1. Bối cảnh ra đời của tác phẩm
“Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là tác phẩm cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về chủ đề đạo đức cách mạng, được công bố trong dịp kỷ niệm lần thứ 39 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/1969), vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đang diễn ra quyết liệt để đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Đầu năm 1969, nhân dịp toàn Đảng, toàn dân ta chuẩn bị kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, lần kỷ niệm đầu tiên sau mấy năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xem đó là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
2. Vài nét về sự ra đời của tác phẩm
Đây là bài viết sau cùng của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Dù rất ngắn gọn, nhưng luận điểm được Người đề cập trong bài viết này mang tính tổng kết thực tiễn; bổ sung, phát triển tư tưởng, lý luận về xây dựng Đảng nói chung, về đạo đức nói riêng.
Nhận rõ tính cấp thiết của công tác tư tưởng chính trị ở thời điểm có ý nghĩa bước ngoặc của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 25/1/1969, Bác cho mời đồng chí phụ trách Tuyên huấn của Đảng đến giao nhiệm vụ chuẩn bị bài viết nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng. Bác nói rõ mục đích, nội dung và nhấn mạnh yêu cầu: ngắn, gọn, tập trung vào chủ đề: Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.(Và đó cũng là tên của bài báo).
Ngày 28/1/1969, Bác sửa lại bài viết rồi cho đánh máy thành nhiều bản gửi đến từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đề nghị tham gia ý kiến. Dưới hình thức tham gia một bài viết trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị có trong tay một tài liệu mà ngay câu đầu tiên là: Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.
Chiều ngày 30/1/1969, Bác cùng Văn phòng đọc lại ý kiến đóng góp của từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, bổ sung vào bản thảo, cho đưa đi đánh máy. Bác dặn đánh máy xong gửi lại để Bác sửa lần cuối.
Ba giờ rưỡi chiều ngày 1/2/1969, đồng chí phụ trách Tuyên huấn sang gặp Bác, xin bản thảo chính thức để kịp gửi đăng báo.
Cầm bản thảo cuối cùng do Bác tự tay đánh máy, đối chiếu bản thảo đầu do Ban Tuyên huấn chuẩn bị, đồng chí cán bộ tuyên huấn gượng cười thưa với Bác:
- Bác sửa hết cả rồi còn gì nữa đâu ạ!
Bác mỉm cười độ lượng:
- Bác chữa nhưng vẫn còn giữ nguyên ý chính của bài là: Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Cái đó là quan trọng nhất.
Đồng chí phụ trách Tuyên huấn xin phép với Bác cho sửa lại đầu đề bài báo, đưa vế Nâng cao đạo đức cách mạng lên lên trước vế Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, với lý do là cán bộ, đảng viên ta nói chung là tốt, ưu điểm là cơ bản.
Bác quay sang hỏi ý kiến đồng chí Văn phòng:
- Ý kiến chú thế nào?
Đồng chí cán bộ Văn phòng nhất trí với ý kiến đồng chí phụ trách Tuyên huấn.
- Ý kiến của các chú, Bác thấy cũng có lý. Nhưng Bác còn phân vân điều này, ví như: gia đình các chú tiết kiệm mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới, vậy trước khi kê vào phòng, các chú có quét dọn nhà cửa sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu mà khiêng bàn ghế, gường tủ vào?
Mọi người còn đang lúng túng chưa biết trả lời thế nào thì Bác đã nói:
- Vì cả hai chú đã đề nghị, là đa số, Bác đồng ý nhường bộ, đổi lại tên đầu bài: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Nhưng ở trong bài thì dứt khoát phải để nguyên ý của Bác, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.
Lời dạy đó của Bác đến hôm nay chúng ta càng thấy vô cùng sâu sắc. Sau hơn 50 năm, lời dạy của Người vẫn là phương hướng phấn đấu đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện nay để “giữ gìn Đảng ta thật trong sạch”, phải “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
3. Ý nghĩa của tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi ra đời, những lời dặn của Người trong tác phẩm vẫn vẹn nguyên giá trị đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn của Đảng ta hiện nay. Trong đó, điều quan trọng nhất theo Người là mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên, liên tục rèn luyện, quyết tâm phòng, chống và đấu tranh triệt để xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng.
Hồ Chí Minh luôn khẳng định cán bộ là gốc của mọi công việc, đạo đức là gốc của người cán bộ, muốn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém. Trong bài : Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh đánh giá, trong thực tế sản xuất và chiến đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống Mỹ, cứu nước “rất nhiều cán bộ, đảng viên tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ theo sau”. Thành tựu to lớn của quá trình đổi mới đã chứng tỏ đa số cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước vẫn xứng đáng với lời khen của Hồ Chí Minh từ năm 1969. Văn kiện Đại hội X nêu rõ: “Cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào công cuộc đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng. Đa số cán bộ, đảng viên phát huy được vai trò tiên phong, năng động, sáng tạo trong công tác, lao động rèn luyện phẩm chất, năng lực, có bước trưởng thành, đóng vai trò nồng cốt trong công cuộc đổi mới, góp phần xứng đáng vào thành quả chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ tạo ra cho chúng ta cơ hội để phát triển, mà cả những tác động tiêu cực vào đạo đức, lối sống. Biểu hiện cụ thể là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã trở nên nghiêm trọng hơn.
Thực trạng này đã được Hồ Chí Minh cẩn báo từ rất sớm mà nguyên nhân, như Bác đã chỉ rõ, là do một bộ phận cán bộ, đảng viên “đang mang một balô chủ nghĩa cá nhân”. Vì vậy, học tập và làm theo những lời dạy của Hồ Chí Minh, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” lúc này càng trở nên rất quan trọng và cần thiết. Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng. Người viết: “…bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm”, một trong những nguy cơ de dọa sự tồn vong của Đảng. “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Do vậy, điều quan trọng là đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ rõ, chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, khéo dỗ dành ta đi xuống dốc, vì thế càng nguy hiểm. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nó chờ dịp để phát triển, che lấp đạo đức cách mạng. Vì vậy, vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Người kết luận: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.
Theo Người, chủ nghĩa cá nhân chính là sự biểu hiện tập trung nhất của suy thoái đạo đức, lối sống, trở thành nguy cơ lớn đối với đảng cầm quyền. Chủ nghĩa cá nhân luôn hướng theo chủ nghĩa vị kỷ, tôn thờ “cái tôi”, coi nhẹ cái “chúng ta”, lấy mục tiêu “mọi người vì mình” làm mục đích sống, làm phương châm đối nhân xử thế. Nó không chỉ ảnh hưởng tới từng cá nhân, đối với dân tộc mà còn làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một kẻ thù nguy hiểm ngăn cản chúng ta đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Từ nhận định trên cho thấy, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng và đạo đức cách mạng, nó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hoá Đảng.
Nhận thức rõ, một khi chủ nghĩa cá nhân có điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển sẽ là mối nguy hại vô cùng to lớn cho Đảng và dân tộc, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, gây trở ngại lớn đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do vậy, trên cơ sở nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, chủ động đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên hiện nay là việc làm cần thiết, thường xuyên và là lương tâm, trách nhiệm của những người cộng sản chân chính.
Th.s Nguyễn Tấn Tài – Giảng viên Tổ LLCT