star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Xây dựng, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng cho đội ngũ giảng viên các trường đại học theo tấm gương tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh


Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của giáo dục là nhằm đào tạo ra những con người có đủ đức, đủ tài góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, giáo dục còn nhằm đào tạo ra những nhân tài cho đất nước, để cho Tổ quốc ta được sánh vai cùng cường quốc năm châu. Do vậy, để thực hiện được nhiệm vụ vẻ vang và vô cùng cao quý ấy thì các trường đại học cần phải có đội ngũ giảng viên vừa có chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy, vừa có phẩm chất, đạo đức tốt.

Đội ngũ giảng viên là lực lượng chủ yếu và trực tiếp làm nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy, rèn luyện sinh viên của các trường đại học. Có thể nói, đội ngũ giảng viên đóng vai trò quyết định chất lượng dạy học và đòi hỏi phải mất nhiều công phu xây dựng, bồi dưỡng. Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của đất nước qua các giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ nhà giáo Việt Nam. Người luôn đặc biệt chăm lo xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ trí thức quan trọng này cả đức và tài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Đối với các trường đại học thì yếu tố này càng trở nên quan trọng. Một bài giảng có tính thuyết phục cao và đạt kết quả tốt phải được kết hợp cả hai yếu tố: kiến thức, kỹ năng và “chất thầy” của giảng viên. Đó chính là “tư cách” và “tư chất” của người giảng viên giảng dạy. Sẽ không thể là địa chỉ đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tin cậy, nếu như đội ngũ giảng viên thiếu rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng. Do đó, trong xây dựng đội ngũ giảng viên đại học thì phẩm chất đạo đức phải là trước tiên và quan trọng nhất, như Hồ Chí Minh đã dạy “đức” và “tài”, trong đó “đức” luôn là “gốc”.

Đạo đức cách mạng của người cán bộ, giảng viên phải được thể hiện từ lời nói đến việc làm. Đạo đức ấy cần được tỏa sáng từ những công việc chuyên môn hàng ngày, từ trang giáo án, trên bục giảng và đi đến mọi ngõ ngách của cuộc sống đời thường… Đó là sự nhất quán của những phẩm chất đạo đức tốt đẹp cần được biểu hiện ở người cán bộ, giảng viên trong giai đoạn hiện nay.

Có thể khẳng định, người giảng viên đại học cùng với đội ngũ nhà giáo nói chung là người vẻ vang nhất trong xã hội. Bởi vì, xã hội ta, dân tộc ta rất "tôn sư trọng đạo". Nếu không có thầy giáo, không có giáo dục, thì không có những lớp người có đủ tài năng, trí tuệ để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nói chuyện với cán bộ, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ngày 21-10-1964), Người nhấn mạnh: "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được". Chính từ những lẽ đó, Người khẳng định: "Nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa".

Trên cơ sở nền giáo dục chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn rất sâu sắc về giáo dục - đào tạo cán bộ. Theo Người, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo cán bộ có những yêu cầu đặc thù riêng đối với các nhà giáo. Một yêu cầu đặc biệt quan trọng đó là, các nhà giáo giảng dạy ở nhà trường đào tạo cán bộ ngành nào, thì phải có trình độ hiểu biết thực tiễn sâu sắc về ngành ấy. Đã nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, giảng viên giảng dạy môn chuyên ngành nào thì phải thành thạo nghề nghiệp của ngành ấy. Người còn chỉ thị cho cơ quan lãnh đạo các ngành chuyên môn phải "gom góp tài liệu", cử người tham gia giảng dạy nhất là huấn luyện thực hành, nhằm sao cho cán bộ học ngành nào "dần dần đi đến thành thạo công việc ngành ấy".

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò và xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo Việt Nam bao gồm nhiều nội dung sâu sắc, có giá trị bền vững, có ý nghĩa thực tiễn cấp thiết hiện nay. Để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà trong những năm tới, đối với đội ngũ giảng viên đại học hiện nay cần phải quán triệt sâu sắc các nội dung giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua học các chủ đề hàng năm. Tập trung làm rõ, làm sâu sắc các phẩm chất: Cần , Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, vô tư. Học tập tấm gương của Bác phải tạo được sự chuyển biến thực sự, phải kiểm điểm những việc đã làm được, biểu dương những cá nhân điển hình tiên tiến, đồng thời  chỉ  ra  những  hạn  chế,  tồn  tại  và  tìm  kiếm những giải pháp khắc phục thật hiệu quả.

Hai là, là giảng viên đại học thì luôn phải tự rèn luyện bản thân về phẩm chất đạo đức, lối sống, chấp hành nghiêm túc chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, xây dựng hình ảnh đẹp của người giảng viên trước sinh viên. Học tập và làm theo phong cách nêu gương của Bác, giảng viên đại học luôn xác định phải rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, coi đây là công việc thường xuyên như rửa mặt hằng ngày. Yếu tố đầu tiên trong phẩm chất người thầy là đạo đức nghề nghiệp, thể hiện ở sự tâm huyết, lối sống chuẩn mực, nghiêm túc, gần gũi với sinh viên, đoàn kết với đồng nghiệp.

Ba là, xây dựng phong cách ứng xử của người giảng viên khi ứng xử với sinh viên phải là tấm gương về đạo đức cách mạng, tác phong, tư duy, bản lĩnh chính trị; lắng nghe ý kiến của sinh viên; có thái độ lịch sự, đúng mực khi giao tiếp; tôn trọng ý kiến của sinh viên; thể hiện phong cách mẫu mực khi đứng lớp và trong cuộc sống. Là giảng viên hơn ai hết phải tận tụy với công việc, có ý thức trách nhiệm, say mê, nhiệt huyết với công việc, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng.

Bốn là, xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất, trên tinh thần “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; tạo sự đồng thuận cao trong công tác. Hình thành một đội ngũ giảng viên vững về lập trường tư tưởng, giàu về phẩm chất chính trị, cao về trình độ chuyên môn, giỏi về năng lực giảng dạy, thực sự mẫu mực, đạo đức và văn minh.

Năm là, mỗi giảng viên xây dựng cho mình nguyên tắc làm việc, nguyên tắc sống khoa học. Và với người giảng viên đại học, để có phong cách làm việc khoa học, trong giao tiếp, ứng xử và trong mọi mặt công tác, cuộc sống thể hiện được tính mô phạm cần xây dựng cho mình nguyên tắc sống và làm việc để dựa vào đó không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho bản thân.  

Xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ giảng viên các trường đại học trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng và cần thiết cả trước mắt và lâu dài. Vì nhiệm vụ của người giảng viên không chỉ giảng dạy về chuyên môn mà còn có trách nhiệm bảo vệ đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, giảng viên phải là những người có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng. Và phải có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp đổi mới đất nước, có lối sống giản dị, trong sạch, tiết kiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ công tác.

 

                         Th.s Hoàng Thị Kim Oanh – Giảng viên Tổ LLCT