Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa – một tác phẩm sử học nổi tiếng của Yoshiharu Tsuboi (Nhật Bản) về nước Việt Nam giai đoạn triều Tự Đức - nhà Nguyễn được dịch và đến với độc giả Việt Nam lần đầu năm 1990. Sách do Nguyễn Đình Đầu dịch với sự cộng tác của Bùi Trân Phượng và Tăng Văn Hỷ, Nhã Nam hợp đồng tác quyền với tác giả và liên kết xuất bản với NXB Tri Thức.
Sách đã cung cấp cho người đọc về nước Đại Nam từ năm 1847 - lúc Tự Đức lên ngôi, đến 1885 (năm ký hiệp ước Thiên Tân giữa Pháp và Trung Hoa). Đây là giai đoạn biến động phức tạp trong lịch sử cận hiện đại của Việt Nam. Nghiên cứu về giai đoạn này, theo cách của Tsuboi: “Chúng tôi coi Chính phủ Việt Nam và người Việt Nam như những thực thể tự tại có phần độc lập hành động, chứ không như những đối tượng cam chịu sự đánh phá của người Pháp và người Hoa”, là một hướng tiếp cận khách quan cần thiết. Sách đã có những đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa Tự Đức và tầng lớp văn thân ở thời kỳ 1874 đến 1883.Đặc biệt, sách có những phân tích về nội tình triều đình Tự Đức khiến người đọc Việt Nam có cảm tưởng Yoshiharu Tsuboi am hiểu lịch sử Việt Nam giai đoạn này còn hơn rất nhiều người Việt. Do vậy, nhà văn Nguyên Ngọc đã phải thốt lên: “Ông cố tìm hiểu cái đất nước và xã hội này đến trong nội tạng sâu xa và cơ bản nhất của nó, ông tìm đến cái “tạng” của nó, từ bên trong”. Đó là hướng đi gian nan của một nhà nghiên cứu sử, và sử liệu cũng như những khám phá, đề xuất và gợi mở từ hướng đi này sẽ còn có ích lâu dài cho nhiều thế hệ nghiên cứu của Việt Nam.
Hồ Thị Ái Phương