star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Mối quan hệ giữa Đảng và dân dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh


Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định: Nhân dân là người sáng tạo ra mọi của cải vật chất và những giá trị tinh thần, là người làm nên lịch sử, là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội. Nhân dân là lực lượng cơ bản và là động lực của mọi cuộc cách mạng. Phát triển sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định “Dân là gốc của nước” của cách mạng mà còn đặt nhân dân ở vị trí tối thượng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Dân là chủ: “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Tư tưởng "Dân là gốc của nước" và bài học kinh nghiệm "lấy dân làm gốc" cũng như mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền với dân hiện nay vẫn là vấn đề có ý nghĩa rất to lớn, thiết thực và phức tạp cần phải được nghiên cứu, giải quyết cả về lý luận và thực tiễn. Kinh nghiệm của toàn bộ lịch sử thế giới và từng quốc gia, dân tộc đã chỉ ra rằng: đối với những người cầm quyền, có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả. Đối với một Đảng cầm quyền, xa dân, không hiểu dân, mất dân là một trong những nguy cơ đáng sợ.

Đảng ta ngay từ khi mới thành lập, xuất phát từ lợi ích của dân, gắn bó chặt chẽ với dân, có cương lĩnh và sách lược đúng đắn, phù hợp với nhu cầu nguyện vọng của dân nên đã được xã hội và các tầng lớp nhân dân thừa nhận là người lãnh đạo. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã thật sự được nhân dân yêu mến, tin cậy và ủng hộ, do đó đã làm Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, trở thành Đảng cầm quyền, và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975).

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta được thông qua tại Đại hội VII (tháng 6-1991) khẳng định: "Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của mối quan hệ này. Theo Người, quan hệ giữa Đảng với nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ của Đảng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh khẳng định: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”, do đó, “Một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta với dân chúng”.

Phải học hỏi, liên hệ, bàn bạc với dân và lắng nghe ý kiến của dân. Đây là một bài học lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước đây, Người đã tổng kết: kinh nghiệm các địa phương cho thấy rằng nơi nào công việc kém là vì cán bộ cách xa dân chúng, không cùng dân chúng bàn bạc, không giải thích. Nơi kha khá là vì cán bộ biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc, nhưng chưa hoàn toàn. Nơi nào khá lắm là vì việc gì to nhỏ, cán bộ cũng biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc đến nơi đến chốn, dựa vào dân chúng. Dân chúng có nhiều tai mắt, nhiều kinh nghiệm. Lắng nghe dân là cách tốt nhất để tiếp thu kinh nghiệm của dân. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra ở đây là nghe dân là phải nghe ý kiến của tất cả mọi người, của những người "không quan trọng" theo cách nói của Bác. Cũng cần phải nhắc lại rằng lúc sinh thời, để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc và giải quyết mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và Dân, Bác có quan điểm về Dân hết sức độc đáo. Người mở rộng biên độ khái niệm Dân đến tất cả những ai vẫn còn thừa nhận mình là con dân nước Việt. Người trân trọng hai tiếng "đồng bào". Người thường nhắc đến "con Rồng cháu Tiên", "gốc tích Việt Nam", "Hồng Bàng là tổ nước ta", "người chung một nước"... Trên cơ sở lấy liên minh công nông làm gốc, Người cố tìm mẫu số chung của toàn dân tộc thay vì khoét sâu sự cách biệt.

Trọng dân, tin dân, yêu dân, kính dân. Kinh nghiệm cho biết: chúng ta có yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Lúc sinh thời, Bác đã cảnh cáo nguyên nhân của bệnh quan liêu là do xa nhân dân, khinh nhân dân, không tin tưởng nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không yêu thương nhân dân. Theo Người, những người không trọng dân vì học cho là "dân ngu khu đen", bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình. Còn những người không tin dân là vì họ quên rằng không có lực lượng nhân dân thì việc dễ mấy, nhỏ mấy làm cũng không xong bởi “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy cũng làm được. Tôn trọng và tin tưởng nhân dân là tôn trọng và tin tưởng những người làm ra lịch sử, những người sáng tạo ra của cải, vật chất, những người được sánh với Trời, Đất theo triết học phương Đông như Bác đã khẳng định "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân".

Muốn giải quyết tốt mối quan hệ Đảng - Dân, trước hết cần phải hiểu dân, nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý. Dân là lực lượng to lớn nhất. Nếu không có nhân dân thì không đủ lực lượng. Dân như nước, mình như cá... Nhưng điều quan trọng trong việc hiểu dân không phải chỉ ở chỗ thấy lực lượng to lớn mà chính là ở trí tuệ của dân. Hồ Chí Minh từng nói: "Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra". Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, đáng tự hào. Một trong những nguyên nhân cơ bản là nhờ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Dân. Nhưng hiện nay đang nổi lên một vấn đề bức xúc, đó là nhân dân "bất bình trước những bất công xã hội" (Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khoá IX) đặt ra điều mà Bác đã từng cảnh báo:

“Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng

Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên".

Sự không công bằng, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí đúng là nguy hiểm và đáng sợ hơn cả sự thiếu thốn vì chính nó làm xói mòn lòng tin của nhân dẫn khiến cho lòng dân không yên. Chúng ta không chấp nhận sự thiếu thốn nghèo đói mà phải phấn đấu thực hiện tăng trưởng kinh tế cao, không để tụt hậu ngày càng xa hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới Nhưng giàu mà lãng phí, không công bằng còn nguy hiểm hơn cả sự nghèo, thiếu. Tất cả chúng ta đều biết, lúc sinh thời điều ham muốn tột bậc của Bác là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Những sai lầm, khuyết điểm đó nếu không kiên quyết sửa chữa, lại bị kẻ địch trong và ngoài nước lợi dụng phá hoại thì sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại không lường được đối với sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, Đảng ta cần sớm nhận rõ nguy cơ này, và phải sớm đổi mới, chỉnh đốn về mối quan hệ giữa Đảng và dân, giữ cho mối quan hệ giữa Đảng và dân được trong sáng và ngày càng vững chắc, tốt đẹp.

Trên những chặng đường tiếp theo của sự nghiệp xây dựng đất nước, với những tiềm lực mới, những kinh nghiệm và bài học đó tích lũy trong cách mạng giải phóng dân tộc và trong giai đoạn đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất định Đảng ta, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, sẽ đủ năng lực và bản lĩnh, vượt qua những hạn chế, khó khăn, thách thức để lãnh đạo cách mạng đi tới thắng lợi vinh quang./.

 

Th.s Nguyễn Tấn Tài – Giảng viên Bộ môn LLCT