star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Đại học Duy Tân tổ chức Hội thảo “Giáo dục Nhân văn trong Giáo dục Đại học”


Không phải đến khi vào đại học, con người mới được giáo dục đức tính nhân văn. Bởi từ khi lọt lòng mẹ rồi trải qua những năm tháng mầm non, tiểu học, phổ thông, con người đã được định hướng để có những hành động chuẩn mực, đúng lề lối, phép tắc nhân cách làm người. Tuy nhiên, vào đại học chính là thời điểm định hình một lối sống mới, cá tính mới khi con người hòa nhập vào môi trường giáo dục rộng mở và đa dạng hơn. Bởi thế, việc giáo dục nhân văn trong thời điểm này có ý nghĩa khác biệt, quyết định sự trưởng thành trong nhân cách để trở thành những công dân tài đức, có những cống hiến lớn lao cho xã hội. Lý do đó trở thành khởi nguồn để Đại học Duy Tân tổ chức Hội thảo Khoa học “Giáo dục Nhân văn trong Giáo dục Đại học” vào sáng ngày 6/6/2019 để đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong việc giáo dục nhân văn cho thế hệ sinh viên Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Giá trị cốt lõi của việc giáo dục nhân văn ở đại học 

Trong sự nghiệp giáo dục, bất kỳ trường đại học nào cũng không ngừng suy tư về những giải pháp thiết thực và lâu bền trong việc giáo dục giá trị nhân văn cho sinh viên. Và Đại học Duy Tân cũng luôn trăn trở về vấn đề đó. Nhà trường ý thức được rằng: mỗi sinh viên cùng với việc hội đủ các tri thức, kỹ năng thì cần phải có một nhân cách tốt, một lối sống đẹp để góp phần tạo nên một xã hội tốt đẹp. Do vậy, giáo dục nhân văn trong đại học là vô cùng quan trọng và mỗi cơ sở đào tạo không thể đứng ngoài cuộc mà phải gánh phần trách nhiệm với các vấn đề chung của xã hội và nhân loại.

Hội thảo khoa học “Giáo dục Nhân văn trong Giáo dục Đại học” đã thu hút hơn 100 bài viết đến từ nhiều tác giả đang làm việc tại các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu, và giáo dục trên cả nước. Trong đó có rất nhiều các bài viết đề cập đến những thách thức của việc giáo dục nhân văn trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá trị nhân văn trong các triết thuyết Đông Tây, kinh nghiệm giáo dục nhân văn qua tham chiếu từ Nhật Bản, Trung quốc, tinh thần nhân văn trong thế giới quan và giáo lý Thiên chúa giáo, Phật giáo…, vai trò và ảnh hưởng của công nghệ thông tin trong giáo dục nhân văn,… 

Nói về vấn đề nhân văn, Nhà giáo Ưu tú, Anh hùng Lao động Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Duy Tân đã có những chia sẻ rất đỗi bình dị: “Nhân văn là vẻ đẹp con người. Đó chính là đứng trước những hoàn cảnh thương đau, trái tim sẽ rung động. Tôi không phải là người thầy dạy Văn nhưng tôi rất mê chữ ‘nhân văn’. Bởi vì, cuộc đời tôi đã từng trải qua biết bao mặt trận, chứng kiến bao sự mất mát, hy sinh nên hai chữ ‘nhân văn’ luôn hiện hữu trong tôi. Nhân văn còn đi theo mỗi chúng ta từ khi mới lọt lòng, bởi nhân văn được truyền từ tình thương của mẹ. Ta học được cách yêu cha, yêu mẹ, yêu mọi người và yêu Tổ Quốc.

Nhân văn cũng cần phải nuôi dưỡng và giáo dục đại học đang góp phần không nhỏ trước nhiệm vụ lớn lao này. Giáo dục nhân văn ở đại học chính là đào tạo ra những con người có đầy đủ năng lực và có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng. Chúng ta cần giáo dục lương tâm nghề nghiệp song hành với đào tạo chuyên môn ngay từ giảng đường để góp phần ‘ươm mầm’ nên những thế hệ sinh viên Việt Nam hoàn thiện về nhân cách cũng như giỏi về  chuyên môn.

Ngay tại Hội thảo, rất nhiều góc nhìn về nhân văn được đưa ra, trong đó, theo TS. Trương Thị Thu Trang (Viện Thông tin Khoa học Xã hội): “Giáo dục giá trị nhân văn là sự truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm lịch sử, xã hội của con người, tinh hoa văn hóa dân tộc, trong đó, phải luôn chú trọng việc đào tạo nền tảng và phát triển con người.

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS. Cao Thị Hảo (Đại học Sư phạm Thái Nguyên) cho rằng giáo dục nhân văn và khởi nghiệp luôn song hành cùng nhau và đó cũng là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại: “Giá trị nhân văn luôn mang tính nhân loại. Nó hội tụ những giá trị tiêu biểu của một dân tộc và khởi nghiệp phải gắn với nhân văn. Điều này sẽ giúp xây dựng lối sống, giúp con người thích nghi trong một xã hội tiến bộ, văn minh để có thể hòa nhập với khu vực và thế giới. Hiện nay, ở Việt Nam đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và bắt đầu có khởi sắc ở một số trường đại học. Đại học Duy Tân là một ngôi trường có nhiều điều kiện tốt để khởi nghiệp đậm tính nhân văn và cũng là nơi kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của Tp. Đà Nẵng và Việt Nam.

Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục nhân văn cho sinh viên hiện nay

Trước thực tế rất căn bản từ chia sẻ của TS. Hoàng Thị Hường - Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Duy Tân: “Trường Đại học Duy Tân, và có lẽ cũng như nhiều cơ sở đào tạo khác, đang phải đối mặt với những đánh giá không vui của xã hội về lối sống, đạo đức của thế hệ trẻ, trong đó có những sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Đồng thời, ngay trong thực tế tiếp nhận, giảng dạy và quản lý sinh viên, chúng tôi cũng gặp phải vô số những khúc mắc trong hành xử của các em, những khó khăn trong việc giúp sinh viên nhận ra: đâu là nhân bản, đâu là các giá trị sống đích thực…”, rất nhiều các ý kiến đóng góp đã được đưa ra tại Hội thảo.

Tích hợp lồng ghép các giá trị nhân văn vào việc xây dựng tinh thần đại học, TS. Nguyễn Thành Nhân (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) đề xuất: “Chúng ta cần nhìn nhận giá trị nhân văn như một nền tảng quan trọng của giáo dục hiện đại. Phương thức khả thi để giáo dục nhân văn là tích hợp giáo dục nhân văn, thông qua kiến tạo và vận hành văn hóa đại học để truyền tải cụ thể các giá trị nhân văn vào trong môi trường đại học và các hoạt động giáo dục khác. Trong đó, giới hạn 3 khía cạnh văn hóa đại học cụ thể là: văn hóa tinh thần làm nền tảng, văn hóa vật chất và văn hóa công sở.” 

Dựa trên nghiên cứu về giáo dục giá trị nhân văn cho học sinh, sinh viên ở Nhật Bản, TS. Trương Thị Thu Trang (Viện Thông tin Khoa học Xã hội) đã rút ra kinh nghiệm trong việc giáo dục nhân văn: “Thứ 1, nền giáo dục cần hướng học sinh, sinh viên học làm người trước khi học để lấy kiến thức; thứ 2, giáo dục tư duy tự lập để học tập suốt đời; thứ 3, giáo dục đạo đức theo từng mục tiêu, tương ứng với các độ tuổi khác nhau; thứ 4, bản thân mỗi giáo viên phải là một tấm gương tốt; thứ 5, nhà trường cần bổ sung những nguyên tắc cơ bản trong ứng xử; thứ 6, nhà trường cần phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đội Thiếu niên và Thanh niên, Hội Sinh viên để giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên; thứ 7, các chủ thể gia đình, nhà trường và xã hội cần gắn kết với nhau trong việc giáo dục nhân văn.” 

Ngoài ra, hội thảo cũng nhận được nhiều giải pháp cụ thể cho giáo dục nhân văn ở đại học Việt Nam hiện nay. Như giáo dục nhân văn trước hết cần phải giúp con người hiểu được đạo làm người của TS. Trần Hải Yến (Viện Văn học), hay giải pháp giáo dục nhân cách nghề cho sinh viên của TS. Lê Thanh Tú (Đại học Văn hóa HN)/ThS. Phan Thị Kim và Lê Thị Diệu Mi (Đại học Duy Tân),…

(Truyền Thông)