star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới


Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới

 

                                  Từ vô vàn khó khăn, thách thức trong những ngày đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; sự tàn phá nặng nề của các cuộc chiến tranh; những tác động to lớn của thế giới, khu vực, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những điểm sáng phát triển kinh tế của khu vực cũng như trên thế giới, với những thành tựu nổi bật, thể hiện rõ cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

                                  Trong thời kỳ Pháp thuộc (1884-1945) kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất công nghiệp nhỏ bé và què quặt. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền non trẻ của Việt Nam phải đối mặt với tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", trong đó, có những khó khăn chồng chất về kinh tế. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Việt Nam tập trung tái thiết và phát triển kinh tế; tuy nhiên, do hậu quả của chiến tranh nặng nề, nền kinh tế Việt Nam đã phải trải qua một thời kỳ khủng hoảng kéo dài trong những năm 1970, 1980. Để vượt qua những khó khăn đó, quá trình đổi mới được khởi xướng năm 1986.

                                  Nhờ thực hiện những cải cách, Việt Nam đã đạt được những bước tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Kể từ năm 1990, GDP của Việt Nam tăng gần gấp 3 lần, tỷ lệ GDP bình quân hàng năm ước đạt 7,5%, liên tục tăng cho tới khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra năm 2008. Quy mô GDP (tính theo USD) liên tục tăng, đạt hơn 262 tỷ USD năm 2019. Tiềm lực kinh tế được tăng cường, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên bản đồ kinh tế thế giới và khu vực. GDP bình quân đầu người liên tục tăng; năm 2006, sau 20 năm đổi mới, GDP bình quân đầu người đạt 784,4 USD/người, đến năm 2020 đạt 2.859 USD/người, dự báo năm 2025 đạt 4.700 USD/người. Sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên rõ rệt... Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực cũng như trên thế giới. Việt Nam sẽ lọt vào tốp 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2050.

                                  1. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tiềm lực nền kinh tế

                                  Công nghiệp đã trở thành ngành kinh tế chủ lực của đất nước với tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế và có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước (xấp xỉ 55%), đóng góp khoảng 28,2% GDP vào năm 2020 và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ 26 trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2018. Tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng từ 72,84% năm 2011 lên 85,92% năm 2019 và ước lên 86,2% năm 2021.

                                  Cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm, ngư nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn, giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng thủy hải sản, lâm nghiệp. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản liên tục tăng, góp phần nâng cao giá trị nông sản, đồng thời khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nông sản của Việt Nam hiện có mặt trên thị trường hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; khoảng 40 loại rau, hoa quả tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ; nhiều mặt hàng được xuất khẩu sang thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ca-na-đa, Úc, Niu-di-lân, Nga...

                                  Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ nhanh, ngày càng có chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước ngày càng tăng.

                                  2. Triển khai kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

                                  Việc phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN tại Việt Nam đã mang lại hiệu quả cao. Qua gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Từ chỗ nghèo nàn, lạc hậu, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đã vươn lên, là một trong những nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực, có độ mở lớn hàng đầu thế giới và cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới. Trong hai năm 2018, 2019 mặc dù kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng hơn 7%. Hiện nay, khi kinh tế toàn cầu chao đảo vì đại dịch Covid-19, các nền kinh tế nhìn chung đều suy thoái, tăng trưởng âm thì WB vẫn lạc quan dự báo kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đứng thứ 5 thế giới trong năm 2020 (khoảng 2,8%) và có thể lên 4,8% cho cả năm 2021.

                                  Việt Nam đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế nên thị trường của nền kinh tế Việt Nam mở ra rất rộng. Việt Nam là thị trường mới nổi hấp dẫn hàng đầu, là cánh cửa để vào nhiều thị trường lớn. Theo dự báo, tới đây có thể có một xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế tới Việt Nam.

                                  Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam được quốc tế công nhận rộng rãi, đến nay đã có 71 nước công nhận Việt Nam là một nền KTTT. Khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2015 đến đầu năm 2021 đã có 601,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới (tăng bình quân 13,1%/năm). Tính riêng năm 2020, đã có hơn 138,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, trong đó có những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực tốt như các Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Hòa Phát, Thành Công, Vinamilk, TH True Milk. Theo công bố của Tạp chí Forbes, hiện nay Việt Nam có 4 tỷ phú lọt vào danh sách các tỷ phú của thế giới.

                                  3. Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng

                                  Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng thứ 6/30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (chợ) sang hệ thống hạ tầng hiện đại (siêu thị và trung tâm thương mại). Việt Nam hiện có khoảng gần 1.000 siêu thị và 200 trung tâm thương mại, chiếm khoảng 25-26% tổng mức bán lẻ.

                                  Đến nay, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng phát triển, đã trở thành một trong những khu vực năng động nhất của nền kinh tế. Hiện đã có 136 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. 

                                  Từ một nước trước đây phải trông chờ vào hàng nhập khẩu, viện trợ từ nước ngoài thì đến nay, Việt Nam đã dần dần kiểm soát và giảm dần mức độ nhập siêu. Theo đó, cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện đáng kể. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt tới con số hàng trăm tỷ USD, làm thay đổi diện mạo của ngoại thương Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 là 96,91 tỷ USD. Năm 2019, lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mốc 500 tỷ USD. Cả năm 2019, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư khoảng 9,94 tỷ USD. Trong bối cảnh bị tác động của Covid-19, 6 tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư gần 11 tỷ USD. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực. Thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam. Đặc biệt, khối doanh nghiệp trong nước đã có mức tăng trưởng cao vượt doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

                                  Việt Nam đã chủ động và tích cực trong việc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Tính đến đầu năm 2021, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, có quan hệ thương mại với 224 đối tác; có quan hệ với hơn 500 tổ chức quốc tế; 71 nước công nhận thị trường tự do cho Việt Nam; các địa phương đã ký kết 420 thỏa thuận quốc tế với các địa phương, đối tác, doanh nghiệp nước ngoài. Việc ký kết các hiệp định thương mại đã mở rộng và đa dạng hóa thị trường, quan hệ bạn hàng với nhiều nền kinh tế phát triển, trong đó, đáng chú ý là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Điểm sáng trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam còn là việc phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 để thúc đẩy triển khai Cộng đồng kinh tế ASEAN và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác.

                                  Việc thực hiện cắt giảm thuế quan đã có tác dụng tích cực đến kết quả phát triển thương mại. Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 230 nước, vùng lãnh thổ. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, dòng vốn đầu tư nước ngoài không ngừng chảy vào Việt Nam và trở thành nguồn lực, động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2011 đến nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn ở mức bình quân 23%/năm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác tài chính trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế.

                                  4. Tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên về chất, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng

                                  Giai đoạn 1986 - 1990, mặc dù khủng hoảng kinh tế kéo dài nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng 4,4%/năm. Bình quân giai đoạn 1991 - 2011 đạt 7,34%/năm. Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, năm 2007 tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,46%. Năm 2008 Việt Nam gia nhập nhóm nước có nền kinh tế trung bình; đến năm 2018, có mức GDP bình quân đầu người khoảng 2.540 USD và đạt hơn 2.700 USD năm 2019. Năm 2019, tốc độ tăng GDP cả nước đạt 7,02%, là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. Tính chung, giai đoạn 1991 - 2019, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt hơn 6,9%/năm; quy mô nền kinh tế tăng 27,24 lần năm 2019 so với năm 1991, đạt mức hơn 262 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số xếp hạng về quy mô GDP được cải thiện rõ rệt, từ vị trí thứ 76 thế giới năm 1991 đã tăng lên thứ 47 năm 2019 và thứ 44 năm 2020.

         Từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu và khu vực châu Á suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm. Tuy nhiên, GDP của Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương, gần 2%. Tháng 5/2020, Tạp chí The Economist xếp Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi, thuộc nhóm an toàn trong bối cảnh đại dịch. Đáng chú ý, theo Ngân hàng thế giới (WB) Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 thế giới trong năm 2020; đạt tăng trưởng 2,8% cho cả năm 2020 và dự báo đạt 4,8% năm 2021.

                                  Có thể nói, từ một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề và một phần do những sai lầm của cơ chế quản lý kinh tế tập trung, bao cấp, hiện nay kinh tế nước ta đã duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; đầu tư xã hội, năng lực sản xuất kinh doanh tăng mạnh; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên về chất; hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng... Có kết quả đó là nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, linh hoạt, phù hợp của Đảng, Nhà nước; sự tin tưởng, ủng hộ, đồng hành của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước; khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc Việt Nam./.

 

Th.s Nguyễn Thị Hải Lên – Giảng viên Tổ LLCT