tham luận “Hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Nhật Bản” của TS. Tạ Ngọc Hà (Nguyên Phó Trưởng BQL Khu Công nghệ cao Hòa Lạc);
- Tham luận “Quan hệ quốc phòng Việt Nam- Nhật Bản” của TS. Trần Thị Hải Yến (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới);
- Tham luận “Tư duy chiến lược hỗ trợ phát triển chính thức (oda) Nhật Bản - Việt Nam từ năm 1960 đến nay” của TS. Nguyễn Hùng Vương (Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng);
- Tham luận “Những dấu ấn trong quan hệ ngoại giao, thương mại Việt Nam - Nhật Bản thế kỷ XIV - XVI” của TS. Bùi Văn Huỳnh (Viện sử học);
- Tham luận “Giảng dạy và nghiên cứu tiếng Nhật ở Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Hà;
- Tham luận “Đảm bảo quyền của người lao động di trú - nghiên cứu từ Hiến pháp Việt Nam và Hiến pháp Nhật Bản” của ThS. Lê Thị Xuân Phương;
- Tham luận “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: từ quá khứ tới hiện tại (Qua nghiên cứu trường hợp ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng KyushuNhật Bản” của TS. Vũ Hồng Thuật;
-…
Xuyên suốt hội thảo là những tham luận, bài khảo cứu nghiêm túc, khoa học, phân tích và đánh giá về mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực. Với nhiều sử liệu mới được phát hiện, góp phần vun đắp tình hữu nghị hiểu biết giữa hai nước hai dân tộc vì hòa bình thịnh vượng chung của hai nước và khu vực.
TS. Ngô Minh Hiệp